Số ca tử vong do bệnh dại tăng đột biến: Cách xử trí vết thương khi bị chó mèo cắn để tránh bệnh dại

14-03-2024 16:07 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Số ca tử vong do bệnh dại trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt.

Hai trẻ phát bệnh dại nguy kịch, cha mẹ cần biết những điều này để cứu conHai trẻ phát bệnh dại nguy kịch, cha mẹ cần biết những điều này để cứu con

SKĐS - Bé trai 8 tuổi (ở Gia Lai) và bé trai 13 tuổi (ở Đắk Nông) khởi phát bệnh dại, nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng nguy kịch. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về bệnh dại lây từ động vật sang người thông qua chất tiết, thường là nước bọt.

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với virus dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc cấy ghép mô/cơ quan bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thường là các loài động vật có vú như chó, mèo, dơi, cáo… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 59.000 người chết vì bệnh dại trên toàn thế giới. Hầu hết những trường hợp tử vong xảy ra ở các nước nghèo, vì không kiểm soát được bệnh dại ở động vật nuôi là chó, mèo.

Làm sao để chẩn đoán bệnh dại?

Bệnh dại gồm các giai đoạn bệnh như sau:

– Giai đoạn ủ bệnh: Trung bình 20 - 60 ngày, nhưng có thể kéo dài từ 4 ngày đến nhiều năm sau (y văn ghi nhận có trường hợp ủ bệnh đến 19 năm), thời kì ủ bệnh ngắn khi vết thương ở vùng đầu mặt hoặc lây bệnh qua ghép giác mạc.

– Giai đoạn khởi phát: Thường 2 - 10 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.

– Giai đoạn toàn phát hoặc "giai đoạn viêm não": Thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp… Bệnh tiến triển theo hai thể: Thể liệt kiểu hướng lên (hội chứng Landly) và thể hung dữ chiếm 80%. Giai đoạn này thường kéo dài 2 - 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp. Thể liệt thường sống lâu hơn thể hung dữ vài ngày.

Chẩn đoán sơ bộ bệnh dại: Thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và các yếu tố dịch tễ có liên quan.

Để chẩn đoán chính xác bệnh dại ngoài các biểu hiện, yếu tố dịch tễ, các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm. Ngày nay, với kỹ thuật mới chẩn đoán bệnh dại có thể được thực hiện bằng cách phân lập virus hoặc phát hiện RNA virus bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi Polymerase (PCR) từ nước bọt, dich não tủy, nước tiểu, mô sinh thiết (não, da).

Số ca tử vong do bệnh dại tăng đột biến: Cách xử trí vết thương khi bị chó mèo cắn để tránh bệnh dại- Ảnh 2.

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương.

Cần xử trí vết thương khi bị chó mèo cắn

Khi bị chó mèo cắn cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút, có thể dùng thêm xà phòng để rửa vết thương, phải lấy hết dị vật và mô dập nát (nếu có).

Sát trùng vết thương bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch iode, không nên khâu kín da. Nếu buộc phải khâu da, thì phải tiêm huyết thanh kháng dại vào vết thương và trì hoãn việc may vết thương ít nhất vài giờ.

Nếu vết thương xuyên thấu, chảy máu, vị trí ở đầu, mặt, cổ và bộ phận sinh dục, thì phải dùng huyết thanh kháng dại tiêm sâu bên trong và xung quanh vết thương. Ngoài ra, cần tiêm phòng bệnh uốn ván. Dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết thương (nếu có chỉ định).

Tóm lại: Hiện nay, chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho bệnh dại. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ (oxy liệu pháp, thở máy, truyền dịch, vận mạch) và chăm sóc giảm nhẹ (an thần, giảm đau, chống co giật…). Bệnh nhân có thể tử vong, vì thế nên chủ động dự phòng bệnh dại với nhiều biện pháp, bao gồm: Cảnh giác với động vật có nguy cơ lây bệnh dại; phòng bệnh dại trên động vật (chích ngừa bệnh dại cho chó, mèo…); phòng bệnh dại trước tiếp xúc ở các đối tượng nguy cơ cao; phòng bệnh dại sau tiếp xúc.

  • Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Một số địa phương ghi nhận số ca tử vong do dại cao như: Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca, Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca, Đắk Lắk và Bình Thuận 4 ca.

    Năm 2024 tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca).

    Tham khảo thêm


BS Trần Công Tiến
Ý kiến của bạn