Tai nạn lưỡi cưa điện văng vào mắt
Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh Cà Mau tiếp nhận và cấp cứu kịp thời ca chấn thương vỡ nhãn cầu mắt phải. Bệnh nhân L.H.C. (62 tuổi, trú tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) trong quá trình lao động có sử dụng máy cưa điện cầm tay để cắt ống nước, bất ngờ lưỡi cưa vỡ văng vào mắt.
Sau tai nạn, người nhà đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau trong tình trạng kết mạc cương tụ, giác mạc thủng, không thấy dị vật. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, kết quả xác định bệnh nhân bị chấn thương vỡ nhãn cầu và đã được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Sau gần 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã khâu hồi phục vị trí bị vỡ, phục hồi kết mạc bị tổn thương, ca phẫu thuật kết thúc an toàn.
BS Nguyễn Chí Tân, Trưởng Khoa Điều trị mắt, Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau cho biết: Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời, được êkip hội chẩn nhanh và phẫu thuật ngay trong đêm. Đây là ca chấn thương mắt nặng, tuy phẫu thuật giữ được mắt nhưng tỷ lệ hồi phục thị lực là rất thấp.
Cách xử trí chấn thương mắt tại nhà
Theo BSCKII. Vũ Anh Lê - BV Mắt Trung Ương xử trí chấn thương mắt ban đầu đúng cách sẽ tránh làm tổn thương mắt nghiêm trọng hơn và giúp phần xử lý tiếp theo được thuận lợi, góp phần phục hồi mắt về sau tốt hơn. BS Vũ Anh Lê hướng dẫn cách xử trí chấn thương mắt tại nhà như sau:
- Đối với chấn thương phần phụ của mắt: mi mắt, hốc mắt, lệ đạo
+ Nếu là chấn thương đụng giập như bầm máu mi mắt, sưng phù, tụ máu quanh hốc mắt nên sử dụng băng che mắt lại rồi đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để khám và điều trị.
+ Nếu là chấn thương xuyên thủng có gây rách và chảy máu phải cầm máu ngay, có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt thông dụng như chloramphenicol... Tra pomade kháng sinh và băng mắt lại sau đó đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để được khâu vết thương.
- Đối với chấn thương trong mắt, giác mạc (lòng đen) và kết mạc (lòng trắng)
+ Đối với dị vật kết giác mạc (bụi, mạt sắt): tránh dụi mắt vì có thể làm dị vật ghim sâu hơn hay làm trầy lòng đen. Hãy chớp mắt vào ly nước sạch giúp dị vật trôi ra ngoài. Nếu không được, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được lấy ra.
+ Đối với các trường hợp bỏng mắt: Dù do bất cứ nguyên nhân gì đều phải rửa mắt ngay tại chỗ bằng các loại nước sạch có sẵn, rửa càng nhiều càng tốt (có thể để mắt dưới vòi nước máy để rửa hoặc vục mặt vào thau nước lớn để rửa từ 5 - 10 phút).
Trừ trường hợp bỏng vôi sống phải lấy hết vôi ra trước khi tiến hành rửa mắt vì vôi sống gặp nước mắt sẽ sôi lên gây thêm bỏng nhiệt. Sau đó, băng mắt và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt không được chậm trễ vì bất cứ lý do gì.
+ Đối với các trường hợp có vết thương xuyên thủng trong mắt kèm dịch nhầy nhớt, lẫn máu: băng mắt ngay và chuyển đến cơ sở có chuyên khoa mắt gần nhất, không rửa mắt bằng nước và tuyệt đối không được tự ý lấy những vật lạ như đất, đá, cây… cắm trong mắt ra.
Chú ý: Băng mắt nhẹ nhàng, không nên ép chặt vì các tổ chức nội nhãn sẽ phòi ra hết. Nên băng che hoặc dùng khiên che bảo vệ mắt có lỗ sẽ tiện lợi hơn.
Tóm lại: Điều trị chấn thương mắt rất phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian nhưng kết quả thường không như mong muốn. Do vậy, phòng tránh chấn thương, bảo vệ mắt là biện pháp hiệu quả nhất, thiết thực nhất.
Cảnh Giác Với Chủng Vi Rút Nguy Hiểm Của Bệnh Tay Chân Miệng | SKĐS