Hà Nội

Sơ cứu chảy máu mũi

19-09-2014 06:27 | Y học 360
google news

SKĐS - Con gái tôi 9 tuổi, hay bị chảy máu mũi, nhất là khi nô đùa với bạn. Mỗi khi cháu bị chảy máu mũi, tôi lúng túng không biết phải sơ cứu thế nào.

Con gái tôi 9 tuổi, hay bị chảy máu mũi, nhất là khi nô đùa với bạn. Mỗi khi cháu bị chảy máu mũi, tôi lúng túng không biết phải sơ cứu thế nào. Xin bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu trẻ bị chảy máu mũi?

Đỗ Ngọc Hoàng (dongochoang478@gmail.com)

Trẻ em chảy máu mũi thường bắt đầu ở vách mũi. Chảy máu mũi thường tự phát và khó cầm, nên cha mẹ cần biết cách sơ cứu trước khi đưa trẻ đến bệnh viện.

Cách sơ cứu như sau: để trẻ ngồi thẳng và cúi đầu về phía trước. Ngồi thẳng giúp làm giảm áp lực các mạch máu ở mũi, có tác dụng hạn chế chảy máu. Cúi đầu giúp máu chảy ra ngoài, tránh hít phải hoặc nuốt máu. Kẹp mũi: người sơ cứu dùng hai đầu ngón trỏ và ngón cái kẹp cả hai lỗ mũi, bảo trẻ há miệng ra thở bằng miệng. Nên kẹp mũi trong 5 - 10 phút, giúp ép thành mũi và vách mũi, đồng thời làm tăng áp lực mũi, do vậy giúp hạn chế hoặc làm ngừng chảy máu. Nếu chảy máu tái phát, bảo trẻ xì mũi mạnh để làm sạch mũi, sau đó xịt mũi bằng thuốc xịt chứa các thuốc co mạch như oxymetazoline hay các thuốc khác. Sau đó kẹp mũi bằng tay như trên, gọi cho bác sĩ hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị. Phải đưa trẻ đi cấp cứu khi bị chảy máu kéo dài trên 20 phút; chảy máu mũi sau tai nạn, sau chấn thương đầu, chấn thương mũi.

Phòng tránh chảy máu mũi: dạy trẻ không ngoáy mũi hoặc xì mũi mạnh, luôn giữ đầu cao hơn tim, không để đầu thấp trong ít nhất vài giờ sau chảy máu mũi. Tránh nô đùa va quệt vào mũi.

BS. Nguyễn Minh Hiền


Ý kiến của bạn