Sinh viên nói gì về đề xuất được làm thêm 24 giờ mỗi tuần?

12-08-2024 16:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nâng đề xuất thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên lên 24 giờ mỗi tuần thay vì 20 giờ như dự thảo hồi tháng 3.

Đề xuất được nêu trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định người lao động là học sinh, sinh viên đủ 15 tuổi, đang theo học các chương trình giáo dục chính quy được làm việc không quá 24 giờ mỗi tuần trong thời gian học và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Dự thảo mới nhất quy định mức sàn tiền công cho nhóm này thay vì để hai bên tự thỏa thuận. Theo đó, mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ hiện hành, vùng 1 là 23.800 đồng, vùng 2 là 21.200 đồng, vùng 3 là 18.600 đồng và vùng 4 là 16.600 đồng.

Để đảm bảo việc làm thêm không ảnh hưởng đến quá trình học tập, học sinh, sinh viên bắt buộc phải thông báo cho cơ sở giáo dục đào tạo. Các cơ sở này có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ các em trong suốt quá trình làm thêm.

Sinh viên nói gì về đề xuất được làm thêm 24 giờ mỗi tuần?- Ảnh 1.

Thu Thủy làm thêm tại 1 quán ăn nhanh. Ảnh: NVCC

Sinh viên nói gì về đề xuất được làm thêm 24 giờ mỗi tuần?

Trước thông tin trên, đã có nhiều ý kiến từ phía các học sinh, sinh viên. Có nhiều người đồng tình với đề xuất trên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến không tán thành, vì cho rằng thời gian làm thêm như vậy vẫn ít. Với lượng thời gian như vậy các em không thể kiếm đủ tiền để trang trải học phí và sinh hoạt.

Nguyễn Ngọc Khánh (2002, Trường Đại học Ngoại Thương) cho biết, trong năm cuối học đại học, Khánh đã đi làm thêm. Mục đích của việc đi làm thêm là để trải nghiệm cuộc sống, nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm, đặc biệt kiếm thêm thu nhập để phụ giúp bố mẹ.

Thời gian làm thêm của Khánh trung bình khoảng 4-5 giờ/ngày, do đó quy định học sinh, sinh viên chỉ được làm thêm gần 4 giờ/ngày  là hơi ít.

"Em làm thêm khá nhiều công việc. Em dạy thêm tiếng Anh ở các trung tâm và còn làm nhân viên phục vụ ở quán cà phê. Có những hôm quán cà phê đông khách,  em phải tăng thời gian làm, về đến nhà cũng đã 11 giờ đêm. Vì vậy em thấy, nếu chỉ cho sinh viên làm gần 4 giờ/ngày thì hơi ít", Ngọc Khánh nói.

Sinh viên này cũng cho biết thêm, với mức lương  ở trung tâm tiếng Anh là 150.000 đồng/giờ, tuy nhiên 1 tuần Khánh chỉ được dạy 3 giờ vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Còn tại quán cà phê thì mức lương là 20.000 đồng/giờ, ngoài các buổi học Khánh làm gần như kín tuần.

Thu Thủy (SN 2003, sinh viên trường Đại học kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cũng đam mê làm thêm ngay từ khi mới "chân ướt chân ráo" từ Yên Bái xuống Hà Nội nhập học. Không chỉ vì học phí mà Thủy muốn được trải nghiệm cuộc sống, muốn được tự lập, không phải quá phụ thuộc vào cha mẹ.

Thủy cho biết: "Bản thân em đã đi làm thêm rất nhiều, từ việc là nhân viên bán hàng cho đến nhân viên bồi bàn ở các cửa hàng ăn nhanh, hay nhà hàng buffee… Thời gian làm việc của em khoảng 6 giờ/ngày.

Mức thu nhập của em khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này em không phải xin thêm đồng nào từ bố mẹ".

Theo Thủy, khi làm việc ở cửa hàng mỹ phẩm, thời gian sẽ cố định, thường không có tăng ca. Tuy nhiên, khi làm thêm tại các nhà hàng ăn uống thì sẽ phải tăng ca thường xuyên, vì giờ giấc không thể đúng như thỏa thuận ban đầu.

"Vì nhiều khi khách hàng họ ăn uống đến muộn mới về. Thời gian làm việc tại nhà hàng buffee có khi 23h30 em mới về đến xóm trọ. Khi đó thực sự rất mệt, nhưng lúc nhận lương thì cũng rất vui", Thủy nói.

Sinh viên nói gì về đề xuất được làm thêm 24 giờ mỗi tuần?- Ảnh 2.

Ngọc Khánh cho rằng việc quy định học sinh, sinh viên chỉ đi làm thêm 24 tiếng mỗi tuần là hơi ít. Ảnh: NVCC.

Theo Thủy, việc quy định học sinh, sinh viên chỉ đi làm thêm 24 tiếng mỗi tuần sẽ là hơi ít. Vì nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cần phải đi làm thêm để trang trải học phí và sinh hoạt hằng ngày.

Trái với ý kiến của Khánh và Thủy, Quang Khánh (SN 2004, sinh viên năm 2 của trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội) cho rằng, nếu sinh viên đi làm quá nhiều thì sẽ không có thời gian học tập. Chính vì vậy, việc quy định thời gian làm thêm 24 giờ/tuần với học sinh, sinh viên theo Quang Khánh là hợp lý.

"Việc chính là học tập chứ không phải là đi làm để kiếm sống, nên em thấy quy định này là hợp lý. Em từng thấy rất nhiều sinh viên vì làm thêm mà bỏ bê việc học. Chỉ "đâm đầu" vào kiếm tiền nên phải thi lại, học lại, hoặc bảo lưu kết quả…", Quang Khánh nói.

Quang Khánh cũng cho hay, công việc làm thêm của sinh viên chủ yếu là phụ việc tại các quán ăn, quán cà phê, đóng gói hàng hóa, phát tờ rơi theo ca 4-5 tiếng mỗi ngày… Nên gần như cũng không giúp ích được gì nhiều cho kiến thức học chuyên ngành. Mức lương phổ biến khoảng 17.000-20.000 đồng/giờ.

"Với công việc dạy thêm tiếng Anh, Toán, Văn, Công nghệ thông tin, Khoa học tự nhiên... thì có thể rèn luyện thêm được kiến thức chuyên ngành, mức lương có thể nhận cũng cao hơn. Em rất thích công việc dạy thêm, chỉ cần dạy 1-2 giờ/ngày cũng có thể kiếm được 100.000 đồng – 400.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, em không học sư phạm nên cũng khó tìm được công việc làm thêm này", Khánh chia sẻ.

Theo Bộ luật Lao động hiện hành, lao động ở doanh nghiệp làm không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ; làm thêm dưới 40 giờ mỗi tháng và không quá 200 giờ mỗi năm. Như vậy, số giờ làm việc của học sinh, sinh viên trong thời gian học bằng một nửa lao động bình thường.

Xem thêm bài viết:

Không về quê dịp lễ, sinh viên đi làm thêm tăng thu nhậpKhông về quê dịp lễ, sinh viên đi làm thêm tăng thu nhập

SKĐS - Mặc dù thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay dài nhưng nhiều sinh viên đã lựa chọn không về quê mà ở lại thành phố để làm thêm.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn