Hà Nội

Sinh nhật đáng nhớ của một bác sĩ!

26-02-2016 14:42 | Y tế
google news

SKĐS - “Trên đường về, tôi sực nhớ ra và sờ đến điện thoại. Có rất nhiều cuộc gọi nhỡ và tin nhắn của người thân, của bạn bè tôi. À, thì ra hôm nay là sinh nhật tôi, tôi đã quên mất ngày kỷ niệm ấy của mình bởi mải miết với ca cấp cứu ngừng tim buổi sáng nay”.

Bệnh nhân Mai Văn Tuất - bệnh nhân được cấp cứu kịp thời sau 2 lần ngừng tim đã bình phục trong ngày xuất viện

Đây là những dòng nhật ký xúc động của một một bác sĩ sau ca cấp cứu giúp một bệnh nhân từ cõi chết trở về vào chính ngày sinh nhật của ông.

Trong suốt những năm tháng hành nghề của một bác sĩ có lẽ do đặc thù công việc mà những cảm xúc buồn bã, trăn trở, ám ảnh,... thường nhiều hơn những niềm vui và hạnh phúc. Đối với một bác sĩ Hồi sức cấp cứu hẳn nhiên những niềm vui còn hiếm hoi hơn nữa. Tuy nhiên, càng hiếm hoi thì mỗi khi xuất hiện, cái niềm vui ấy càng to lớn, càng mang nhiều ý nghĩa, động lực và nhiệt huyết giúp cho các bác sĩ như tôi và các đồng nghiệp khác thêm vững tin và nỗ lực hơn nữa trong công việc của mình. Tôi đã có một niềm vui, niềm hạnh phúc như thế, đặc biệt lại ngay trong ngày sinh nhật của mình. Thật là một sinh nhật đáng nhớ suốt đời.

Sáng hôm ấy, tôi đang báo cáo giao ban bệnh viện thì nhận được cuộc gọi điện thoại nhờ tôi về phòng cấp cứu hỗ trợ ngay vì có trường hợp bệnh nhân nặng vừa hôn mê.

Tôi vội vàng rời khỏi phòng giao ban, khi về đến nơi thì thấy bệnh nhân đã được đặt nằm trên giường cấp cứu. Bác sĩ Hạnh đang bóp bóng Ambu, điều dưỡng Đức và Dũng thì thay phiên nhau ép tim ngoài lồng ngực. Các bác sĩ và điều dưỡng khác cũng mỗi người một việc, ai cũng rất khẩn trương và lo lắng. Có thể thấy ngay là bệnh nhân đã rơi vào tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn.

Tôi yêu cầu kéo máy sốc điện lại gần và kiểm tra Monitoring thì phát hiện tình trạng của tim là rung thất (vì nguyên nhân nào đó làm quả tim bị rung lắc nhanh liên tục nên không còn giá trị bơm máu). Tôi lập tức tiến hành sốc điện phá rung và yêu cầu lập đường truyền tĩnh mạch, tiêm thuốc cấp cứu, chuẩn bị lắp máy thở, duy trì ép tim không ngừng nghỉ.

Bệnh nhân đã được sốc điện vài lần để cắt cơn rung thất và mỗi người chúng tôi như một mắt xích trong cái guồng quay miệt mài vẫn từng nhịp, từng nhịp để kéo ngược sợi dây sự sống ở lại với bệnh nhân. Phía ngoài phòng cấp cứu tôi vẫn nghe thấy tiếng khóc nấc nghẹn của người vợ, tiếng ôn tồn của các thầy trong ban giám đốc bệnh viện đang giải thích và trấn an gia đình. Tôi mơ hồ hình như điện thoại trong túi rung lên liên tục nhưng cũng chẳng có thời gian mà để ý đến nó lúc này nữa.

Bệnh nhân Mai Văn Tuấn bình phục trong ngày xuất viện trong ngày xuất viện

Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân cũng thật khốn khó. Bệnh nhân là anh Mai Văn Tuất, Xóm 4, Nga Nhân, Nga Sơn, Thanh Hóa cùng vợ lên Hà Nội tìm việc, thuê nhà. Vợ đi làm thuê, chồng chạy xe ôm kiếm tiền nuôi hai con ăn học. Từ sáng sớm người chồng đã thấy có cơn đau ngực, khó thở, mệt mỏi. Vợ giục vào viện khám nhưng vẫn cố chạy thêm một chuyến xe ôm xong 2 vợ chồng mới đưa nhau vào viện. Chính vì đã quá gắng sức trong khi bệnh nặng đã khiến người chồng khi vừa đến viện đã gục xuống và hôn mê ngay.

Lại cố gắng nhồi ép tim liên tục, dùng tất cả các máy móc, các thuốc cần thiết và các kỹ thuật, thủ thuật khả dĩ có thể giúp bệnh nhân. Từng người trong chúng tôi đều đã đổ mồ hôi dù ngoài trời đang căm căm giá rét. Cứ thế hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi cứ hùng hục làm tất cả những gì có thể và đã tưởng rẳng mọi nỗ lực rồi sẽ trở thành vô nghĩa khi cái tín hiệu sống còn trên màn hình Monitoring cứ mờ nhạt dần.

Thế rồi một thứ gì đó dường như vừa lóe sáng phút chốc, tôi vội xem lại Monitoring và nhận ra nhịp tim của bệnh nhân vừa trở về cái nhịp điệu bình thường như nó vẫn vốn thế nhiều chục năm qua. Tín hiệu sống - điều kỳ diệu ấy đã vừa quay trở lại.

"Báo xe cấp cứu chuẩn bị chuyển viện, ngay!" - Tôi như đã hét lên. Mọi người hẳn là cũng phấn khích như tôi, mọi thứ sẵn sàng gần như chỉ sau một hai phút. Chúng tôi lập tức đưa bệnh nhân ra xe cấp cứu và tiếp tục công việc hồi sức cho bệnh nhân trên đường chuyển viện. Tia sống kia, dù ít thôi nhưng đã ở lại, chúng tôi cần giữ gìn nó để trao lại cho các bác sĩ của bệnh viện tuyến trên, nơi có đủ điều kiện để tia sống nhỏ bé ấy sẽ ở lại với bệnh nhân lâu dài. Chúng tôi đã kịp!

Trên đường về, tôi sực nhớ ra và sờ đến điện thoại. Có rất nhiều cuộc gọi nhỡ và tin nhắn của người thân, của bạn bè tôi. À, thì ra hôm nay là sinh nhật tôi, tôi đã quên mất ngày kỷ niệm ấy của mình. Mọi người đang chúc tôi một tuổi mới thêm nhiều sức khỏe, nhiều may mắn, nhiều thành công. Thú thực, những ám ảnh nặng trĩu về bệnh nhân vừa rồi đã choán hết tâm trí, chẳng còn chỗ để tôi thấy vui trong ngày sinh nhật của mình.

Một ngày mệt mỏi dần trôi, một đêm trực dài và nhiều trăn trở. Tôi lại tiếp tục cặm cụi, lầm lũi làm việc cho ngày mới. Bỗng nhiên tôi nhận được tin nhắn của đồng nghiệp từ tuyến trên báo về: "Bệnh nhân ấy sống rồi, ông ấy đã kịp can thiệp tim mạch và đã bắt đầu cử động".

Một niềm vui đột ngột dâng lên và vỡ òa ngay lúc ấy. Tôi vội vàng báo cho các bạn đồng nghiệp của tôi, những người đã cùng tôi giành giật cái sự sống mong manh ấy. Mọi người ai cũng hoan hỷ, vui mừng thực sự. Tin vui ấy lan nhanh khắp bệnh viện, như ánh bình minh vừa mới trải hơi ấm xuống từng ngóc ngách bệnh phòng sau một đêm lạnh giá. Một món quà thật ý nghĩa, thật đặc biệt, thật vui trong ngày sinh nhật.

Người vợ của bệnh nhân Mai Văn Tuất mừng rỡ trong ngày chồng được xuất viện về quê.

Nhưng chưa kết thúc ở đó, sau khi được xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới bệnh viện Tim Hà Nội, tới nơi, bệnh nhân lại ngừng tim một lần nữa. Cuộc chiến cam go giành giật sự sống lại tiếp tục diễn ra nhiều giờ đồng hồ. Và thật tuyệt vời, tới ngày 23 Tết, bệnh nhân đã bình phục sau cuộc phẫu thuật, được xuất viện về quê ăn Tết.

Trong ngày bệnh nhân xuất viện, lãnh đạo Bệnh viện đã tới thăm và chúc mừng. Bệnh nhân Tuấn đã nói: “không biết nói gì để cảm ơn các bác sĩ. Thực sự, sau khi quẳng xe máy và gục ngã trước cửa phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Medlatec, tôi nghĩ, mình đã chết. Nhưng, một phút nhanh chóng, các bác sĩ đã cứu sống tôi”.

Cái siết tay thật chặt của bệnh nhân và người vợ khi gặp lại chúng tôi ngày xuất viện, tôi cảm nhận được những gì họ muốn nói và trái tim tôi thấy rộn ràng. Với tôi, đó là một sinh nhật đáng nhớ!


Bs Bùi Văn Hải
Ý kiến của bạn