“Chiêu trò kinh doanh đa cấp”, “đa cấp biến tướng” là những vấn đề không mới tại Việt Nam. Hàng loạt vụ việc tan nhà nát cửa do đa cấp bị phanh phui, nhiều vụ án gây chấn động với mức độ quy mô và thiệt hại không nhỏ. Tuy nhiên, sau ngần ấy năm, chiêu trò không mới của đa cấp vẫn tiếp tục lừa được vô số người từ nông dân, công nhân, đến những thành phần tri thức như công nhân viên chức, giáo viên… cũng dính vào các đường dây đa cấp. Dư luận xã hội gần đây xôn xao trước “sự mất tích bất thường” của hàng loạt sinh viên vì “bẫy đa cấp”. Sinh viên là những thế hệ ưu tú, có hiểu biết, có kiến thức, được tiếp xúc với đầy đủ thông tin trên các phương tiện thông tin báo đài, nhưng vẫn dễ dàng bị dính vào các đường dây đa cấp lừa đảo. Đây là một thực trạng đáng quan ngại và cần phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.
Ác mộng từ giấc mơ đổi đời
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng ước mơ thể hiện bản thân, muốn sớm thành công, một số sinh viên đã vô tình trở thành con mồi béo bở cho những “cái bẫy” mang tên đa cấp. Bằng cách tô điểm cho những câu chuyện người thật việc thật, những “thiên tài khởi nghiệp”, làm giàu nhanh chóng mà không cần học đại học, không cần làm gì cũng có thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Bẫy đa cấp đã gieo vào tâm trí sinh viên sự tò mò, sẵn sàng đánh đổi để mong có được cơ hội làm giàu “nhanh chóng – đơn giản”.
Là một tân sinh viên từ Thái Bình, Nguyễn Thị Thu Thủy (tên nhân vật đã thay đổi) lên Hà Nội với niềm tự hào của bố mẹ và ước mơ về cuộc sống thành đạt mai. Hàng tháng, dù Thủy được bố mẹ chu cấp tiền khá đầy đủ cho việc ăn học, Thủy vẫn tìm kiếm các công việc làm thêm để tự tay mình kiếm thêm thu nhập. Sau nhiều lần mất tiền với các trung tâm môi giới cũng như các lần bán hàng mỹ phẩm bình dân, Thủy ngỡ rằng cơ hội đã đến với mình, khi một người anh trong xóm trọ ngỏ lời mời cô tham gia cuộc gặp gỡ của “những người trẻ Việt Nam thành đạt”.
Trong buổi gặp gỡ kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ tại một nhà hàng sang trọng ở Hồ Tây, Thủy có cơ hội tiếp xúc với những “bạn trẻ thành đạt” những người xài điện thoại đời mới, túi xách hàng hiệu; hay những người kiếm được vài trăm triệu mỗi tháng mà chẳng cần làm gì, thậm chí có bạn sinh viên năm cuối còn tự mua được xe hơi từ cơ hội “vàng mười” mà cuộc gặp gỡ mang lại.
Hào nhoáng, choáng ngợp cùng những lời nói như rót mật vào tai về sự thành công “nhanh chóng, dễ dàng”, Thủy không thể từ chối cơ hội, dù chưa một lần suy xét thấu đáo. Để mua “chiếc vé hy vọng” bước chân vào thành công, Thủy phải bỏ ra 10 triệu đồng để mua một bộ sản phẩm của hãng và được… “thăng cấp” thành thủ lĩnh. Khi cô băn khoăn không có tiền, “thủ lĩnh thành đạt” mở lời cho Thủy vay tiền chỉ cần đặt thẻ sinh viên và chứng minh thư. Bỏ ra 2 triệu cùng việc cầm chứng minh thư và thẻ sinh viên, Thủy trở thành một thành viên của mạng lưới những người năng động. Thủy lại bắt đầu đi tìm những người bạn khác để giới thiệu sản phẩm và phải tìm được thành viên “chân rết” cho mình.
