Báo cáo của WHO và CDC Mỹ nêu rõ chính “việc tiêm chủng không đầy đủ trên toàn cầu đang thúc đẩy sự gia tăng các ca bệnh”. Bệnh sởi là một trong những bệnh dễ lây nhiễm nhất trên thế giới và cần đạt độ bao phủ 2 mũi vaccine phòng sởi/rubella lên ít nhất 95% để ngăn ngừa các đợt bùng phát.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy năm 2023, chỉ có 83% số trẻ em trên thế giới được tiêm mũi đầu vaccine, bằng với mức của năm 2022, song lại thấp hơn con số 86% trước đại dịch COVID-19. Trong khi đó, số trẻ được tiêm mũi nhắc lại trong năm 2023 chỉ đạt 74%.
Không chỉ vậy, báo cáo còn chỉ ra độ bao phủ vaccine không đồng đều trên thế giới. Cụ thể, có tới 57 nước ghi nhận các đợt bùng phát dịch sởi trên diện rộng trong năm 2023, tăng so với con số 36 nước của năm 2022. Tất cả các khu vực, ngoại trừ châu Mỹ, bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, trong đó gần 50% số đợt bùng phát lớn xảy ra tại châu Phi - nơi có tỷ lệ người mắc bệnh sởi tử vong lên tới 37%.
Loại virus có thể gây phát ban, sốt và các triệu chứng giống cúm, song có thể gây ra các biến chứng đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ này ước tính đã cướp đi sinh mạng của 107.500 người trong năm 2023, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi, giảm 8% so với năm 2022. WHO và CDC Mỹ lý giải nguyên nhân số ca tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi giảm là do số ca mắc gia tăng ở những nước và khu vực có điều kiện dinh dưỡng và khả năng tiếp cận cơ sở y tế tốt hơn.
WHO và CDC Mỹ lưu ý vẫn còn quá nhiều trẻ em tử vong vì căn bệnh có thể phòng ngừa này, đồng thời cảnh báo nguy cơ không đạt được mục tiêu toàn cầu xóa sổ bệnh sởi như bệnh lưu hành. Đến cuối năm 2023, mới có 82 nước đã đạt được hoặc duy trì mục tiêu xóa sổ bệnh sởi.
Trước thực trạng trên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh vaccine phòng bệnh sởi đã cứu sống nhiều người hơn bất kỳ loại vaccine nào khác trong 50 năm qua. Để có thể bảo vệ nhiều mạng sống hơn, cũng như ngăn chặn sự lây lan của virus gây chết người này, người đứng đầu WHO kêu gọi thế giới cần đầu tư vào việc tiêm chủng cho tất cả người dân, bất kể sống ở đâu.
Cùng quan điểm trên, Giám đốc CDC Mỹ Mandy Cohen cũng khẳng định tiêm chủng là biện pháp bảo vệ con người tốt nhất trước bệnh sởi nên cần nâng cao khả năng tiếp cận vaccine phòng sởi cho tất cả người dân.
WHO và CDC Mỹ nhấn mạnh yêu cầu thực tế cho thấy cần duy trì các chương trình tiêm chủng thường xuyên hiệu suất tốt và các chiến dịch tiêm chủng chất lượng cao, phạm vi bao phủ rộng để có thể bảo vệ được tất cả trẻ em.