Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ngày càng nhiều: Cần siết chuẩn đầu ra?

09-11-2023 08:10 | Xã hội

SKĐS - Theo thống kê của nhiều trường đại học vài năm gần đây cho thấy, số lượng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi và xuất sắc đạt tỷ lệ cao, có trường lên đến gần 100%.

Ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc

Trong đợt tốt nghiệp năm nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có 4.577 tân cử nhân. Trong đó, 1.192 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc (chiếm 26,04%), 1.925 sinh viên loại giỏi ( trên 42%), 1.376 sinh viên loại khá (30%). Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trao bằng tốt nghiệp vào tháng 3 năm nay cho 3.978 sinh viên chính quy. Thống kê của trường này cho thấy có 43 sinh viên xuất sắc, 1.994 sinh viên giỏi. Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), tỷ lệ SV giỏi trở lên trên 45%.

Tại Trường ĐH Ngoại thương năm nay có 1.791 sinh viên tốt nghiệp đợt 2. Trong tổng số 1.655 sinh viên chính quy tốt nghiệp có 21% đạt kết quả học tập loại xuất sắc, khoảng 48,2% loại giỏi.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng ĐH hệ chính quy năm 2023 cho 417 sinh viên. Trong số đó, có 55 trường hợp xếp loại xuất sắc, đạt tỉ lệ 13,2%; 208 đạt loại giỏi, đạt tỉ lệ gần 50%; 150 xếp loại khá, tỉ lệ 36% và chỉ có 4 sinh viên xếp loại trung bình, tỉ lệ 1%. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp từ khá trở lên của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế chiếm tới 99%.

Trường ĐH Lao động-Xã hội có 1.076 tân cử nhân ĐH chính quy năm 2023. Trong đó, tổng số sinh viên đạt tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi, khá chiếm tới 92,84%.

Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ngày càng nhiều: Cần siết chuẩn đầu ra - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Đại tá Dương Xuân Phượng - Phó Giám đốc Học viện Viettel cho biết, khoảng cách giữa đào tạo của trường ĐH với thực tế nhu cầu doanh nghiệp vẫn còn xa. Học viện Viettel từng tiếp nhận 2.000 sinh viên xuất sắc ở các trường về đào tạo theo chương trình Viettel Digital rồi chỉ tuyển được 100 người. Khảo sát cho thấy, 75% các em tự đánh giá đáp ứng được chưa đến 80% yêu cầu công việc. Chỉ 2% cho rằng có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu của doanh nghiệp.

Cần siết chuẩn đầu ra

Trao đổi về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần siết chuẩn đầu ra để việc đánh giá đúng thực chất, để sinh viên không ảo tưởng về năng lực hoặc "khoác trên mình chiếc áo quá rộng", dẫn đến việc nhiều em gia nhập thị trường lao động nhưng "không biết mình là ai" hoặc ngược lại tự ti, chán nản về năng lực bản thân.

Theo PGS.TS. Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội, ở bậc phổ thông luôn nhận được phàn nàn tỉ lệ tốt nghiệp loại khá giỏi cao quá, đến bây giờ dư luận mới chú ý đến giáo dục ĐH.

Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho hay, thực tế, dù ở bậc học nào thì tỉ lệ giỏi, xuất sắc phải là hình kim tự tháp, khó có thể xảy ra hiện tượng hình tháp ngược. "Nếu hệ thống kiểm tra nghiêm túc, đề kiểm tra chuẩn theo đúng khoa học đánh giá thì tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc theo hình tháp ngược là điều rất đáng mừng".

Để chất lượng đào tạo thực chất, Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng cần dựa vào các yếu tố như chuẩn hóa các câu hỏi thi, hệ thống kiến thức muốn chuyển tải tới sinh viên. Đối với chuẩn hóa câu hỏi kiểm tra, ngay tại ĐH Bách khoa Hà Nội đang thực hiện rốt ráo nhưng cũng chưa bao trùm tất cả. "Nếu hai yêu cầu (chuẩn hóa câu hỏi kiểm tra, kiến thức đưa vào giảng dạy) không được các trường chú trọng thì hệ quả là bằng tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc "mất thiêng"; các trường cũng thiếu động lực để cải tiến chất lượng đào tạo".

Còn theo Đại tá Dương Xuân Phượng, đang có sự bất cập trong đánh giá sinh viên tốt nghiệp, khi tỷ lệ khá, giỏi, xuất sắc của một số trường lên tới 99%. "Các trường ĐH đổi mới nội dung chương trình đào tạo sát với thực tế của doanh nghiệp, hướng theo tín hiệu thị trường chứ không phải đào tạo "những cái mà trường có".

Các trường cần có chính sách liên kết, mời doanh nghiệp tham gia một phần đào tạo, cấp một số chứng chỉ để sinh viên bắt nhịp được đòi hỏi của doanh nghiệp, thị trường lao động. Cần xem xét có cơ chế, tiêu chí chung để đánh giá thực chất chất lượng sinh viên hiện nay. Cụ thể là không để tỷ lệ xuất sắc và giỏi quá cao, bởi khi về đến doanh nghiệp phải đánh giá lại, sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đề nghị, thay vì câu hỏi "học được kiến thức gì", hãy tập trung trả lời vấn đề "học xong làm được gì?".

Thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại học chật vật xét tuyển bổ sungThiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại học chật vật xét tuyển bổ sung

SKĐS - Thời điểm này, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã ổn định việc dạy và học, tuy nhiên nhiều trường đại học có ngành chỉ tuyển sinh được vài chỉ tiêu và thông báo tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 3 với hàng trăm chỉ tiêu.

ĐV
Ý kiến của bạn