Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trong ngày 5/3, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.146 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay). Đây là ngày thứ năm liên tiếp, Hà Nam ghi nhận vượt ngưỡng 1.000 F0/ngày (ngày 4/3 - 1.896 ca; ngày 3/3 - 1.645 ca; ngày 2/3 - 1.345 ; ngày 1/3 - 1.095 ca).
Cộng dồn đến nay, toàn tỉnh ghi nhận là 22.536 trường hợp đã được Bộ Y tế cấp mã bệnh. Trong đó 16.384 người đã khỏi bệnh, ra viện; 30 ca tử vong (đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền và đa số chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 do sức khỏe không bảo đảm).
Theo ghi nhận, do những ngày qua số F0 tăng nhanh vượt lên trên 1.000 ca/ngày đã dẫn đến quá tải tại các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Lực lượng cán bộ mỏng, trong khi đó nhiều người lại bị mắc COVID-19 trong quá trình làm việc, do lây nhiễm từ cộng đồng, vì thế đã thiếu lại càng thiếu. Trước tình hình trên, các trung tâm y tế đều cử cán bộ tăng cường cho các trạm y tế, Sở Y tế tỉnh Hà Nam cũng đã huy động cán bộ y tế tuyến tỉnh hỗ trợ thêm.
Chị Nguyễn Thị Hương, Trưởng Trạm Y tế phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) cho biết, dù đang mắc COVID-19 nên phải cách ly, điều trị, tuy nhiên ngày nào chị cũng phải trực điện thoại để tư vấn cho người dân điều trị tại nhà, cách sử dụng thuốc, các thủ tục để được hưởng bảo hiểm xã hội khi điều trị tại nhà…
Theo chị Hương, nhiều ngày nay trạm y tế phường luôn rơi vào tình trạng quá tải, các cán bộ nhân viên luôn làm việc không ngừng nghỉ bởi số F0 trên địa bàn phường tăng nhanh. Trạm y tế có 4 người và thêm 2 cán bộ từ tỉnh xuống hỗ trợ, tuy nhiên có 2 người bị phơi nhiễm COVID-19 trong khi làm nhiệm vụ nên hiện chỉ còn 4 người, phải làm một khối lượng lớn công việc nên rất kiệt sức…
Được biết, riêng TP Phủ Lý có 43 cán bộ y tế mắc COVID-19, trong đó 14 cán bộ của Trung tâm Y tế, 29 cán bộ làm việc tại các Trạm Y tế. Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã cử 14 cán bộ từ các đơn vị y tế tuyến tỉnh xuống hỗ trợ các trạm y tế ở thành phố, nhưng mới chỉ đáp ứng được phần nào.
Tình trạng quá tải ở các trạm y tế diễn ra khắp các huyện thị khác. Tại huyện Bình Lục, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, có 63 cán bộ nhân viên y tế bị mắc COVID-19. Một số trạm y tế thậm chí tất cả các cán bộ nhân viên y tế đều mắc COVID-19. Nhiều cán bộ y tế dù bị mắc COVID-19 nhưng mức độ bệnh nhẹ đã đến trạm cách ly và làm công việc hành chính online vì khối lượng công việc ở trạm quá nhiều.
Sau Phiên họp trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 5/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam tiếp tục làm việc để ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Thuỷ, Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam yêu cầu các đơn vị chức năng triển khai việc cách ly F1 và các trường hợp F0 theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế; Hướng dẫn cách ly, điều trị F0 tại nhà cho người mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà, nhân viên y tế, lực lượng phòng chống dịch, tổ COVID-19 cộng đồng. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khi được Bộ Y tế cấp vaccine, bảo đảm kịp thời, an toàn. Huy động và hướng dẫn các lực lượng tham gia hỗ trợ để giảm áp lực cho cán bộ y tế trong hướng dẫn điều trị F0 tại nhà, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi số F0 đang tăng lên từng ngày.
Huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng trên địa bàn để theo dõi, nắm bắt kịp thời, phát hiện sớm các trường hợp F0 để quản lý, ngăn chặn không để dịch lây lan, bùng phát trên diện rộng. Phân công nhiệm vụ các thành viên để chỉ đạo các địa bàn và nhiệm vụ của các lực lượng tham gia hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, nhất là Tổ COVID-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động, các y, bác sĩ để người cách ly, điều trị tại nhà dễ dàng liên hệ, tuyệt đối không được để người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cắt thưởng người lao động vì mắc COVID-19 sẽ bị xử phạt ra sao?