Ngày 17/11 đánh dấu Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non. Đây là ngày hướng tới nâng cao nhận thức về những khó khăn của việc sinh non và nhấn mạnh về những rủi ro cũng như hậu quả mà trẻ sinh non và gia đình các em trên toàn thế giới phải đối mặt.
Nhằm hưởng ứng ngày Thế giới vì Trẻ sinh non năm nay và tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của cán bộ y tế trong công tác chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt là chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân, ngày 17/11/2021, tại Thành phố Đà Nẵng, Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em), Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF), Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tổ chức lễ hưởng ứng ngày Thế giới vì Trẻ sinh non...
Trong lễ hưởng ứng ngày Thế giới vì Trẻ sinh non, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế khẳng định chăm sóc trẻ sơ sinh, giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh là một trong những mục tiêu quan trọng không những của Ngành Y tế mà còn là của Nhà nước Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Cách ly y tế trong đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ sinh non
Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã khiến các cơ sở y tế áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn nghiêm ngặt, dẫn đến việc trẻ sơ sinh bao gồm trẻ sinh non không may bị cách ly khỏi cha mẹ của mình. Điều này tác động tiêu cực đến trẻ sơ sinh và cả cha mẹ của trẻ.
Bên cạnh các thách thức về chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, việc trẻ sơ sinh bị cách ly khỏi cha mẹ có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng và lâu dài về sức khỏe và sự phát triển của trẻ, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của cha mẹ.
Trẻ sinh non là nguyên nhân dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Với chủ đề năm 2021 là "Không chia cách. Hãy hành động ngay! Hãy để cha mẹ được chăm sóc trẻ sinh non ngay từ lúc chào đời", ngày Thế giới vì Trẻ sinh non năm nay là một cơ hội hành động để cha mẹ được tiếp xúc và chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện trong mọi điều kiện, không kể thời gian và địa điểm.
Ngay cả khi không có những rủi ro khác do đại dịch toàn cầu, trẻ sinh non là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Các nghiên cứu liên tục chỉ ra, trẻ cần có cha mẹ ở bên mình. Các cơ sở y tế được khuyến khích đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của trẻ sinh ra quá sớm, quá nhỏ hoặc quá ốm yếu và gia đình của trẻ với các yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch bệnh để bệnh viện tiếp tục hoạt động và các nhân viên y tế được an toàn trong bối cảnh đại dịch.
Tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để hỗ trợ và nhân rộng can thiệp nhằm duy trì sự sống còn cho trẻ sơ sinh trên cả nước, chú trọng vào các tỉnh thành khu vực nông thôn và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, là những nơi có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống và có tỉ lệ tử vong sơ sinh cao.
Tiếp xúc da kề da, cho trẻ bú sớm - giải pháp cứu sống trẻ rẻ tiền dễ thực hiện
Tiếp xúc da kề da- biện pháp cứu sống rẻ tiền, dễ thực hiện.
Ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình vì Sự sống còn và Phát triển của Trẻ em của UNICEF Việt Nam cho biết: Một số biện pháp can thiệp có hiệu quả quả cao với chi phí thấp để cứu sống trẻ sơ sinh bao gồm tiếp xúc da kề da ngay sau sinh hoặc cho trẻ bú sớm. Việc tiếp xúc da kề da sớm sau khi sinh và liên tục có tác động tích cực và bảo vệ đối với trẻ, như điều hòa nhịp tim và hô hấp, ngăn ngừa nhiễm khuẩn huyết (nhiễm khuẩn nặng), hạ thân nhiệt hay hạ đường huyết, cũng như giảm khả năng trẻ phải nhập viện lại.
Đồng thời, việc cho trẻ bú sớm và hoàn toàn bằng sữa mẹ có tác động tích cực đến sự phát triển ngắn hạn và dài hạn về sinh lý và hệ thần kinh của trẻ. Điều quan trọng không kém là phải đảm bảo rằng trẻ sinh ra quá sớm, quá nhỏ hoặc quá ốm yếu được đưa đến các cơ sở chăm sóc y tế có chuyên môn cao hơn một cách nhanh chóng và bình đẳng trong trường hợp cần thiết, bất kể trẻ được sinh ra ở đâu.
Theo báo cáo thống kê, tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm khoảng 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh; tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 59% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi và 70,4% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.
Nguyên nhân gây nên tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là do đẻ non/thấp cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/nhẹ cân chiếm tới 25%, những nguyên nhân này lại có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản như:
- Khám thai định kỳ để phát hiện các nguy cơ;
- Sử dụng tốt chế độ dinh dưỡng, luyện tập/lao động cho phụ nữ có thai;
- Chăm sóc da kề da và cho con, cho trẻ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn, chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo…..
Với các cố gắng không ngừng của ngành y tế, Việt Nam là một trong các nước trên thế giới được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. So với năm 2010, tỷ lệ tử vong mẹ giảm từ 69/100,000 xuống 46/100,000 năm 2019 và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 24,1/1,000 xuống 21,0/1,000 năm 2019. Với việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em này, trong vòng 10 năm (từ 2010 đến 2019), hàng trăm nghìn trẻ em dưới 5 tuổi đã được cứu sống.
Vì tử vong do sinh non/nhẹ cân chiếm tới 25% tử vong sơ sinh, nên việc chăm sóc/điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân bằng các biện pháp khoa học tiên tiến đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em nói chung. Hiện tại, Việt Nam đã có thể cứu sống và nuôi dưỡng ngay cả các trẻ sơ sinh rất thiếu tháng có cân năng đến 500g cũng như tiếp tục chăm sóc để trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường.
Ngoài ra, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, nhằm bảo đảm cho mọi trẻ sinh ra đều được sống và nuôi dưỡng một cách tốt nhất, góp phần có được một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh về thể chất và phát triển về trí tuệ, nhất định phải can thiệp mạnh mẽ để tiếp tục giảm tỉ lệ sinh non/nhẹ cân.
Để thực hiện được việc này, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Ngành Y tế thì rất cần sự phối hợp của các Bộ/Ngành, cấp ủy/chính quyền địa phương; sự chung tay của toàn thể cộng đồng và sự tham gia của các doanh nghiệp để triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc truyền thông, đến việc chăm sóc phụ nữ có thai, dự phòng sinh non và chăm sóc/điều trị cho trẻ sinh non.
Mời độc giả xem thêm video:
Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà