Những ngày giáp Tết, nhiều sinh viên ở TP. Vinh (Nghệ An) tất bật, bươn chải làm thêm tại các quán cà phê, nhà hàng, siêu thị, giúp việc nhà… để tăng thêm thu nhập, phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống hoặc đóng học phí. Tuy nhiên, có không ít sinh viên đi làm thêm với mục đích nâng cao kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng khác.
Mang tiền về cho mẹ…
7h sáng tại quán cà phê trên đường Duy Tân, thành phố Vinh, Ngô Thế Trung (sinh viên năm ba, khoa thương mại điện tử Trường ĐH. Vinh) bắt đầu vào ca làm. Công việc tại quán cà phê tương đối nhẹ nhàng. Trừ lúc đi học, mỗi ngày Trung đều làm ở quán từ 7 giờ sáng. "Mỗi giờ em được trả 13.000 đồng, nếu làm đến cận Tết lương sẽ cao gấp ba lần. Không chỉ dịp Tết này, mà em đã làm ở đây hơn 4 tháng, dịp áp Tết này có tăng ca làm thêm", Trung kể.
Trung cho biết, sẽ kết thúc công việc làm thêm vào khoảng 25, 26 Tết. Còn ra tết, em vẫn tiếp tục đi làm. Làm thêm để có chi phí ăn học giảm bớt gánh nặng cho gia đình, phần khác vì cũng muốn có chút quà Tết tặng ba mẹ.
Những ngày cận Tết này, bữa cơm có đầy đủ 5 thành viên của nhóm sinh viên nghèo đến từ huyện miền núi Tương Dương và Kỳ Sơn lại càng ít đi. Thay vào đó, các em đang tập trung làm thêm với mong muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, chi phí học tập và mua được ít quà Tết cho gia đình.
Trong số này, Lương Thị Son – sinh viên năm thứ 2 ngành bác sĩ Đa khoa – Trường Đại học Y khoa Vinh đang vừa học, vừa làm cho một cơ sở chuyên khám tai mũi họng. Lô Thị Diệu – sinh viên năm thứ nhất khoa Sư phạm Tiếng Anh lại đang làm gia sư với lịch dạy kín mít 7 buổi/tuần. Sinh viên Lầu I Dở, Vừ I Đơ đang học ngành điều dưỡng, hay Mai Hoa – ngành sư phạm Tiếng Anh tranh thủ hoàn thành kỳ thi học kỳ vừa nhận dọn vệ sinh nhà cửa.
Trước đây, lịch dọn nhà của các gia đình thường định kỳ vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, dịp giáp Tết, do khách hàng gọi thường xuyên nên hầu hết các buổi không phải lên lớp các em đều xếp lịch cho khách. Cả nhóm cũng dự định phải đến giáp Tết mới về quê vì càng gần Tết nhiều người thuê hơn và thu nhập cũng theo đó tăng lên, Mai Hoa chia sẻ.
Được biết, từ hơn một năm trở lại đây, để có thêm thêm tiền để trang trải cuộc sống các em bắt đầu đi làm thêm. Số tiền có được tuy không nhiều nhưng đã giúp các em có thêm chi phí để trang trải cuộc sống. Lô Thị Diệu cho biết: "Mỗi tháng làm gia sư em được hơn 3 triệu. Ngoài ra, khi rảnh rỗi em cùng các bạn đi dọn vệ sinh cho các gia đình. Việc đi làm thêm với em thực sự có ý nghĩa vì đây là cơ hội để em trau dồi nghề nghiệp và có thêm nhiều trải nghiệm quý giá. Hơn thế, em còn có thể đỡ đần được thêm cho gia đình, giúp bố mẹ bớt đi phần nào...". Diệu nói và cho biết, do chăm chỉ làm thêm nên đầu tháng 1 này, cùng với tiền học bổng, tiền hỗ trợ sinh viên sư phạm, tiền làm thêm, em đã gom góp chuyển về cho mẹ 14 triệu đồng để gia đình sắm Tết.
Nhộn nhịp người tìm việc, việc cần người
Công việc thời vụ không yêu cầu bằng cấp, tay nghề mà chỉ cần người lao động nhanh nhẹn, có trách nhiệm với công việc, đáp ứng được những yêu cầu và thỏa thuận mà người tuyển dụng đưa ra. Vì vậy, đây được đánh giá là cơ hội cho sinh viên có thời gian rảnh và muốn kiếm thêm thu nhập để đón Tết.
Dịp cận Tết, thông tin tuyển dụng được đăng tải thường xuyên trên các trang mạng xã hội, trong đó có khá nhiều việc làm thời vụ tập trung vào dịp Tết. Một đơn vị là tổng kho ở khu vực chợ Vinh do cuối năm hàng hóa nhiều nên cần đến 12 lao động là nam phụ bốc xếp và phụ theo xe giao hàng với thu nhập 400.000 đồng/ngày, tăng ca được trả thêm và nuôi ăn ở. Đơn vị này cũng mong muốn lao động làm đến 27 Tết và cam kết không nợ lượng.
Một lĩnh vực cũng cần rất nhiều lao động thời vụ như kinh doanh dịch vụ ăn uống, thời trang hay bán hàng online, giao hàng, trông hàng ở các khu thương mại với mức thu nhập cao hơn ngày thường từ 100.000 – 200.000 đồng. Do nhu cầu lao động tăng cao nên khi đăng các thông tin tuyển dụng, chủ sử dụng lao động đều đưa ra các lời mời hấp dẫn như "đi làm ngay", "lương gấp đôi so với ngày thường", "trả lương theo ngày"…
Chị Mai Anh – chủ quán cà phê ở đường An Dương Vương (TP. Vinh) chia sẻ: "Tôi đã thử thuê những người đã ra trường và đi làm thì thấy họ đều xem đây là công việc tạm thời, không mặn mà gắn bó lâu dài. Trong khi đó với sinh viên các em nhiệt tình, nhanh nhẹn. Bản thân tôi kinh doanh cà phê với đối tượng phục vụ chủ yếu là giới trẻ nên trong việc lên thực đơn, trang trí cho quán có đôi khi tôi còn phải hỏi các bạn sinh viên vì các bạn bắt kịp với xu thế của khách hàng cùng trang lứa…", chị Mai Anh nói.
Với nhu cầu lao động thời vụ lớn, dịp cận Tết, sinh viên có nhiều lựa chọn để cân nhắc và tìm kiếm được những việc làm có thu nhập cao. Đây cũng là cơ hội để các em được trải nghiệm, thử thách bản thân và cọ xát với các mối quan hệ xã hội, đồng nghiệp để tích lũy các kỹ năng sau khi ra trường.
Đại diện sàn giao dịch việc làm tỉnh Nghệ An cũng khuyến cáo, hiện thông tin về việc làm qua các trang thông tin, mạng xã hội khá lớn, sinh viên cũng cân nhắc lựa chọn công việc phù hợp và không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe, thời gian học tập ở trường. Đặc biệt, cần tỉnh táo để tránh những cái bẫy tuyển dụng lao động phòng trường hợp bị lừa đảo, trục lợi, nhất là những bẫy "việc nhẹ, lương cao"...