Hà Nội

Số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh tại TP.HCM, có cách nào phòng bệnh chuyển nặng?

25-07-2023 16:43 | Y tế
google news

SKĐS - Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cần phát hiện sớm, theo dõi sát và hạn chế cho trẻ mắc tay chân miệng vận động quá mức. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh tay chân miệng còn phụ thuộc vào cơ địa của trẻ và động lực của virus gây bệnh.

Chiều 25/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho hay, tính từ ngày 17/7 đến ngày 23/7/2023, số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, có 2.356 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.455 ca.

Tất cả các quận huyện đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 29 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh tại TP.HCM, làm sao để hạn chế trẻ trở nặng? - Ảnh 1.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Phạm Nguyễn

Trước tình hình gia tăng bệnh tay chân miệng trên địa bàn, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho hay, thông thường khi bị bệnh tay chân miệng thì tỷ lệ nặng chiếm khoảng dưới 10%. Tuy nhiên, nếu số trẻ cùng một đợt bị nhiều quá thì chắc chắn số lượng biến chứng sẽ nhiều. Số biến chứng nhiều thì chắc chắn sẽ phải đến bệnh viện nhiều, lúc đó số nhân viên y tế sẽ không đủ để đáp ứng để điều trị. Do vậy cần phải làm sao để hạn chế thấp nhất số lượng trẻ bị nặng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cần phát hiện sớm, theo dõi sát và hạn chế cho trẻ mắc tay chân miệng vận động quá mức. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh tay chân miệng còn phụ thuộc vào cơ địa của trẻ và động lực của virus gây bệnh.

Bác sĩ Khanh cũng thông tin thêm, đối với bệnh tay chân miệng khi chuyển nặng đứa trẻ có thể vẫn tỉnh táo, nhưng ngay sau đó sẽ chuyển nặng rất nhanh.

"Do đó, cái quan trọng không phải là giảm biến chứng mà quan trọng là phát hiện thật sớm biến chứng ngay khi biết trẻ mắc tay chân miệng. Không có cách nào để phòng biến chứng tay chân miệng chuyển nặng chỉ có cách là theo dõi sát để phát hiện biến chứng, hạn chế vận động nếu nghi ngờ có thể có biến chứng", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay.

Bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp và "nóng", vì thế bác sĩ Khanh có những lưu ý dưới đây cho cha mẹ:

-Theo dõi trẻ có dấu hiệu bất thường như quấy, bỏ bú, kém ăn, giật mình... nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ

-Do bệnh chưa có vaccine phòng ngừa nên tự phòng ngừa bằng cách tăng cường đề kháng, hệ miễn dịch, điều này rất quan trọng. Muốn tăng đề kháng yếu tố cơ bản là ăn uống và vận động. Ăn đa dạng, đúng, đủ các chất con cần, cho con chơi thể thao, chạy nhảy...

-Thường xuyên rửa tay và hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, ăn sạch, uống sạch

-Bệnh lây qua nước bọt nên nếu có bé bị tay chân miệng cần cho bé nghỉ và thông báo với nhà trường để tránh lây lan. Rửa sạch những vật dụng bé hay cầm, ngậm như đồ chơi, tay nắm cửa, sàn nhà... bằng xà phòng. Phòng lúc nào cũng hơn chữa.

Trẻ mắc tay chân miệng từ các tỉnh đổ dồn về TP.HCMTrẻ mắc tay chân miệng từ các tỉnh đổ dồn về TP.HCM

SKĐS - Tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP.HCM đang có xu hướng tăng, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nặng từ các tỉnh thành chuyển đến TP.HCM chiếm khoảng 80%. Tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 6 trẻ tử vong đều có hộ khẩu ở các tỉnh khác.


Kim Vân
Ý kiến của bạn