Siro ho đông dược cho trẻ em: Mối nguy từ dược liệu bẩn Trung Quốc

15-09-2016 14:51 | Đời sống
google news

SKĐS - Trên thị trường hiện lưu hành rất nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe trẻ em phổ biến nhất là các siro ho có nguồn gốc thảo dược hoặc các vị thuốc đông y. Nhưng có phải cứ đông y, dược liệu là an toàn khi bài toán “dược liệu bẩn, dược liệu không rõ nguồn gốc” đang trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn ngành Dược?

Theo chân người mua hàng tại một số nhà thuốc, vào thời điểm giao mùa Thu – Đông, các mặt hàng siro ho đông dược, đặc biệt là các sản phẩm siro ho dành cho trẻ nhỏ rất nhiều. Một số chủ nhà thuốc cho biết, vào vụ nên nhu cầu thị trường trong dòng siro ho đông dược dành cho trẻ nhỏ tăng đột biến. Các bác sỹ Nhi khoa đã đánh giá cao vai trò của dòng sản phẩm siro ho đông dược giúp giảm ho, long đờm khi dùng một mình hay kết hợp với tân dược (tùy từng trường hợp bệnh cụ thể). Nhiều đơn thuốc viêm đường hô hấp ở trẻ đều có kê siro ho thảo dược. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, hiện tại trên thị trường Dược Việt Nam, nhiều sản phẩm trong dòng này có thành phần chính là các vị thuốc đông y phải nhập khẩu từ Trung Quốc như qua lâu nhân, bán hạ, thiên môn đông, bách bộ, khổ hạnh nhân, ma hoàng, tang bạch bì... Trong khi việc kiểm soát chất lượng, tính an toàn của nguồn dược liệu này đang là vấn đề nan giải của cơ quan quản lý từ nhiều năm nay.

Theo thông tin tại tọa đàm Phát triển dược liệu bền vững do Bộ Y tế tổ chức ngày 8/6 ở Hà Nội, hàng năm ngành Dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó dược liệu nhập khẩu chiếm 80%, chủ yếu nhập từ Trung Quốc bằng các đường cả chính ngạch, tiểu ngạch khác nhau. Việc nhập khẩu dược liệu từ Trung Quốc thường khó truy xuất nguồn gốc, không kiểm chứng chất lượng cũng như dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, kim loại nặng và tỉ lệ nhiễm nấm mốc … cao.

Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới nguồn dược liệu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc cũng đang bị hạn chế sử dụng vì dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản vượt giới hạn cho phép. Những loại hóa chất này khi xâm nhập và tích lũy cơ thể người, đặc biệt phụ nữ mang thai và trẻ em sẽ để lại những hậu quả khôn lường về sức khỏe. Theo dữ liệu thu thập của tổ chức Hòa Bình Xanh Toàn Cầu (Green Pace), các dược liệu truyền thống không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc đều nhiễm thuốc trừ sâu với tỉ lệ khá cao. Tại Canada, đã có những kiểm tra đánh giá về chất lượng dược liệu kết quả cho thấy hầu hết các dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đều có hàm lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng. Một số loại dược liệu có thể định lượng rõ ràng hàm lượng thuốc BVTV như kim ngân hoa với 24mg thuốc BVTV/ 1gr dược liệu, gấp 100 lần giới hạn cho phép. Tại Việt Nam, trong 65 mẫu dược liệu được nghiên cứu 85% phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng. Chưa kể, Organophosphate, một loại thuốc trừ sâu phổ biến được sử dụng trong ngành nông nghiệp có thể dẫn đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ 8-15 tuổi.

Ngoài ra, các nhà khoa học trong lĩnh vực Y – Dược đã cảnh báo dược liệu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc có thể chứa hàm lượng lớn kim loại nặng như Arsen, chì, thủy ngân, đồng…Hiệp hội Ung Thư Hoa Kỳ (ACS) khẳng định nhiều loại thảo dược từ Trung Quốc gây độc cho cơ thể con người. Trong quá trình thanh tra thị trường, sở y tế California đã phát hiện 1/3 dược liệu xuất xứ từ Trung Quốc được tẩm thuốc tân dược hoặc các kim loại nặng. Những chất trên có thể gây nên tác hại nghiêm trọng với sức khỏe con người, thậm chí gây suy thận, đặc biệt với trẻ em. Nhiều trẻ trong số đó đã phải chịu di chứng thần kinh vì dư lượng chì trong cơ thể lớn.

Bên cạnh vấn đề kim loại nặng, dược liệu mốc, kém chất lượng cũng là một thực trạng nan giải. Điều kiện khí hậu nóng, ẩm và mư­a nhiều làm cho hàm lư­ợng nước trong không khí cao, cộng với d­ược liệu phần lớn có nguồn gốc thực vật, động vật và một số từ khoáng vật rất dễ hút ẩm và là thành phần dinh dưỡng thích hợp cho vi khuẩn, nấm mốc, côn trùng phát triển. Dược liệu từ Trung Quốc trải qua quá trình lưu thông, bảo quản kéo dài càng dễ bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn. Theo thống kê tỷ lệ d­ược liệu bị mốc mọt 15-20%, tỷ lệ khối l­ượng d­ược liệu bị mốc 12-28%. Nấm mốc làm giảm chất lượng dư­ợc liệu, tiết men phân huỷ hoạt chất trong dư­ợc liệu, tiết các độc tố (mycotoxin) đặc biệt là các aflatoxin trong dư­ợc liệu. Nấm mốc và độc tố nấm gây bệnh nấm như viêm giác mạc, viêm màng trong tim… gây bệnh dị ứng do tiếp xúc bào tử nấm, bệnh độc tố nấm do ăn, uống phải mycotoxin (ngộ độc, nhiễm độc, tổn th­ương gan, ung thư­ gan). Những loại độc tố này không bị diệt ở nhiệt độ cao (160 - 170 oC), do đó, nếu trong trường hợp nấu chín thì độc tố aflatoxin vẫn tồn tại mà không bị phân hủy. Trường hợp độ ẩm môi tr­ường quá thấp, n­ước sẽ kết tinh trong nguyên liệu có thể làm thủy phân các thành phần, chất l­ượng d­ược liệu giảm và sẽ thay đổi tính chất.

Câu chuyện thực phẩm bẩn đã thu hút được nhiều cơ quan, ban ngành chung tay giải quyết nhưng “dược liệu bẩn” vẫn là một khoảng trống còn bỏ ngỏ. Để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và gia đình, trong khi chờ đợi sự tham gia của các ngành chức năng như bộ y tế, bộ công thương, mỗi người cần trở thành những “người tiêu dùng thông minh” lựa chọn các sản phẩm “sạch” từ “dược liệu sạch”.


Ý kiến của bạn