Ba tháng tham gia, Thủy không hề mời được ai, vì bạn bè mời đến đều từ chối. Có lẽ, ai cũng hiểu bản chất nó là bán hàng đa cấp. Thủy ngậm ngùi mất 10 triệu đồng và cô coi như là bài học, cái được cho Thủy đó là cô tự tin hơn và đó là học phí cho bất cứ sinh viên nào nhẹ dạ, dễ tin.
Kịp thời tỉnh táo và tránh xa các đường dây đa cấp lừa đảo khi thiệt hại chưa quá nghiêm trọng như trường hợp của Thủy là còn may mắn, có nhiều vụ việc lừa đảo sinh viên trong các đường dây đa cấp gần đây với số tiền lên đến vài trăm triệu. Có nhiều trường hợp sinh viên dối gạt cha mẹ về một hồ sơ du học nơi trời Tây để lấy tiền tham gia vào đa cấp là không hề hiếm.
Tại TP.HCM, một số bẫy đa cấp đã có những hướng tiếp cận mới, tinh vi và khó phòng bị hơn với các bạn sinh viên. Như trường hợp của N.Đ.T, sinh viên năm thứ nhất ở một trường Cao Đẳng trên địa bàn TP.HCM cho biết: “Ban đầu họ (đối tượng đa cấp – PV) tiếp cận đến em thông qua việc em tìm kiếm việc làm thêm, sau đó họ giới thiệu em với các “sếp”, những người thành đạt rồi ngõ ý chuyển em sang vị trí kinh doanh để có thu nhập tốt, mà để chuyển sang bộ phận kinh doanh thì phải bỏ ra gần 20 triệu để mua sản phẩm. Khi em nói không có tiền để mua sản phẩm thì họ hướng dẫn em nhiều cách từ nói dối về đóng tiền Anh văn, tin học… thậm chí là hướng dẫn em vay tiền bạn bè, người thân để có tiền mua sản phẩm. Do cảnh giác với các hệ thống đa cấp nên em từ chối tham gia. Sau nhiều lần thuyết phục không thành, thì em được cho nghỉ việc mà tiền lương cũng chẳng được nhận được đồng nào”.
“Bánh vẽ” từ lòng tham
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) bán hàng đa cấp dễ dẫn dắt người khác vì nó đánh vào lòng tham của mỗi người. Sinh viên, người trẻ luôn có khát vọng kiếm tiền nên càng dễ bị lôi cuốn.
PGS Bình cho biết, ông gặp rất nhiều người tâm sự dù biết rõ biến tướng của bán hàng đa cấp, nhưng khi rơi vào mê cung này, họ mới thật sự không gỡ ra được bởi những lời đường mật cũng như sự đeo bám của đối tượng. Một trong những lý do khác đó là bị chính người thân của mình lôi kéo vào hệ thống bán hàng đa cấp.
Để xảy ra tình trạng bán hàng đa cấp, kinh doanh ảo một cách tràn lan như hiện nay, trách nhiệm đầu tiên là của chính những người tham gia. Bởi vì, bản thân họ biết câu chuyện kinh doanh đó hoàn toàn phi thực tế; vì chỉ đóng vài triệu đồng, vài trăm nghìn đồng nhưng chỉ trong một thời gian ngắn có thể thu lời hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng… đã khiến các em sinh viên mê muội, tin theo.
PGS Bình nhấn mạnh, bản thân những người tham gia, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên phải có ý thức cảnh giác với lòng tham của chính mình, đồng thời phải có sự phản biện khi tiếp nhận những thông tin ấy và tham gia các chương trình một cách thận trọng.
PGS Bình cho biết, không riêng sinh viên, bất kỳ ai tham gia các hoạt động bán hàng này cần phải tìm hiểu thật kỹ về các hoạt động của nó, các điều kiện ràng buộc và về các sản phẩm mà mình mua về để bán hay sử dụng. Nếu có dấu hiệu bất thường, lừa đảo cần mạnh dạn lên tiếng, phản ánh với các cơ quan chức năng để chặn đứng mọi hành vi lừa đảo.