Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ P.T.H (50 tuổi, Định Công, Hà Nội), nhập viện khi có biểu hiện sốt đến ngày thứ 5 kèm theo đau mỏi người, đau ngực, khó thở, mệt mỏi. Khi xét nghiệm, tiểu cầu thấp 10g/L. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue.
Bệnh nhân N.T.T (38 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt ngày thứ 7 kèm theo mệt nhiều, đỏ da xuất huyết toàn thân. Tiền sử bệnh nhân được chẩn đoán mắc u tuyến giáp cách đây 7 năm điều trị theo đơn ngoại trú. Qua xét nghiệm tiểu cầu bệnh nhân thấp ở mức 60g/L và dương tính với sốt xuất huyết Dengue.
PGS.TS Đỗ Duy Cường thông tin về các ca bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh hiện nay.
Ca mắc sốt xuất huyết tăng cao có đáng lo ngại?
Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận từ 10-20 ca sốt xuất huyết, đây là những ca nặng. Năm nay, các ca sốt xuất huyết xuất hiện từ tháng 5-6, sớm hơn so với mọi năm. Đây là một dấu hiệu khá bất thường. Bởi thông thường sốt xuất huyết thường diễn ra theo chu kỳ, cứ 5 năm lại có đỉnh dịch lớn. Trước đây 2 chu kỳ dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra vào năm 2017 và 2022 nhưng đến năm nay số lượng và tần suất ca mắc sốt xuất huyết nhiều hơn. Nguyên nhân có thể do thời tiết, biến đổi khí hậu. Ngoài ra có thể do muỗi sinh sôi, phát triển nhiều hơn và công tác dự phòng (phun muỗi, diệt bọ gậy…) chưa chú trọng.
Những ca sốt xuất huyết nhập viện thường có dấu hiệu cảnh báo như chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh ở nữ giới, nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa… Một số bệnh nhân có biểu hiện suy nội tạng như suy gan, men gan tăng cao có bệnh nhân men gan tăng hơn 1000. Một số trường hợp viêm não, có biểu hiện sốc, tụt huyết áp sốc giảm thể tích cô đặc máu… Tuy nhiên hiện tại chưa ghi nhận ca bệnh nào tử vong do sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, không có ghi nhận bất thường về virus hay độc tính của virus, do vậy người dân không nên quá lo lắng.
Điều trị sốt xuất huyết
Trong số các bệnh nhân nhập viện, có khoảng 5-10% bệnh nhân có biểu hiện nặng cần truyền tiểu cầu hoặc phải điều trị chống sốc, dùng các dung dịch cao phân tử. Còn lại, các bệnh nhân chủ yếu dùng các thuốc thông thường theo đúng phác đồ của Bộ Y tế: truyền dịch, dùng thuốc hạ sốt, điều trị triệu chứng…
Bệnh nhân thường nhập viện vào ngày thứ 4-5 sau khi phát bệnh với các dấu hiệu:
- Chân tay lạnh
- Mạch nhanh
- Tiểu ít
- Đau tức bụng vùng gan
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh ở phụ nữ, xuất huyết nội tạng…
Sau khi điều trị theo phác đồ, bệnh nhân sẽ dần hồi phục. Từ ngày 7-8, tiểu cầu tăng trở lại, bệnh nhân hết sốt, có biểu hiện ăn ngon, không còn dấu hiệu thoát huyết tương hoặc cô đặc máu. Sau khoảng 1 tuần bệnh nhân sẽ ổn định và ra viện.
Một số trường hợp cảnh báo trên những người mắc các bệnh nền như các bệnh lý tim mạch, hô hấp, bệnh lý suy giảm miễn dịch, khối u… việc điều trị sốt xuất huyết sẽ khó khăn hơn. Vì vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sốt xuất huyết, nhất là trong bối cảnh bệnh sốt xuất huyết có thể chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh lý khác như COVID-19, sốt do viêm phế quản, cúm…
Lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Người bệnh khi mắc sốt xuất huyết không nên quá lo lắng. Những ngày đầu, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế, đặc biệt lưu ý vào ngày thứ 5 trở đi vì lúc này có thể gặp trường hợp máu cô đặc và tiểu cầu hạ.
