Sơ cấp cứu nạn nhân đúng và kịp thời, giảm tử vong

26-08-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 25/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề “Ứng phó cấp cứu sau tai nạn giao thông - Vai trò cấp cứu ban đầu”.

Sáng 25/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề “Ứng phó cấp cứu sau tai nạn giao thông - Vai trò cấp cứu ban đầu”. Hội thảo tập trung vào việc thảo luận tầm quan trọng cấp cứu chấn thương ban đầu và chất lượng đào tạo cấp cứu chấn thương hiện nay. Theo đó nếu làm tốt việc sơ cấp cứu ban đầu có thể giảm từ 10-15% số người chết do tai nạn giao thông (TNGT).

Nhiều người bị TNGT không được cấp cứu kịp thời, đúng cách: Tàn tật suốt đời

Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, tai nạn thương tích là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là tử vong do TNGT. Dọc các tuyến quốc lộ, hầu hết đều có trạm y tế nhưng có trạm lại nằm xa đường, khoảng cách giữa các trạm không đồng đều, chủ yếu tập trung ở vùng đông dân cư. Số lượng nhân viên các trạm rất ít, trình độ cấp cứu tai nạn, chấn thương còn hạn chế... Ngoài ra, một số tuyến đường cao tốc mới mở có ít, thậm chí là không có trạm y tế. Không ít người bị gãy đốt sống cổ, gãy khung chậu đã tử vong trong lúc được khiêng lên cáng, lên ôtô. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia, nếu đào tạo được kiến thức cấp cứu cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cấp cứu dọc các tuyến đường thì mỗi năm nước ta có thể giảm được 10-15% số người bị chết do TNGT. Tuy nhiên, có những trường hợp, do thiếu phương tiện và con người cấp cứu nên nạn nhân bị thương nặng hơn hoặc rơi vào tình trạng nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến tử vong. Do đó, việc tổ chức sơ cấp cứu ban đầu do TNGT là vô cùng quan trọng.

Việc sơ cấp cứu ban đầu nạn nhân tai nạn giao thông là vô cùng quan trọng.(ảnh minh họa)

Đồng tình với ông Lương Ngọc Khuê, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sơ cấp cứu ban đầu đối với nạn nhân TNGT làm tốt việc này góp phần giảm thiểu thiệt hại về người trong các vụ TNGT. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Trong vòng 1 giờ đầu tiên sau tai nạn được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn là do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng hoặc đường thở bị tắc, hoặc do mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này có thể xử trí được nhờ sơ cấp cứu. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong có thể giảm từ 15-20% nếu công tác sơ cấp cứu được làm đúng và kịp thời.

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết, hàng năm BV tiếp nhận khoảng 35.000 trường hợp cấp cứu tai nạn thương tích, trong đó có trên 15.000 trường hợp TNGT (chiếm 51,7%). Điều đáng tiếc là khi đưa nạn nhân đến BV, đa số đều được sơ cấp cứu không đúng quy cách, chưa đạt yêu cầu. Trên thực tế, nhiều người bị TNGT không được cấp cứu kịp thời, đúng cách, dẫn đến tàn tật suốt đời, thậm chí tử vong. Do đó, việc sơ cấp cứu ban đầu là vô cùng cần thiết, vì vậy phải nâng cao chất lượng cấp cứu chấn thương ban đầu bao gồm nâng cao cấp cứu cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị, tổ chức phối hợp các nguồn lực từ cộng đồng cùng các cơ sở y tế bao gồm cấp cứu 115..., trong đó việc đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng cho người làm cấp cứu ban đầu cần được quan tâm.

Giải pháp nào nâng cao hiệu quả cấp cứu ban đầu?

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, khi xảy ra TNGT, để đáp ứng và thực hiện cấp cứu nạn nhân trong “thời gian vàng” trước khi đến BV là rất khó. Bởi vì, cấp cứu tại hiện trường phần lớn do cộng đồng (người dân) thực hiện. Do vậy đa số không đạt yêu cầu về chuyên môn. Đặc biệt, nhiều nạn nhân không được vận chuyển đến BV bằng các xe cấp cứu chuyên dụng mà bằng các phương tiện như: taxi, xe ôm, thậm chí bằng cả xe tải. Tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân chúng ta chưa có hệ thống đào tạo chuyên ngành cấp cứu trước BV. Do chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu cơ hội nâng cao tay nghề, chưa được nhân dân và cán bộ y tế ủng hộ nên nhân viên phục vụ trên xe cấp cứu chưa gắn bó với nghề, thường chuyển sang BV khác khi có điều kiện. Một yếu tố xã hội khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến cấp cứu TNGT, đó là còn tồn tại quan niệm việc cấp cứu TNGT là “công việc của riêng ngành y tế”, vì vậy những lực lượng khác như lái xe... chưa được đào tạo về cấp cứu TNGT hoặc chưa nhiệt tình tham gia cấp cứu TNGT.

Để khắc phục thực trạng trên, TS. Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, giải pháp then chốt thời gian tới là nâng cấp hệ thống quản lý thông tin liên lạc, như: quản lý xe cứu thương, các đội cấp cứu tại trung tâm hoặc tại các trạm bằng hệ thống định vị toàn cầu một cách hiệu quả. Đặc biệt, cần có liên lạc giữa hiện trường, xe cấp cứu và trung tâm điều phối thông tin với các khoa cấp cứu, các BV. Đồng thời triển khai thực hiện tốt đề án của Chính phủ, hy vọng số người tử vong do TNGT ngày càng giảm thiểu trong thời gian tới.

Trần Lâm

 

 


Ý kiến của bạn