Hà Nội

Số ca tử vong vì bệnh dại ở Tây Nguyên vẫn cao, vì sao?

26-10-2022 18:34 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Số ca tử vong vì bệnh dại ở một số địa bàn thuộc các tỉnh Tây Nguyên vẫn ở mức cao. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Chủ quan không tiêm vaccine phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cho thấy, số người mắc và tử vong vì bệnh dại trên địa bàn tỉnh này vẫn cao. Từ năm 2018 đến nay đã ghi nhận 24 trường hợp mắc và tử vong vì bệnh dại.

Đặc biệt, các ca tử vong đều chủ quan không tiêm vaccine phòng bệnh dại sau khi đã bị vật nuôi là chó cắn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 3 trường hợp người tử vong do bệnh dại (huyện Krông Pắk 1 trường hợp, TP. Buôn Ma Thuột 1 trường hợp và huyện Cư M'gar 1 trường hợp).

Qua công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vật nuôi là chó đã phát hiện có 29/41 mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dại.

Các bệnh nhân nhiễm bệnh dại thường chỉ đến bệnh viện khi có các triệu chứng phát bệnh. Điển hình như đầu tháng 9/2022, một bệnh nhân nam ở xã Ea Drơng (huyện Cư'Mgar) được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với các triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, sợ nước, sợ gió. Khai thác tiền sử cho thấy, trước khi nhập viện khoảng 60 ngày, bệnh nhân bị chó cắn vào bàn tay nhưng tự rửa vết thương và chủ quan không đi tiêm phòng bệnh dại. Sau khi nhập viện không lâu bệnh nhân tử vong vì lên cơn dại.

Vì sao vẫn nhiều người tử vong vì bệnh dại ở Tây Nguyên? - Ảnh 2.

Nhiều người còn chủ quan không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. Ảnh minh họa.

Tiếp giáp Đắk Lắk, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Gia Lai cũng đã có đến 5 người tử vong vì bệnh dại. Có người bị chó cắn trực tiếp, có người vô ý bị răng chó cứa vào như trường hợp bà B. ở xã Gào (TP. Pleiku) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sợ gió, sợ ánh sáng, co giật mạnh. Bệnh nhân đã tử vong sau đó do bệnh dại đã phát nặng.

Khai thác tiền sử cho thấy, trước đó, một bé gái bị chó chưa được tiêm phòng dại cắn. Sau đó con chó bị đập chết, ngay lập tức bé gái được tiêm phòng bệnh dại đầy đủ. Bà B. trong quá trình tham gia chôn xác con chó không may trượt ngã, bị răng chó cứa vào tay. Tuy nhiên, bà B. chủ quan không đi tiêm phòng bệnh dại mà chỉ tự rửa vết thương.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng bệnh dại

Trong chỉ thị của UBND tỉnh Đắk Lắk về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh dại vẫn hiện hữu ở Đắk Lắk được chỉ ra là do tỷ lệ chó được tiêm phòng trung bình rất thấp. Việc tiêm phòng mới chỉ đạt khoảng 30% tổng đàn.

Người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó. Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến chó cắn người. Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại còn ít, chưa đảm bảo duy trì các hoạt động phòng, chống dịch bệnh dại kịp thời.

Vì sao vẫn nhiều người tử vong vì bệnh dại ở Tây Nguyên? - Ảnh 3.

Tình trạng nuôi chó thả rông còn phổ biến.

Tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu Sở NN&PTNT thực hiện thực hiện các giải pháp như:

  • Thống kê và báo cáo chính xác, bảo đảm quản lý được trên 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 90% trong giai đoạn 2026 – 2030.
  • Hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình.
  • Chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người. Đặc biệt đối với các giống chó hung dữ cần được nuôi xích nhốt, có rọ mõm.
  • Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cần chủ động phối hợp với ngành y tế và các đơn vị liên quan điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
  • Xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển chó, mèo bất hợp pháp theo quy định của Luật Thú y.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Hồ Ngọc Gia - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai khuyến cáo: Lực lượng thú y cần khẩn trương tăng cường tiêm phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn.

Đối với người dân khi bị chó cắn, mèo cắn cần đi tiêm vaccine phòng bệnh dại ngay, tiêm càng sớm càng tốt. Đồng thời báo với lực lượng y tế để được tư vấn, hướng dẫn, không nên chủ quan tự điều trị.

Một thợ xây tử vong vì bệnh dại sau khi giết mổ chóMột thợ xây tử vong vì bệnh dại sau khi giết mổ chó

SKĐS - Kết quả điều tra trường hợp tử vong do bệnh dại tại Hà Nội cho thấy, bệnh nhân từng tham gia giết mổ chó 2 lần. Hai con chó giết mổ đều khỏe mạnh, được nuôi trên 5 tháng trong thôn, không được tiêm phòng.


Đông Hưng
Ý kiến của bạn