Đến 80% tổng số bệnh nhân là bỏng nông trên diện hẹp, chiếm dưới 20% diện tích da của cơ thể. Đối với loại bỏng này, điều trị: cho bệnh nhân nghỉ ngơi, giảm đau và chống bội nhiễm.
Số 20% còn lại là bỏng vừa rộng vừa sâu. Loại này rất nặng, cần phải tập trung hồi sức tích cực, đặc biệt trong 8 giờ đầu.
Nguyên nhân của bỏng
Bỏng do nhiều nguyên nhân: bàn là nóng, bô xe máy, cháy nổ bình ga, hỏa hoạn, nước sôi, hơi nước nóng, điện, hóa chất sinh hoạt, bức xạ...
Bỏng do nhiệt: do nước sôi, do bỏng xăng… Có thể bỏng do nhiệt độ thấp: nước đá, nitơ lạnh…
Bỏng do tia lửa điện (đặc biệt là điện cao thế), do sét đánh.
Bỏng do hóa chất: phospho, axít, xút…
Bỏng do phóng xạ.
Mức độ bỏng
Tình trạng của cơ thể khi bị bỏng phụ thuộc vào 3 yếu tố:
Độ sâu của bỏng, diện tích của vết bỏng, vị trí của vết bỏng trên cơ thể.
Độ sâu của vết bỏng:
Bỏng được phân loại theo độ sâu thành 3 độ:
Độ I: bỏng bề mặt. Trường hợp này chỉ lớp ngoài cùng da bị tổn thương làm cho da nơi bị bỏng đỏ ửng lên và đau rát do đầu mút đây thần kinh bị kích thích. Loại bỏng này thường lành hẳn sau 3 ngày.
Độ II: bỏng một phần da. Trường hợp này thì lớp biểu bì và một phần của lớp chân bì bị tổn thương, các túi phỏng nước được hình thành, nếu các túi bỏng nước được hình thành, nếu các túi phỏng nước vỡ ra sẽ để lộ một bề mặt màu hồng và cũng rất đau. Nếu được giữ sạch vết bỏng sẽ tự lành sau khoảng 1 - 4 tuần không cần điều trị gì mà cũng không để lại sẹo hoặc sẹo nhưng không đáng kể. Nhưng tổ chức da sau khi lành vết bỏng có thể đỏ trong một thời gian dài hơn. Nếu bỏng độ II bị nhiễm khuẩn thì lớp da dưới sẽ bị phá hủy và bỏng độ II chuyển thành bỏng độ III.
Đối với bỏng một phần da, nếu được giữ sạch vết bỏng sẽ tự lành sau khoảng 1 - 4 tuần không cần điều trị gì mà cũng không để lại sẹo.
Độ III: bỏng toàn bộ các lớp da: toàn bộ các lớp da đều bị tổn thương bao gồm cả lỗ chân lông và tuyến mồ hôi. Vết bỏng trắng nhợt hoặc xám lại, khô cứng và mất cảm giác (không đau) và các đầu nút dây thần kinh bị phá hủy.
Diện tích vết bỏng:
Bỏng càng rộng thì càng nguy hiểm hơn vì bỏng càng rộng càng gây mất nhiều dịch của cơ thể, gây đau nhiều hơn, dễ bị sốc và nhiễm khuẩn. Đối với người lớn nếu bỏng từ 15% trở lên và trẻ em từ 10% trở lên phải được coi là bỏng nặng và phải được chuyển tới bệnh viện.
Vị trí vết bỏng trên cơ thể:
Bỏng ở những vùng khác nhau cũng có ý nghĩa rất lớn đối với tính mạng và quá trình hồi phục.
Ví dụ: bỏng ở vùng mặt, cổ có thể gây phù nề chèn ép đường thở dễ bị sẹo xấu và sự biến dạng. Bỏng ở mắt có thể dẫn đến mù. Bỏng ở bàn tay hoặc vùng các khớp có thể dẫn đến co cứng, mất hoặc giảm chức năng hoạt động...
Xử trí bỏng
Khi bị bỏng, cần quan sát thật kỹ và tùy theo nguyên nhân mà xử trí. Nên lưu ý trong những trường hợp phức tạp, phải bình tĩnh xem xét một cách tổng quát để giúp đỡ nạn nhân tốt nhất và tránh việc mình trở thành nạn nhân. Đảm bảo hiện trường an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân, đặc biệt khi nguyên nhân bỏng là do hóa chất, phóng xạ, cháy nổ...
Sau đó sơ cứu theo thứ tự ưu tiên. Nếu nạn nhân có vấn đề về đường thở, chấn thương cột sống, chảy máu cần phải xử trí trước. Trường hợp nạn nhân còn tỉnh, cần nhanh chóng uống bù nước.
Xử trí vết thương nhanh chóng, nhẹ nhàng tránh đau cho nạn nhân. Cách xử trí bỏng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
Ví dụ bỏng do nhiệt là loại hay gặp nhất, chiếm từ 60 - 75% các loại bỏng, nguyên nhân do lửa, nước sôi, tiếp xúc vật nóng. Công tác sơ cứu cần tiến hành tuần tự các bước dưới đây:
Bước 1: loại bỏ nguyên nhân gây bỏng càng sớm càng tốt như dập lửa, cởi bỏ quần áo đang cháy hoặc ngấm nước sôi, tách nạn nhân khỏi vật nóng...
Bước 2: việc sử dụng nước sạch để làm mát vùng bỏng chỉ có giá trị trong khoảng 30 phút đầu sau khi bị bỏng nên cần nhanh chóng ngâm vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát. Đây là biện pháp đơn giản nhưng khá quan trọng trong sơ cấp cứu bỏng ban đầu. Nếu không thể ngâm cơ thể vào nước mát, có thể dùng cách dội nước mát hoặc đắp khăn mát lên vùng bị bỏng, tiến hành khoảng 15 - 20 phút. Nếu mùa đông cần giữ ấm các phần khác của cơ thể.
Bước 3: đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị.