Dẫn tôi vào thăm quan phòng tài liệu học tập của sinh viên, PGS.TS. Lê Đình Vấn, Trưởng Bộ môn Giải phẫu học, Trường ĐH Y dược Huế chỉ vào những xác người ướp, nói: " 3.500 sinh viên (chỉ tính số sinh viên hệ chính quy) chỉ được thực tập trên 6 xác người, trong đó có 3 xác chỉ còn bảo quản được 2 năm nữa là bị phân huỷ". Nhìn vẻ mặt lo lắng của ông, tôi hiểu sinh viên Trường ĐH Y dược Huế đang thiếu xác người để thực tập một cách trầm trọng.
Thực tập trên xác là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên y khoa
PGS.TS. Lê Lộc, Trưởng Khoa Tiêu hóa, BV Trung ương Huế có lần đã kể với tôi rằng, năm cuối cùng khi được Trường ĐH Y khoa Huế (bây giờ là ĐH Y dược Huế) gửi đào tạo tại Trường ĐH Y Hà Nội để làm cán bộ giảng dạy của trường, ông đã thực tập tại BV Việt Đức, sau những lần may mắn được đi theo GS. Tôn Thất Tùng học mổ gan, ông còn thường xuyên đến nhà xác của bệnh viện tình nguyện tham gia mổ tử thi khám nghiệm pháp y. Chưa đủ, ban đêm ông một mình lại tiếp tục đến nhà xác, xin người nhà mổ tử thi để thực tập mổ gan và các bộ phận tiêu hoá. Có lúc thức trắng đêm, lật đi, lật lại từng bộ phận để thao tác cho đến khi thành thạo. Khát khao, chịu khó học tập, nghiên cứu trên xác người đã giúp ông trở thành một phẫu thuật viên gan mật có tên tuổi. Ông từng dạy lại phương pháp cắt gan Việt Nam học được từ GS. Tôn Thất Tùng cho các phẫu thuật viên Bỉ và Lucxamboug. PGS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, "Cây kéo vàng" trong ngành phẫu thuật tim, cũng cho rằng, một trong những yếu tố để ông trở thành phẫu thuật viên giỏi một phần là nhờ được mổ trên những trái tim của tử thi. Cả hai nhà phẫu thuật đều khẳng định rằng việc đào tạo ngành giải phẫu, ngoài học các mô hình, tham khảo các tài liệu khác, sinh viên phải thực hành trên tử thi là điều bắt buộc.
PGS.TS. Lê Lộc phân tích: Khi phẫu thuật các bộ phận gan, mật, dạ dày hay bất kỳ một bộ phận nào trên cơ thể đều cần phải nghiên cứu kỹ cấu trúc bên trong của nó để nắm được những cấu trúc bất thường, nhờ vậy mới tránh được các tai biến khi thực hiện phẫu thuật. Cấu trúc đó chỉ có thể nhìn thấy khi mổ tử thi. GS. Tôn Thất Tùng khi đã tìm ra phương pháp mổ gan mới: Phương pháp mổ gan Việt Nam và truyền nghề cho đồng nghiệp của nhiều nước trên thế giới, ông vẫn đến nhà xác để mổ tử thi, luyện thêm tay nghề. Thực hành mổ tử thi không chỉ cần cho kỹ thuật mổ mở, mà còn rất quan trọng cho phẫu thuật nội soi. Bởi muốn thực hiện thành công mổ nội soi, trước tiên, bác sĩ ngoại khoa phải giỏi về kỹ thuật mổ mở. Ở BV Việt Đức- Hà Nội, bác sĩ gây mê, thực hiện gây tê tuỷ sống, hoặc đặt tĩnh mạch cũng đều phải thực hành trước đó rất nhiều trên tử thi.
Mẫu bệnh phẩm cho sinh viên thực tập rất đơn điệu vì thiếu xác hiến. |
Hiến xác - Quá khó?
Theo PGS.TS. Lê Đình Vấn: "Trong khi ở Viện Giải phẫu Pari cứ 4 sinh viên được thực hành trên một xác người. Đừng nói đâu xa xôi, ngay ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh hiện đã có trên 300 xác người cho sinh viên thực tập, và có trên 1500 đơn tình nguyện hiến xác sau khi qua đời”. Sở dĩ hai cơ sở trên có được số lượng xác nhiều như vậy là do phong trào hiến xác cho y học ở TP. Hồ Chí Minh khá mạnh, trong khi ở Huế, theo PGS. Vấn, từ năm 1981, khi ông giảng dạy ở Trường ĐH Y khoa Huế (nay là ĐH Y Dược Huế) cho đến nay, chưa hề có người hiến xác. Xác người có được chủ yếu là một số tử thi vô thừa nhận ở BV Trung ương Huế. Hiện tại một số xác người mà sinh viên đang thực tập chủ yếu do Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh cung cấp. Hầu hết sinh viên phải học chay, hoặc học theo tư liệu do cán bộ giảng dạy của bộ môn sưu tầm tư liệu qua mạng internet, giảng dạy qua hệ thống truyền hình. Cách dạy này chỉ mang tính chất “chữa cháy”, ít có tác dụng thực tế vì sinh viên không được trực tiếp cầm dao mổ. Mỗi xác người chỉ sử dụng được sau 3 năm bảo quản. Hiện đã có gần 50 lá đơn gửi đến Trường ĐH Y dược Huế xin được hiến xác sau khi qua đời. Đây là nghĩa cử đẹp, song chờ được người hiến xác cho sinh viên học còn xa vời lắm, vì độ tuổi trong số những lá đơn này, người lớn tuổi nhất sinh năm 1947, hơn nữa, đa số những người hiến xác đều ở rất xa địa bàn Thừa Thiên Huế. Việc hiến xác không đơn giản do sự ràng buộc bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố tâm linh khá quan trọng. Thi thoảng trên địa bàn Thừa Thiên Huế vẫn có xác người vô thừa nhận. Đó là "món quà" quí báu đối với sinh viên y khoa, nhưng chẳng ai dám làm điều này. Lấy xác người dù vô thừa nhận vẫn bị coi là phạm luật.
Đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp đã tình nguyện hiến xác cho khoa học và để cứu người, mong rằng, sẽ có nhiều hơn những nghĩa cử cao đẹp như thế.
Theo PGS.TS. Trương Việt Dũng - Vụ trưởng Vụ Khoa học&Đào tạo - Bộ Y tế, các trường đại học (ĐH) cần chủ động liên kết, phối hợp với các bệnh viện; vận động, thông báo đến các gia đình bệnh nhân trong việc xin và tiếp nhận xác hiến để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu cho sinh viên y khoa. Bên cạnh đó, các trường ĐH phải có cam kết sau khi sử dụng, các tử thi sẽ được xử lí theo đúng quy định, đúng pháp luật. PV |
Đinh Hoàng Xuân Hồng