Sinh ra đã có ban thờ sống, tục lệ đặc biệt của đồng bào Vân Kiều

14-02-2022 15:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Đối với người Vân Kiều, thờ hồn của chính mình, đó là việc tôn trọng chính bản thân. Cùng với đó là phải ý thức để sống tốt với gia đình, bản làng, phải nỗ lực lao động, sản xuất, dần xóa đói giảm nghèo, hướng tới cuộc sống no đủ, văn minh hơn.

Trong chuyến đi tới những bản làng vùng cao của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã có dịp đến thăm nhà một già làng người Vân Kiều tại bản Tân Ly, xã Lâm Thủy và tìm hiểu về tục lệ thờ linh hồn người sống của bà con nơi đây.
Sinh ra đã có ban thờ sống, tục lệ lạ kỳ của đồng bào Vân Kiều - Ảnh 1.

Một góc bản làng của người đồng bào Vân Kiều.

Trong căn nhà sàn nằm giữa bản, già làng Hồ Trung Truồi (75 tuổi), đang kể cho con, cháu và thanh niên làng về lịch sử, truyền thống của đồng bào Vân Kiều và truyền dạy những kiến thức về phong tục thờ linh hồn người sống đã được cha ông họ gìn giữ bao đời qua.

Có khách lạ muốn tìm hiểu về truyền thống lâu đời của đồng bào mình, già làng chẳng ngần ngại mà hào sảng chia sẻ. Cũng là thầy mo có tiếng của người Vân Kiều tại xã Lâm Thủy, nên Già làng Hồ Trung Truồi am hiểu tường tận về tục lệ này. Khác với người Kinh chỉ thờ cúng ông bà, tổ tiên, những người quá cố, đồng bào Vân Kiều còn có phong tục rất kỳ lạ là thờ linh hồn người còn sống ngay từ khi họ mới sinh ra.

Sinh ra đã có ban thờ sống, tục lệ lạ kỳ của đồng bào Vân Kiều - Ảnh 2.

Ông Hồ Trung Truồi già làng người Vân Kiều tại bản Tân Ly, xã Lâm Thủy.

Trong nhà của bất kể người Vân Kiều nào tại Quảng Bình, cũng sẽ có những chiếc bát sứ đặt trong chiếc kiềng tre được đan thủ công, để trên bàn thờ treo sát mái nhà. Theo già làng Hồ Trung Truồi thì người Vân Kiều coi đó là nơi thờ linh hồn của chính các thành viên trong gia đình họ. Mỗi chiếc bát là nơi thờ linh hồn của một người, chỉ cần nhìn vào số lượng bát là có thể biết được gia đình có bao nhiêu thành viên.

Người Vân Kiều quan niệm, bản thân mỗi con người khi sinh ra đều có một linh hồn và một vị thần bổn mạng che chở. Để con người đó được sống một cách khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn, người Vân Kiều phải thực hiện nghi thức cúng vị thần bổn mạng đó, hay còn gọi là cúng hồn cho người sống.

Sinh ra đã có ban thờ sống, tục lệ lạ kỳ của đồng bào Vân Kiều - Ảnh 3.

Trong nhà của bất kể người Vân Kiều nào tại Quảng Bình, cũng sẽ có những chiếc bát sứ đặt trong chiếc kiềng tre được đan thủ công, để trên bàn thờ treo sát mái nhà, là nơi thờ linh hồn của chính các thành viên trong gia đình.

Già làng Hồ Trung Truồi cho biết, khi mỗi đứa trẻ Vân Kiều sinh ra thì gia đình sẽ mời thầy mo về làm lễ báo với tổ tiên, thần linh, xin đặt bát thờ linh hồn đứa trẻ đó. Khi có thành viên mới ra đời, gia đình sẽ chuẩn bị đầy đủ gà, lợn, gạo, rượu và trầu cau rồi thầy mo sẽ sử dụng con dao truyền đời còn gọi là dao gọi hồn và chiếc sáo Pi nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều để làm lễ cúng hồn.

