Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân
Hôm qua, Sở Y tế TP Cần Thơ công bố trong ngày thành phố ghi nhận 1.310 ca mắc COVID-19. Đây là lần đầu tiên số ca bệnh COVID-19 ghi nhận trong ngày ở mức 4 con số sau 3 ngày liên tiếp trước đó đều có trên 900 ca/ngày.
Như vậy đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại TP Cần Thơ là 21.334 ca, trong đó có 10.497 ca đã khỏi bệnh, có 168 ca tử vong, riêng trong ngày 25/11 có 6 ca tử vong.
Tỉnh Cần Thơ đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Địa phương này đã phủ mũi 1 cho 96,8% và mũi 2 cho 84,98% người từ 18 tuổi trở lên. 59,5% trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17 được tiêm vaccine mũi 1.
Bạc Liêu: Số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi có dịch, khuyến khích mỗi thành viên trong hộ gia đình sinh hoạt riêng, ăn, uống riêng
Cũng trong ngày 25/11, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 617 ca mắc COVID-19 (cao nhất từ trước tới nay), trong đó có đến 328 ca ghi nhận trong cộng đồng.
Đến nay, Bạc Liêu có tỉ lệ tiêm mũi 1 vaccine cho người trên 18 tuổi rất cao (97,12%), trong khi mũi 2 cũng đạt tỉ lệ 65,76%.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tăng cao, TP Bạc Liêu kêu gọi người dân chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19; tuyệt đối không ra đường khi chưa cần thiết.
Đặc biệt, khuyến khích mỗi thành viên trong hộ gia đình sinh hoạt riêng, ăn, uống riêng; nhà ai ở yên nhà đó; nếu có tổ chức đám - tiệc thì chỉ trong nội bộ gia đình và phải luôn giữ khoảng cách an toàn.
Sóc Trăng: Đề xuất cho phép điều trị F0 đến ngày thứ 7 nếu xét nghiệm RT-PCR âm tính được xuất viện về nhà dõi sức khỏe
25/11 cũng là ngày tỉnh Sóc Trăng lập "kỷ lục" khi lần đầu tiên có 532 ca mắc COVID-19, trong đó có 253 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, nâng số ca mắc của Sóc Trăng lên 14.354 ca.
Trước tình hình đó lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân theo nguyên tắc người nào chưa được tiêm thì tiêm ngay (trừ các trường hợp chống chỉ định).
Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm thuốc kháng virus Molnupiravir phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đồng thời, địa phương này cũng đề xuất Bộ Y tế cho phép các trường hợp F0 đã điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế đến ngày thứ 7, nếu xét nghiệm RT-PCR có kết quả âm tính thì cho xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày, nhằm rút ngắn thời gian điều trị và giảm áp lực cho các khu điều trị.
Long An mở rộng đối tượng tham gia thí điểm điều trị có kiểm soát F0 bằng thuốc Molnupiravir
Sở Y tế Long An vừa có công văn cho phép mở rộng điều trị thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nếu đủ điều kiện có thể được cách ly, điều trị tại nhà.
Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố cử ít nhất 1 cán bộ Dược làm đầu mối tiếp nhận, quản lý, cấp phát thuốc Molnupiravir để điều trị F0 tại nhà trên địa bàn; ít nhất 1 cán nhập liệu, báo cáo chương trình điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 bằng thuốc Molnupiravir hàng ngày.
Tiêu chuẩn được cấp thuốc là bệnh nhân có kết quả xét nghiệm bằng PCR dương tính trong thời hạn 4 ngày; bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên; cam kết đồng ý tham gia chương trình bằng văn bản; có Quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã đồng ý cho cách ly điều trị tại nhà.
Trước đó tỉnh Long An đã triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 bằng thuốc Molnupiravir tại các Bệnh viện dã chiến.
Hà Giang: Chỉ dạy học trực tiếp ở vùng cấp 1 và 2 của dịch
UBND tỉnh Hà Giang đã có Công văn 4732/UBND-VHXH về việc tổ chức các hoạt động dạy học sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, đối với địa bàn được xác định dịch COVID - 19 cấp độ 1, cấp độ 2: Tổ chức dạy học trực tiếp; trường hợp các trường nội trú, bán trú và trường phổ thông có học sinh ở địa bàn cấp độ 3, 4 thì cho học sinh đó nghỉ học trực tiếp, Sở GD&ĐT hướng dẫn về chuyên môn để đảm bảo học sinh được học tập tại nhà và có kế hoạch bồi dưỡng cho học sinh khi đi học trở lại.
Đối với địa bàn được xác định dịch COVID - 19 cấp độ 3: Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với các hình thức dạy học khác. Ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các khối lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12. Tất cả các cơ sở giáo dục ngoại ngữ - tin học, giáo dục kỹ năng sống tạm ngừng hoạt động.
Đối với địa bàn được xác định dịch COVID - 19 cấp độ 4: Không tổ chức dạy học trực tiếp; triển khai các hình thức dạy học trực tuyến hoặc các hình thức dạy học khác đảm bảo phù hợp, an toàn.
Thái Nguyên: Học sinh tạm thời nghỉ học trực tiếp, tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu
Tính đến sáng 26/11, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận 9 ca COVID-19 nâng tổng số ca mắc từ đầu đợt dịch lên 105 ca. Trong đó ghi nhận nhiều ca nhiễm cộng đồng tại TP Thái Nguyên có lịch trình di chuyển phức tạp, đã đi đến nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Để ngăn chặn dịch COVID-19 có thể lây lan rộng, TP. Thái Nguyên yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn dừng tổ chức dạy học trực tiếp và chuyển sang học trực tuyến.
Tạm dừng các dịch vụ kinh doanh, giải trí, massage, spa… Các nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.Thái Nguyên không được phép tổ chức cho khách ngồi ăn uống tại chỗ, chỉ được bán mang đi.
Tạm dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết như các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, hoạt động tôn giáo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng… Các hoạt động cần thiết phải tổ chức thì đơn vị tổ chức phải xin ý kiến của chính quyền địa phương.
Vĩnh Phúc: Đẩy nhanh tốc độ truy vết cộng đồng, chậm sau 2h (kể từ khi phát hiện) phải đưa F0 vào cơ sở điều trị
Tính đến 15h ngày 25/11, toàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 909 trường hợp dương tính với COVID-19 trong đó tổng số ca mắc tại tỉnh là 905 trường hợp.
Hiện địa phương này có 5 điểm dịch phức tạp đang được khoanh vùng , cách ly gồm các xã: Lũng Hòa, Bồ Sao, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường); xã Bạch Lưu (Sông Lô); xã Trung Kiên (Yên Lạc).
Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các địa phương nếu xuất hiện nguy cơ phải thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh để tách người nhiễm COVID-19 (F0) ra khỏi cộng đồng; đồng thời khoanh vùng hẹp, xử lý triệt để, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Nếu xuất hiện F0 trên địa bàn, chậm nhất sau 2h phải đưa ngay vào cơ sở điều trị. Chậm nhất sau 24h phải rà soát toàn bộ khu vực có liên quan, tách các F0 khác (nếu có) ra khỏi cộng đồng; chậm nhất sau 72h (3 ngày) đưa địa phương trở về trạng thái bình thường mới.
Đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch tiêm chủng, đảm bảo phủ kín vaccine COVID-19 cho 100% người dân trên toàn tỉnh trong năm 2021.
Xem thêm video được quan tâm:
Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà