Sinh viên méo mặt vì sổ ngoại trú

13-12-2011 11:10 | Xã hội
google news

Với sinh viên ngoại tỉnh ở ký túc xá sẽ có sổ nội trú, ở trọ phải có sổ ngoại trú (sổ hồng). Sổ ngoại trú giống như giấy xác nhận để nhà trường và chính quyền phường phối hợp trong việc quản lý một số lượng lớn sinh viên.

(SKDS) - Với sinh viên ngoại tỉnh ở ký túc xá sẽ có sổ nội trú, ở trọ phải có sổ ngoại trú (sổ hồng). Sổ ngoại trú giống như giấy xác nhận để nhà trường và chính quyền phường phối hợp trong việc quản lý một số lượng lớn sinh viên. Thế nhưng, câu chuyện sổ ngoại trú đã khiến không ít sinh viên rơi vào tình huống dở khóc, dở cười chỉ vì thủ tục hành chính khi đi xin dấu xác nhận.

Tiến thoái lưỡng nan vì "sổ hồng"

Với các tân sinh viên, khi mới bước vào trường sẽ nhận được một loạt thông báo, nội quy do trường quy định. Trong đó, sổ ngoại trú là điều bắt buộc, khiến sinh viên lưu tâm nhiều nhất. Trường hợp của V. Trang (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) là một ví dụ điển hình. Trước đây, khi là tân sinh viên mới nhập học, nhận được thông báo của học viện, Trang vội vàng ra phường để xin dấu xác nhận. Những tưởng sẽ dễ dàng như ở quê, ra xin các bác đóng dấu là xong. Nhưng điều mà Trang không ngờ tới ở đây chính là thủ tục hành chính khó khăn, khiến cô phải năm lần bảy lượt ra xin dấu và lần nào cũng đều nhận câu trả lời là ở đây không giải quyết vấn đề này hoặc chờ mấy hôm nữa! Sau nhiều lần hẹn mà vẫn không có được dấu xác nhận của phường, lâu ngày đâm ra nản, Trang từ bỏ việc xin dấu.

Cũng đồng cảnh ngộ, Trần Diệu Linh (sinh viên năm nhất, ĐH Giao thông Vận tải) bức xúc nói: "Việc xin dấu của mình khó khăn lắm. Hầu như ngày nào mình cũng ra trụ sở của UBND phường, chờ dài cổ để gặp các bác xin dấu. Hạn nộp đã cận kề mà mình chưa xin được dấu xác nhận".

Sinh viên méo mặt vì sổ ngoại trú 1
 Việc kiểm tra tạm trú ở các khu trọ sinh viên chưa được chặt chẽ.

Theo chia sẻ, hầu hết sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng đều phải nộp sổ ngoại trú hoặc giấy khai báo tạm trú có xác nhận của cơ quan chính quyền cho nhà trường.

Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp gặp khó khăn trong việc xin dấu xác nhận nơi mình ở. Nếu không nộp sổ, nộp giấy khai báo đúng hạn, nhà trường sẽ xử lý theo nội quy bằng hình thức trừ điểm rèn luyện. "Học hành vất vả, cố gắng mãi mới lên được 0,1 điểm học tập, thế mà chỉ vì cuốn sổ ngoại trú mà sự cố gắng coi như xuống sông xuống bể", Lê Thị Thanh (sinh viên năm thứ tư, Đại học Lao động Xã hội) ngậm ngùi chia sẻ. Nhiều trường hợp sinh viên xin được dấu thì hết hạn nộp sổ, phải lên phòng công tác chính trị nói khó mãi, trình bày, giải thích lý do mới được... tạm nhận.

Dấu xác nhận 1 lần cho 4 năm học

Việc xin dấu xác nhận đã khó, thế nhưng nhiều trường chỉ thực hiện một lần duy nhất, sau đó không mảy may đả động đến việc xác nhận lại trong suốt quá trình học tập của sinh viên. Câu chuyện sổ ngoại trú đã để lộ ra mặt bất cập của nó. Trên thực tế trong những năm học chuyên nghiệp, các bạn sinh viên đều đã từng di dời nhà trọ, chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác.
 
Một kỳ học, họ có thể chuyển chỗ ở tới vài ba lần tùy theo mức độ dao động của giá phòng trọ và nhiều lý do khác. Theo V. Trang: "Lớp mình đang học có nhiều bạn chỉ xin dấu, nộp sổ ngoại trú một lần duy nhất đợt đầu năm, nhưng cũng có nhiều bạn chuyển phòng trọ đến 3, 4 bốn lần mà có thấy trường hỏi giấy đâu, mặc dù nội quy ghi rất rõ ràng là khi chuyển trọ thì phải xin lại dấu, như thế khác nào làm sổ cho có hình thức...". Thậm chí nhiều trường đại học, cao đẳng chỉ yêu cầu sinh viên nộp giấy khai báo tạm trú một lần duy nhất vào năm đầu. Và như vậy, tờ giấy này hiển nhiên được lưu trữ trong bộ hồ sơ sinh viên và theo họ suốt 4 năm học.
 
Khi chuyển trọ, nhà trường cũng không nắm được và sinh viên cũng không biết trách nhiệm của mình là phải thông báo với phòng công tác chính trị để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Hoàng Thương (Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: "Mình nộp giấy khai báo tạm trú cho nhà trường một lần từ ngày nhập học, cũng không thấy nhà trường yêu cầu nộp lại nếu chuyển nhà, dù mình chuyển mấy lần rồi. Mấy năm nay, nhà trường vẫn ghi vào hồ sơ theo địa chỉ mình khai báo từ năm thứ nhất thôi".

Hiện nay, việc kiểm tra tạm trú tại các khu nhà trọ sinh viên vẫn chưa được chính quyền tiến hành một cách thường xuyên. Bởi vậy nhiều sinh viên chỉ xin dấu một lần cho 4 năm học nhưng sau đó chuyển đến nhiều địa điểm trọ khác nhau mà chẳng cần đăng ký hoặc khai báo lại với nhà trường và chính quyền sở tại. Bạn Trần Thanh Tùng (sinh viên năm thứ tư, ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) cho biết: "Tôi chả muốn đi xin, vì có xin cũng thế thôi, có ai kiểm tra đâu, biết đường nào mà lần. Ai có của thì tự bảo quản, mất thì khổ, không có cái dùng thôi".

Rõ ràng, việc quản lý sinh viên ngoại trú ngoài giờ lên lớp là điều cần thiết vì các trường hiện nay chưa thể có hệ thống ký túc xá khép kín. Thế nhưng, việc quản lý cũng chỉ dừng lại ở những quy định trên giấy tờ. Nhà trường chỉ căn cứ vào giấy tờ mà sinh viên nộp để xác nhận, nhưng thực tế thì họ cũng không kiểm soát được. Phải chẳng đây lại là một thủ tục hành chính mang nặng tính hình thức và chỉ tạo thêm rắc rối mà thôi?

Vũ Thúy - Thúy Mùi


Ý kiến của bạn