- Nếu tiểu cầu hạ dưới 100g/L cần theo dõi sát sao và xét nghiệm công thức máu hàng ngày
- Nếu tiểu cầu xuống dưới 50g/L cần nhập viện
- Nếu tiểu cầu dưới 10g/L kèm theo xuất huyết có thể được chỉ định truyền tiểu cầu.
Thường ngày thứ 5 trở đi, bệnh nhân sẽ hết sốt. Nếu ngày thứ 5, bệnh nhân hết sốt kèm theo các triệu chứng giảm, bệnh sẽ khỏi. Nếu ngày thứ 5 bệnh nhân hết sốt nhưng các triệu chứng kèm theo vẫn nặng thì đó là biểu hiện nguy hiểm cần nhập viện. Trong trường hợp cô đặc máu thì sẽ có biến chứng dẫn đến sốc giảm thể tích, gây tử vong nếu không xử lý kịp thời.
Trong quá trình điều trị nếu bệnh nhân xuất hiện sốt cao, co giật, rối loạn ý thức, li bì, lú lẫn, ngủ gà… cần đến ngay cơ sở y tế.
Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi? Thường ngày thứ 7 trở đi, tiểu cầu sẽ tăng dần và người bệnh hồi phục bình thường. Khi truyền các dung dịch dùng thuốc, cần đúng theo phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh nhân không được tự ý truyền hoặc uống các loại thuốc kháng sinh, thuốc quảng cáo có thể điều trị sốt xuất huyết.
Trong quá trình điều trị tại nhà, người bệnh có thể gặp sai lầm như do dùng thuốc hạ sốt quá liều dẫn tới suy gan. Hay việc không bù đủ dịch dẫn đến cô đặc máu. Không theo dõi các chỉ số trong máu như tiểu cầu dẫn đến xuất huyết. Các trường hợp bệnh nhân nặng hoặc tử vong thường do truyền dịch sai. Ngoài ra các bệnh nhân có bệnh nền hoặc phụ nữ có thai cũng nên được theo dõi sát sao hơn.
Người mắc sốt xuất huyết nên ăn gì?
Bệnh sốt xuất huyết khiến bệnh nhân mệt, nhất là khi sốt cao kéo dài. Với trẻ em cần lưu ý bù đủ nước và dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần ăn đủ chất, bổ sung vitamin C. Đồng thời bổ sung đủ các dung dịch làm mát, hạ nhiệt như nước canh, nước dừa, nước cam nước chanh, dung dịch oresol.
Bên cạnh đó nên lựa chọn đồ ăn lỏng, khi ăn nên chia là làm nhiều bữa. Vì bệnh nhân mệt, men gan tăng có thể dẫn tới chán ăn.
Sau khi bệnh hồi phục vẫn cần ăn uống đầy đủ bù lại dinh dưỡng. Bệnh sốt xuất huyết thường khiến bệnh nhân mất nước sút cân sau quá trình sốt, mệt mỏi nhiều ngày. Nhiều bệnh nhân cần cả tháng để hồi phục lại sức. Vì vậy, trong và sau khi mắc bệnh, người bệnh cần lưu ý vấn đề ăn uống nghỉ ngơi và tập luyện.
Mắc sốt xuất huyết rồi có mắc lại không?
Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể nhiễm 1 trong 4 loại huyết thanh. Vì vậy, sau này người bệnh vẫn có thể bị nhiễm lại loại huyết thanh khác. Hơn nữa, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh. Người dân cần lưu ý, ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết và bị sốt xuất huyết rồi vẫn có thể mắc lại.
Người dân cần phòng bệnh bằng các cách không đặc hiệu như nằm màn, dùng kem tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng bọ gậy, xử lý các vật dụng chứa nước hoặc quanh nhà… để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển.
Xem thêm video được quan tâm:
Ngứa Sau Khi Sốt Xuất Huyết Có Nguy Hiểm Không? | SKĐS