Trong khi ngành giáo dục đang nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng dạy và học thì ở những giảng đường lại đang nở rộ dịch vụ học thuê nhằm... “giúp đỡ” cho những sinh viên “bận bịu”. Đặc biệt, gần đây, còn phát triển mạnh cả “dịch vụ” làm bài kiểm tra thuê, làm đáp án thuê... theo kiểu cả lớp góp kinh phí thuê người làm một bài rồi “bổ đầu”. Tình trạng này xảy ra đặc biệt nhiều với những lớp học tại chức, liên thông, nơi mà chất lượng dạy và học bấy lâu nay vẫn bị cho là nặng tính hình thức.
Học thuê
Từ khi các trường đại học kiểm soát chặt chẽ việc học tập của sinh viên, thường xuyên điểm danh, quy định hạn chế số tiết được phép vắng, có khá đông sinh viên vì nhiều lý do như lười học, vừa học vừa đi làm nên bận bịu… đã nhờ người học hộ. Ban đầu chỉ là nhờ những người quen biết, chị em… nhưng nhờ mãi cũng ngại, với lại không phải lúc nào muốn là nhờ vì ai cũng có việc riêng. Sau dần nhiều sinh viên hoặc người đang đi làm sớm nhận thấy đây là một dịch vụ béo bở, đơn giản mà lại dễ kiếm tiền, rất “phù hợp” với đặc thù sinh viên.

Hành vi học và thi thuê là vi phạm pháp luật (ảnh minh họa).
Cứ như vậy đã dần hình thành một dịch vụ học thuê hẳn hoi. Chị N.T.D (sinh viên khoa kế toán một lớp liên thông đại học) cho biết: “Vì vừa học, nhà lại mở cửa hàng photocopy không có người làm nên không thể kham nổi. Nhiều lần mình đành phải nhờ người học hộ. Trước kia, mình hay nhờ em gái, nhưng nó cũng phải đi học nên lại nhờ bạn của em. Cứ mỗi buổi đi học sáng hoặc chiều là 50.000 đồng, vào ngày nghỉ hoặc báo gấp giá có thể cao hơn”.
Với những người không có các mối quan hệ để nhờ vả thì lựa chọn hàng đầu là lên mạng để tìm kiếm dịch vụ “đóng thế” này. Chỉ cần lướt qua các trang Facebook Học thuê Tại Hà Nội, Học thuê, Học hộ thi thuê, Nhận học thuê... sẽ thấy có hàng ngàn thành viên theo dõi, liên tục đăng tải thông tin cung cầu: “Mình có thời gian rảnh, sẵn sàng học và thi cho ai có nhu cầu”; hay “Cần người làm chuyên đề tốt nghiệp môn kế toán (gồm cả phản biện)”. Người có nhu cầu học hộ chỉ cần vào đưa lên thông tin và số điện thoại liên hệ, vài giờ sau đã nhận được hàng chục tin nhắn gửi đến “xin việc”.
Khách hàng “tiềm năng” nhất của dịch dịch vụ học thuê là sinh viên các lớp tại chức, liên thông bởi phần lớn là những người đi làm và tất nhiên có thể được trả phí dịch vụ cao hơn nhiều, họ luôn được dịch vụ “đóng thế” săn đón.
Được biết, theo khung giá chung trên thị trường học thuê, thi thuê hiện nay, phí học thuê là 40.000 - 50.000 đồng/buổi, khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Việc của người học thuê là cứ việc đến ngồi quanh chỗ của những khách hàng đã được “thông báo” trước trong lớp, chép bài và đến giờ điểm danh thì “hô có” là xong. Hầu hết những người học hộ đều đã được khách gửi gắm cho các bạn xung quanh để đề phòng xảy ra “sự cố” nên luôn trót lọt.
Bài kiểm tra cũng thuê
Trong lần tình cờ gặp chị H.H.G, sinh viên một lớp liên thông khoa kế toán lên ĐH cùng bạn bè, chị đã không ngần ngại tiết lộ: “Chúng em hàng kỳ đều có các bài kiểm tra liên tục. Bài nào dài và khó, chúng em chia thành nhóm có chung một đề, thuê người làm bài hoặc đáp án, rồi gửi mail để các thành viên chép lại và nộp. Giá trung bình cho một bài là từ 300.000 đồng - 1 triệu đồng tuỳ độ dài ngắn, khó dễ. Sau đó chia ra mỗi người góp một ít”.
Tìm hiểu thêm được biết, phí thi thuê tùy từng môn khó hay dễ, đại cương hay chuyên ngành và tùy vào khung điểm mà khách hàng yêu cầu, giá dao động từ 400.000 đồng - 2 triệu đồng.

Dịch vụ học thuê mọc lên nhan nhản.
Giới học hộ phần lớn là sinh viên, chủ yếu là các trường đại học quanh khu vực cần học hộ, họ tranh thủ thời gian rảnh để “làm thêm”. Còn làm bài kiểm tra thuê đòi hỏi “trình độ” cao hơn, thường là những sinh viên khoá trước loại khá giỏi, những người đã ra trường, có kiến thức vững, thậm chí có cả mối quan hệ, có thể xin dấu đỏ của một số công ty tư nhân như thể là sinh viên có đi thực tế thật. Thậm chí có người còn sẵn sàng cung cấp bảng điểm để chứng minh “sức học” của mình cho người cần thi thuê yên tâm. Tất nhiên giá cả cũng cao hơn.
Những hành vi học và thi thuê là vi phạm pháp luật, thế nhưng đang hoạt động rầm rộ, gần như công khai mà chưa bị bất cứ một sự ngăn cản nào. Nhiều sinh viên lại còn lý luận rằng, ngay bản thân các lớp đào tạo của họ cũng là những chương trình liên kết do một cơ sở và một trường đại học nào đó đứng ra tổ chức, họ tự thuê giáo viên của trường, thuê địa điểm, thuê đủ cả… nên các sinh viên những lớp học này phải đóng góp kinh phí tự nguyện khá cao so với mặt bằng và họ cho rằng họ cũng có “quyền” được thuê.
Chị N.T.P - giảng viên khoa kế toán một lớp liên thông cho biết: “Đúng là có tình trạng học thuê, làm hộ này, diễn ra khá phổ biến ở các lớp liên thông. Nhiều bạn bè là giảng viên của mình biết nhưng vì cũng là người được thuê đi dạy trong các lớp liên thông nên họ không mấy coi trọng điều này, tỏ ra rất dễ dãi. Tuy nhiên, cá nhân mình thì thấy đây là việc đáng lên án. Mình chỉ có cách duy nhất là nhớ mặt tất cả sinh viên trong lớp, để nếu có học hộ là mình sẽ nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm”.
Dư luận lâu nay lên tiếng phản ánh rất nhiều về những bất cập và bệnh hình thức trong đào tạo sinh viên liên thông, tại chức. Thậm chí Bộ Giáo dục - Đào tạo còn đang nghiên cứu phương án hạn chế hình thức đào tạo này. Trước mắt, để tránh tiếp diễn tình trạng bát nháo, tiêu cực trong việc học hành, thi cử như trên, thiết nghĩ, các trường đại học, đặc biệt là các lớp học tại chức, liên thông cần tăng cường siết chặt kỷ luật, kiểm tra, đôn đốc kỹ lưỡng nhằm nắm rõ lượng sinh viên của mình.
Minh Trung