Số ca viêm não Nhật Bản B tăng vọt

28-06-2014 15:57 | Thời sự

SKĐS - Từ đầu năm đến nay, BV Nhi TW tiếp nhận gần 130 ca viêm não - không tăng so với các năm trước. Nhưng tỷ lệ trẻ bị viêm não Nhật Bản B lại tăng vọt lên 36 ca - chiếm gần 30%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 8%...

 

Từ đầu năm đến nay, BV Nhi TW tiếp nhận gần 130 ca viêm não - không tăng so với các năm trước. Nhưng tỷ lệ trẻ bị viêm não Nhật Bản B lại tăng vọt lên 36 ca - chiếm gần 30%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 8%...

Mặt khác, trong số 2 ca tử vong vì viêm não Nhật Bản tại bệnh viện tính đến thời điểm này đã có 1 ca dương tính với viêm não Nhật Bản B, ca còn lại có liên quan. Đây là những thông tin liên quan đến bệnh viêm não Nhật Ban được TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc BV Nhi TW cho biết.

Đa phần bệnh nhân viêm não Nhật Bản B đến từ Hà Nội

Trong số các ca bệnh viêm não Nhật Bản B thì bệnh nhân viêm não Nhật Bản B ở Hà Nội chiếm tỷ lệ rất cao với 11/36 ca đến từ Hà Nội (chiếm 31%), 6 ca nặng đang phải thở máy. Theo các bác sĩ, việc bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản B của Hà Nội vào điều trị tại BV Nhi TW đông hơn hẳn so với bệnh nhân đến từ các địa phương khác chưa thể kết luận được điều gì vào thời điểm này.

 

Bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản đang điều trị tại BV Nhi TW                                             Ảnh: H.N

Bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản đang điều trị tại BV Nhi TW Ảnh: H.N

Theo BS Đỗ Thiện Hải, Phó khoa Truyền Nhiễm, BV Nhi TW, trẻ bị viêm não Nhật Bản sẽ bị di chứng rất nặng cả về sức khỏe tâm thần và vận động. Trẻ có thể phải nằm một chỗ cả đời, thậm chí tử vong. BS Hải cảnh báo, mùa viêm não Nhật Bản diễn ra vào cuối Xuân đầu Hè, hoặc cuối mùa Hè đầu mùa Thu nên các bậc phụ huynh cần cảnh giác.

Viêm não Nhật Bản gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ trên 90% số ca mắc) trong đó đa số là trẻ từ 15 tuổi nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh.

Do đó, BS Hải khuyến cáo, hiện đang vào mùa của bệnh viêm não, nên khi trẻ con có những biểu hiện như sốt, nôn, đau đầu… thì các phụ huynh phải nghĩ nhiều đến bệnh viêm não và cần tới ngay các cơ sở điều trị chuyên khoa Nhi khám, tránh tình trạng tự ý sử dụng thuốc. "Dấu hiệu quan trọng để nhận biết người bị viêm não Nhật Bản là ở giai đoạn sớm, người bệnh có hiện tượng nôn khan không vì lý do ăn uống. Ở trẻ lớn, dễ nhận biết hơn vì bị đau, cứng gáy. Nếu không được bác sỹ xử lý kịp thì tình trạng rối loạn ý thức tăng lên và tử vong do tăng áp lực nội sọ”- BS Hải nhấn mạnh

Tăng cường điều trị bệnh viêm não Nhật Bản

Theo TS Trần Minh Điển, hiện nay, BV Nhi T.Ư chưa có phân tích cụ thể về tình trạng tiêm vắc-xin của số bệnh nhân dương tính với viêm não Nhật Bản B. Tuy nhiên, chỉ trgong buồng cấp cứu của khoa Truyền nhiễm có buồng bốn bệnh nhân viêm não thì có tới ba ca chưa tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B và một ca không rõ tiền sử tiêm chủng. Trước tình hình dịch bệnh viêm não và viêm não Nhật Bản B, rút kinh nghiệm từ dịch sởi khi phân luồng bệnh nhân, ông Trần Minh Điển cho biết, BV NHi TW đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với bệnh viêm não ngay từ bây giờ (khi số mắc chưa nhập viện ồ ạt).

Theo đó, nếu trong giới hạn 50-70 bệnh nhân, bệnh viện sẽ triển khai kế hoạch khác so với trường hợp lượng bệnh nhân tăng lên trên 70 người. Quy trình tiếp nhận người bệnh cũng được triển khai từ phòng khám trở vào và tiếp tục tiến hành phân loại tại khoa cấp cứu, sau đó ca nào xác định viêm não thì chuyển khoa Truyền nhiễm. Đồng thời, bệnh viện đã bổ sung tám điều dưỡng cho Khoa Truyền nhiễm để một điều dưỡng có thể chăm sóc cho hai ca thở máy, cử thêm 2 BS trực và bác sỹ nội trú sẵn sàng phục vụ người bệnh.

Về phía ngành y tế Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ 27 đến 29-6, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm đợt 2 vắc xin viêm não Nhật Bản B cho các đối tượng chưa tiêm trong đợt 1, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95%.

 

Tiêm vắc xin là cách hữu hiệu để phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Tiêm vắc xin là cách hữu hiệu để phòng bệnh viêm não Nhật Bản

 

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 12 ca viêm não Nhật Bản B nhưng chưa có thống kê về số ca tử vong. Đây là bệnh lây truyền qua muỗi đốt, cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Để phòng bệnh, trẻ cần đi tiêm mũi 1 lúc 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi

Liên quan đến bệnh viêm não Nhật Bản, tại buổi làm việc giữa Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với BV Nhi TW, ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị BV Nhi TW tổ chức chăm sóc điều trị tốt cho các bệnh nhân; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và dinh dưỡng người bệnh. Bệnh viện làm đầu mối tổ chức các lớp tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho các tỉnh. Bộ Y tế sẽ có công văn đề nghị các bệnh viện thực hiện đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não theo đúng phân tuyến điều trị , hạn chế người bệnh nhẹ chuyển lên tuyến trên điều trị.

 

Các địa phương cần khẩn trương tiêm vét vắc xin viêm não Nhật Bản

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống biết, Cục này đang khẩn trương đôn đốc các địa phương triển khai tiêm và tiêm vét vắc xin viêm não Nhật Bản B để nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vắc xin này trong cộng đồng. Nếu như năm 2013, có 3 tỉnh không tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B theo chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm đạt 97% thì năm nay, chương trình tiêm sẽ được triển khai ở tất cả các địa phương trên toàn quốc.

Thái Bình

 

 

v


Ý kiến của bạn