SK&ĐS độc quyền truyền hình trực tuyến các ca can thiệp tim mạch khó từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tới Hồng Kông

21-09-2016 09:58 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - 13h ngày 23/9, Trung tâm tim mạch thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ kết nối trực tuyến với Hội nghị châu Á Thái Bình Dương can thiệp các bệnh tim bẩm sinh và tim cấu trúc (APCASH 2016), báo điện tử Sức khỏe&Đời sống sẽ độc quyền truyền hình trực tuyến sự kiện này.

Hội nghị châu Á Thái Bình Dương can thiệp các bệnh tim bẩm sinh và tim cấu trúc lần thứ 7 (APCASH 2016) sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Hồng Kông từ ngày 23-25/9/2016, đây là hội nghị khoa học chuyên ngành sâu về tim bẩm sinh và tim cấu trúc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương được tổ chức hàng năm tại nhiều quốc gia. Hội nghị quy tụ những bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật, các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về các bệnh tim bẩm sinh và tim mạch cấu trúc.

Các ca can thiệp tim mạch được phát trực tiếp tại hội nghị.

Tại hội nghị kéo dài 3 ngày, bên cạnh các cuộc thảo luận, trao đổi, cập nhật thông tin, kiến thức, công nghệ,   về chẩn đoán, điều trị các bệnh tim bẩm sinh và tim cấu trúc, hội nghị sẽ kết nối trực tiếp với 3 điểm cầu truyền hình là Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Queen Elizabeth, Hồng Kông và Bệnh viện Đại học Benjamin Franklin, CHLB Đức. Tại đây, các y bác sĩ sẽ trình diễn những cuộc phẫu thuật hoặc các ca can thiệp tim mạch khó. Đây là cơ hội để các y bác sĩ từ các trung tâm tim mạch, bệnh viện lớn trên thế giới có dịp giao lưu, trao đổi trực tiếp trong mỗi ca bệnh.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – người sẽ can thiệp 3 ca bệnh tim phức tạp - được phát trực tiếp sang hội nghị tại Hồng Kông. Cả 3 trường hợp can thiệp lần này rất phức tạp và khó, có ca chưa từng được can thiệp tại Việt Nam.  Báo Sức khỏe&Đời sống là đơn vị độc quyền sẽ truyền hình trực tuyến các ca can thiệp này tại Hà Nội vào 13h ngày 23/9/2016 trên báo điện tử Sức khỏe&Đời sống (suckhoedoisong.vn) và kênh youtube của báo Sức khỏe&Đời sống.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tại APCASH 2014

Một ca là trường hợp một bệnh nhân nam 38 tuổi bị thiểu sản động mạch phổi trái và hẹp khít nhánh xa động mạch phổi phải. Bệnh cảnh này thường xuất hiện ở trẻ em, nhưng ở ca này bệnh nhân có tổn thương xa, biểu hiện muộn, khít, bác sĩ sẽ phải can thiệp 4mm trên đoạn dài 10mm.

Ca bệnh thứ 2 của một em nhỏ 13 tuổi, bị tim bẩm sinh phức tạp thể bệnh tim một thất. Với người bình thường có 2 tâm thất thì bệnh nhân này có 1 buồng thất, bệnh nhân đã phẫu thuật 3 lần tại Thái Lan, lần cuối cùng khi bệnh nhân được 6 tuổi. Để chữa trị căn bệnh này bệnh nhân phải phẫu thuật fontal (chuyển buồng thất duy nhất đó thành buồng thất trái, nối tĩnh mạch chủ dưới vào thân động mạch phổi không đi qua tâm thất). Tuy nhiên đến đầu năm 2016, bệnh nhân xuất hiện ho ra máu và tím nhiều. Khi chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ phát hiện ra bệnh nhân có đường tĩnh mạch trên gan đổ vào tâm nhĩ trái, là nguyên nhân khiến em bé bị tím tái và ho ra máu.

Bước đầu em bé đã được điều trị ổn định bằng thuốc, tuy nhiên theo các bác sĩ không thế biết lúc nào bệnh nhân sẽ tái phát trở lại nếu không được can thiệp. Nhưng đây là ca bệnh cực kỳ khó , trong y văn thế giới, một số quốc gia đã có rải rác can thiệp các trường hợp fontal như vậy, nhưng tại Việt Nam chưa từng can thiệp loại bệnh cảnh  này.

Bệnh nhân thứ 3 là một phụ nữ 62 tuổi bị rò động mạch vành trái vào tâm nhĩ phải. Độ phức tạp của ca can thiệp này là bệnh nhân rò vành lớn (kích thước lên tới 14mm), hở van nhiều, sa van nhiều.

Sau khi vừa làm chủ tịch tại đầu cầu truyền hình Hà Nội vừa trực tiếp can thiệp cho các ca bệnh tim phức tạp, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu sẽ bay sang Hồng Kông và làm đồng chủ tịch một vài phiên thảo luận của hội nghị.

Những hình ảnh thu được từ phòng can thiệp sẽ được truyền qua xe phát hình lưu động phát trực tiếp lên vệ tinh ASIA SAT 5, từ đây sẽ kết nối trực tiếp với bên Hồng Kông để nhận tín hiệu. Đây là lần thứ 5, Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ứng dụng công nghệ truyền hình vệ tinh để đưa trực tiếp hình ảnh ra các hội nghị y học quốc tế.


Hải Yến
Ý kiến của bạn