Sitcom và nội lực phim truyền hình Việt

25-10-2010 07:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

Khoảng hơn chục năm nay, thể loại phim hài tình huống Sitcom (Situation comedy) đã có mặt ở nước ta.

Khoảng hơn chục năm nay, thể loại phim hài tình huống Sitcom (Situation comedy) đã có mặt ở nước ta, khởi sự là “Người giàu cũng khóc” phim của Brazil đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả. Trước đó, vào thập niên 80, có người cho rằng câu chuyện truyền hình cũng thuộc thể loại này. Nhưng đến nay thì...

Phim ngoại không phải bao giờ cũng hay

Cách đây chưa lâu, tính từ phim "Cô gái xấu xí", bản quyền của Colombia được Việt hóa khá công phu từ khâu biên dịch, đạo diễn, diễn viên, dàn dựng,... đều làm tại VN lên tới hàng trăm tập và được phát vào "giờ vàng" nên nhiều người xem cũng thấy "vui vui". Xem lâu, không ít người sinh nghi, vì một cô gái như Huyền Diệu (NSƯT Ngọc Hiệp đóng) như là sự xúc phạm cái đẹp đến như vậy, lại có thể làm trợ lý cho Tổng giám đốc của một công ty thời trang An Đông (Chi Bảo đóng). Dường như sự xấu xí của Huyền Diệu là cái mà các nhà làm phim  Việt cố tình tạo ra, chứ ở đời này làm gì có người xấu đến thế. Lối phân chia một cách rạch ròi giữa nội dung và hình thức, ngoại hình và tài năng, đức độ bên trong như vậy là tư duy ngây ngô của người Trung Cổ. Vì thế trong trường hợp này, cái hài của những tình huống hoàn toàn bị cái bi lấn át. Người xem chỉ thấy thương cảm cho Huyền Diệu hơn là thấy cái hài được chuyển hóa vào trong các cảnh huống mà cô diễn.

Một cảnh trong phim "Những người độc thân vui vẻ".

Đến phim sitcom "Những người độc thân vui vẻ", kịch bản của Trung Quốc, một nước rất gần với ta cả về địa lý, lối sống và tâm lý Á Đông. Đây cũng là bộ phim rất ăn khách ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến... Vậy mà khi được Việt hóa thì bỗng thấy "choáng" vì những pha diễn rất thiếu chuyên nghiệp và phản thẩm mỹ của một số nghệ sĩ hài có tên tuổi hẳn hoi. Nếu có "mót" được một tiếng cười nào đấy của khán giả thì chắc chắn đấy không phải là cái cười từ những tình huống bi hài của cuộc sống hiện đại đẩy con người vào những nghịch cảnh trớ trêu, mà là tiếng cười thương hại cho những vai diễn quá ngây ngô và vô hồn, theo kiểu chạy sô giống như những ca sĩ "sến".

Có thể nói với "Những người độc thân vui vẻ" khán giả nước nhà thất vọng toàn phần vì đã chót mất quá nhiều thời gian vào việc giải trí nhưng chẳng được cười một cách sảng khoái, mà chỉ thấy ấm ức. Cũng may là phim tiền chùa, khán giả không mất tiền mua vé, chứ nếu là phim kinh doanh thì chắc là chỉ chiếu được không quá một buổi là rạp phải tắt đèn ngay, vì ngoài bác bảo vệ ra chẳng ai dám đến rạp nữa. Cùng trong thời gian này, tuy thời lượng phát sóng ít hơn, nhưng khán giả lại có vẻ để mắt vào các sitcom Việt như: "Gặp nhau cuối tuần", "Gala cười", "Đời cười", "Gặp nhau cùng cười" thuần Việt hơn. Cần phải nói rằng, số tiền mua bản quyền hai bộ phim này không hề rẻ, mặc dù, không có hãng phim hay đơn vị nào công bố tiền mua bản quyền. Nhưng với những bộ phim "hot" như "Cô gái xấu xí", tiền trả cho mỗi tập phim không dưới 1.000 USD, đó là chưa kể tiền thuê chuyển ngữ và Việt hóa kịch bản gốc, chưa kể đến nhiều chi phí khác nữa để dựng thành một tập phim. Biết là tốn kém nhưng bù lại các phim sitcom sẽ giúp giải quyết nhu cầu khan hiếm nguồn kịch bản hay và lấp đầy thời lượng phát sóng (!?).

Bao giờ cho tới... ngày xưa

Một người trong cuộc từng tiết lộ: Những lý do khiến phim sitcom Việt không cuốn hút được người xem là bởi cảm giác "xem kịch chứ không phải xem phim". Nghĩa là trong những bộ phim này, chất kịch lấn át toàn bộ. Phim sitcom vốn có bối cảnh ít thay đổi, ít ngoại cảnh, nên cảm giác gò bó về không gian đã khiến người xem liên tưởng là mọi người đang diễn kịch trên sân khấu. Thêm vào đấy, chất kịch xuất phát từ việc diễn xuất quá cường điệu của diễn viên, thiếu tự nhiên, thừa nhấn nhá.