Khi lễ xong là linh hồn của đứa trẻ đã trở về để bảo hộ cho thể xác để đứa trẻ Vân Kiều lớn lên khỏe mạnh, thông minh. Trong bát "đựng linh hồn" người sống sẽ có trầu cau, một chiếc ly nhỏ và một ít vỏ cây rừng, được đặt lên bàn thờ, kê sát mái nhà sàn.

Sinh ra đã có ban thờ sống, tục lệ lạ kỳ của đồng bào Vân Kiều - Ảnh 4.

Khi mỗi đứa trẻ Vân Kiều sinh ra thì gia đình sẽ mời thầy mo về làm lễ báo với tổ tiên, thần linh, xin đặt bát thờ linh hồn đứa trẻ đó.

"Trong bản khi có trẻ con sinh ra sẽ làm lễ cúng hồn, đây là cách để báo với các vị thần linh, tổ tiên. Mỗi cái bát là một linh hồn người trong nhà, thờ thần bổn mạng, nếu không làm lễ thì không được đụng đến, bởi sẽ phạm thượng thần linh. Chỉ khi ai ốm đau thì mới xin làm lễ, đổi bát thờ. Thờ linh hồn như vậy là cầu mong mọi người khỏe mạnh, thần linh che chở, khi một người mất đi thì cũng sẽ chôn chiếc bát theo cùng. ", già làng Hồ Trung Truồi chia sẻ.

Sau khoảng 10 năm thì đứa trẻ đó sẽ tiếp tục được tổ chức lễ mừng hồn. Đến tuổi trưởng thành, những chàng trai, cô gái Vân Kiều sẽ được gia đình làm lễ mừng hồn trưởng thành, bắt đầu một cuộc sống tự lập, vững vàng. Với phụ nữ khi đến tuổi lấy chồng thì sẽ mời thầy về làm lễ, xin được đưa bát thờ linh hồn của mình theo về nhà chồng.

Sinh ra đã có ban thờ sống, tục lệ lạ kỳ của đồng bào Vân Kiều - Ảnh 5.

Là thầy mo có tiếng của người Vân Kiều tại xã Lâm Thủy, nên Già làng Hồ Trung Truồi am hiểu tường tận về tục lệ thờ linh hồn người sống.

Việc thờ hồn người sống của đồng bào Vân Kiều chỉ kết thúc khi nào người đó mất đi, những thứ liên quan trên bàn thờ người sống cũng sẽ được chôn theo cùng người đã mất. Lúc này linh hồn người đó sẽ được gia đình chuyển sang thờ cúng ở bàn thờ dành cho những người đã khuất.

Sinh ra đã có ban thờ sống, tục lệ lạ kỳ của đồng bào Vân Kiều - Ảnh 6.

Những nét đẹp văn hóa của người Vân Kiều sẽ được các thế hệ con cháu tiếp nối từ tiền nhân.

Đối với người Vân Kiều, thờ hồn của chính mình, đó là việc tôn trọng chính bản thân. Đồng nghĩa với nó là phải ý thức để sống tốt với gia đình, bản làng, phải nỗ lực lao động, sản xuất, dần xóa đói giảm nghèo, hướng tới cuộc sống no đủ, văn minh hơn.

Chị em Bru – Vân Kiều nhờ ba dựng lán giữa rừng "bắt sóng" học onlineChị em Bru – Vân Kiều nhờ ba dựng lán giữa rừng 'bắt sóng' học online

SKĐS - Ở bản, sóng điện thoại rất yếu không đủ ổn định để giúp chị em Son và Huyền học trực tuyến. Sau nhiều ngày mò mẫm để tìm ra nơi sóng điện thoại, chị em Son lại nhờ ba dựng chòi giữa vùng đồi cao để hằng ngày tới bắt sóng “tìm con chữ”.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn