Hà Nội

Số ca sốt xuất huyết của Hà Nội tăng nhanh

06-10-2020 17:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội đã ghi nhận gần 3.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) từ đầu năm đến nay, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tuần qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận thêm 29 ổ dịch mới với 328 ca mắc. Tuy số ca mắc giảm 65 ca so với tuần trước đó nhưng xu hướng chung các tuần gần đây vẫn đang tăng lên, dịch lan rộng ra các quận nội thành.

Số ca mắc tăng cao

Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca SXH mới xuất hiện rải đều tại 29/30 quận huyện, tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Nam Từ Liêm (29 ca); Đống Đa (23 ca); Thanh Xuân (20 ca); Thanh Oai (30 ca); Thường Tín (21 ca)...

Tổng số ca SXH từ đầu năm 2020 đến nay tại Hà Nội là 2.922 ca; trong đó có 2 trường hợp tử vong. Tuy đến thời điểm này, số ca mắc SXH của Hà Nội giảm 45% so với cùng kỳ của năm 2019 (5.327 trường hợp) nhưng hiện một số quận, huyện vẫn có số ca mắc khá cao như: Phúc Thọ (360 ca), Thường Tín (355 ca), Nam Từ Liêm (319 ca)..., có nguy cơ dịch diễn biến phức tạp. Trong khi đó, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển, dịch bệnh SXH dễ bùng phát mạnh.

Hà Nội vẫn còn 47 ổ dịch quy mô thôn/xóm/tổ dân phố đang tồn tại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục tăng cường tổ chức khoanh vùng, điều tra, vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch SXH theo quy định để ngăn chặn dịch lan rộng.

Mặc dù năm 2020 không phải năm trong chu kỳ dịch SXH, tuy nhiên, chúng ta đã cách chu kỳ dịch trước (năm 2017) là 3 năm nên nguy cơ SXH tại địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận có khả năng bùng phát. Vì vậy, tất cả mọi người dân, tất cả các địa phương phải quan tâm phòng chống ngay từ đầu. Nếu xuất hiện ổ dịch, có người bệnh thì ngay lập tức phải khống chế kịp thời để giúp cho việc hạn chế và lan rộng bùng phát mạnh.

Vệ sinh khu sạch sẽ, phun thuốc muỗi, diệt bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Vệ sinh khu sạch sẽ, phun thuốc muỗi, diệt bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Phun diệt muỗi vằn đúng cách

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong giai đoạn cao điểm của dịch SXH trong năm, Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì thường trực đội đáp ứng nhanh 24/7, đảm bảo kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Nếu có hàng xóm hoặc người sống trong cùng cụm dân cư bị SXH tức là nhà bạn đang nằm trong ổ dịch. Trạm y tế phường, xã sẽ tới từng nhà phun thuốc diệt muỗi cho cả khu. Thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng để dập dịch SXH ở các cụm dân cư không gây độc đối với sức khỏe con người. Nhiều người dân nghĩ rằng gia đình đã từng phun hóa chất diệt muỗi cách đó một khoảng thời gian và khi vùng có dịch, nhân viên y tế tiếp tục tới phun thuốc nữa sẽ không cần thiết. Điều đó là quan niệm sai lầm. Bởi nếu chỉ một hộ gia đình phun thuốc, có ý thức diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng xóm ngõ vẫn để nhiều phế thải đọng nước mưa, các hộ gia đình khác không có ý thức phòng bệnh, thì đàn muỗi mang mầm bệnh vẫn bay từ nhà này qua nhà khác và truyền bệnh.

Loại thuốc mà đội dập dịch của y tế dự phòng phường, xã tới nhà phun sẽ được miễn phí và người dân không phải trả bất cứ một khoản tiền nào khi phun chống dịch. Nếu nơi nào phun hóa chất chống dịch thu tiền thì không phải lực lượng chống dịch của ngành y tế. Người dân thấy hiện tượng này cần báo lại cho chính quyền ngay lập tức.

Hiện nay có hiện tượng một số người đến các hộ gia đình mời chào phun thuốc muỗi và có thể có những hành vi lừa đảo, trộm cướp tài sản. Tuy nhiên, thuốc này chưa chắc đã đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, liều lượng, thời gian, hướng phun, pha hóa chất, xử lý sau khi phun theo quy định của Bộ Y tế. Người dân nếu có nhu cầu phun thuốc nên đến trạm y tế xã, phường hoặc gọi tới đường dây nóng của các Sở Y tế để được tư vấn đầy đủ, tránh bị lợi dụng.


Minh Phong
Ý kiến của bạn