Còn một nhà biên kịch chuyên nghiệp tâm sự, vẫn không khỏi lo ngại cho cách làm phim sitcom kiểu mơ hồ, thiếu tính chuyên nghiệp, không có bài bản và chủ quan như hiện nay. "Những người độc thân vui vẻ" chính là một bài học cho sự háo danh. Nhiều nhà sản xuất cho rằng, phim tạo cơn sốt ở nước ngoài thì cũng sẽ làm nên điều tương tự ở VN là hết sức sai lầm.

Hiện nay "Camera công sở" tiền thân là chuỗi phim hài "Camera Café" của Pháp, cũng đã tạo nên một món ăn mới lạ cho công chúng và phim "Bộ tứ 10A8" có độ dài 260 tập đang được VTV trình chiếu. Tuy nhiên, thời "vàng son" của thể loại phim sitcom dường như đã về với ngày xưa mất rồi, nên nhà đài chỉ dành sóng để phát vào những khung giờ khá "heo hút" người xem, khiến cho khả năng lan toả của những bộ phim này đến khán giả cũng hụt hơi.

"Là con gái thật tuyệt" và "Thư giãn cuối tuần" là hai phim sitcom đang được phát sóng trên Đài Truyền hình VN. "Là con gái thật tuyệt" được chuyển thể từ bản quyền phim sitcom "Un gars, Une fille" của Canada, một trong những chương trình thành công nhất tại nước này và đã được xuất khẩu sang 30 nước trên thế giới. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của một cặp đôi yêu nhau và là hai nhân vật chính trong phim với cá tính mạnh, ứng xử lém lỉnh, hài hước trong cuộc sống. Thế nhưng, dường như ở VN lại chẳng mấy ai biết đến và quan tâm. Còn "Thư giãn cuối tuần" một thời được giới báo chí và nhà đài quảng cáo rùm beng. Nhưng khi xem, hóa ra cũng chỉ ngần ấy gương mặt quen đến nhầu nhĩ với lối diễn "cả vú lấp miệng em", nặng về khua chân, múa tay và mồm mép, ít có những tình huống hài hước thật sự và càng không có các biểu hiện nội tâm của nhân vật. Lại còn cơ cấu vùng miền cho mỗi suất diễn, giống như bầu lãnh đạo mặt trận không bằng.

Đáng lưu ý là trước đấy các phim như: "Chuyện phố phường", "Đất và người", "Bỗng dưng muốn khóc", "Chạy án", "Gió làng Kình", "Mùa lá rụng trong vườn", "Những ngọn nến trong đêm", "Ma làng",... lại được nhiều người quan tâm bàn luận. Chả thế mà khi xem xong "Thư giãn cuối tuần" hôm vừa rồi. có người tung ra một câu xanh rờn: bao giờ cho tới... ngày xưa.

Đôi điều bàn luận

Các bộ phim vừa nhắc đến trên đây đều thuộc phim truyền hình dài tập, chỉ khác là một số phim thuộc thể loại phim tiểu thuyết truyền hình, còn một số phim thuộc thể loại sitcom. Theo thiển nghĩ, dường như trong bản chất tư duy của người Việt nói chung và đội ngũ làm phim nói riêng có rất ít khiếu hay đúng hơn là năng lực hài hước, mà chỉ có một ít khả năng bàn những chuyện thế sự có vẻ nghiêm túc và dài dòng. Trong khi đó sitcom là thể loại phim yêu cầu mỗi tập là một câu chuyện tương đối độc lập và tính hài hước cao được toát lên từ các tình huống, cảnh ngộ chứ không phải là sự ngộ diễn theo kiểu múa may, quay cuồng của diễn viên. Nếu nhìn thẳng vào sự thật thì rõ ràng là người Việt ta còn thiếu những nhà biên kịch, đạo diễn tài năng, những diễn viên chuyên nghiệp để có thể "mót" được dăm ba nụ cười lẻ của khán giả khó tính thời bùng nổ các phương tiện truyền thông nghe nhìn như hiện nay.

Chẳng rõ, người ta mang tiền của đi mua bản quyền sitcom hay huyễn hoặc, bịa đặt ra một vài kịch bản hài gọi là sitcom thuần Việt để gây cười một cách vô duyên làm nhức lỗ tai và làm mất thì giờ của công chúng để làm gì hay chỉ cốt sao "lấp đầy khoảng trống về thời lượng phát sóng thôi" (?!). Làm như thế, vô tình hay cố ý, các nhà phim, nhà đài đã hai lần lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân. Đừng bao giờ nghĩ rằng người khác có gì mình cũng phải có thế. Điều cốt lõi là phải nghĩ một cách thật sự nghiêm túc rằng tại sao người ta làm được còn mình thì không thể, nhất là trong khi chúng ta chưa phải là nước có nền kinh tế phát triển.          
Đỗ Ngọc Yên

Ý kiến của bạn