Tiết niệu và sinh dục là hai hệ thống hoàn toàn khác nhau về cấu tạo, chức năng cũng như hoạt động sinh lý, tuy nhiên chúng có quan hệ gần gũi về mặt giải phẫu, có chung đầu ra cho sản phẩm của mình và đều nằm trong khối thống nhất chung của cơ thể, nghĩa là chúng hoàn toàn có tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình hoạt động.
Quan hệ tình dục (QHTD) là khái niệm chỉ các hành động có sự tham gia của các bộ phận sinh dục. Tuy nhiên trên thực tế, các hành vi QHTD rất đa dạng, hầu hết các bộ phận trên cơ thể đều có thể cảm nhận được các xúc cảm tình dục, bộ phận liên quan đến tình dục lớn nhất không phải là dương vật hay âm đạo mà chính là bộ não. Như vậy QHTD không chỉ đơn thuần là hành vi giao hợp.
Ngoài ra cũng cần phải thống nhất quan điểm cho rằng tình dục không phải là một điều gì đó đáng xấu hổ, cần tin tưởng rằng tình dục là một vấn đề lành mạnh, một nhu cầu tự nhiên của con người. Sự tin tưởng này sẽ giúp chúng ta cởi mở, linh hoạt và sáng tạo trong việc khám phá các suy nghĩ và cảm xúc tình dục ngay cả khi cơ thể không được khỏe.
Điều này giúp chúng ta nhận thấy sự thích thú và đam mê trong QHTD - một cách để thể hiện và thoả mãn nhu cầu tình cảm của con người. Có thái độ lành mạnh trong tình dục có nghĩa là chúng ta biết các giá trị, niềm tin, thái độ với các hành vi tình dục của mình, để tạo nên một cuộc sống tình dục có trách nhiệm, an toàn và có chất lượng.
Giảm cảm hứng do đâu?
Hành vi quan hệ tình dục bao gồm sự tăng cường hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết, và hệ vận động. Khi hệ tiết niệu bị bệnh, đặc biệt là thận, các chất độc hại như urea, creatinine, acid uric, bilirubin… sinh ra trong quá trình chuyển hóa không được thải loại, huyết áp tăng cao, cơ thể sẽ mệt mỏi, thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng, cảm hứng tình dục cũng vì thế mà giảm đi. Riêng đối với hành vi giao hợp còn chịu sự ảnh hưởng rất lớn của yếu tố thể chất, tinh thần và xã hội của từng cá thể.
Vì vậy khi cơ thể mắc một bệnh nào đó nói chung cũng như bệnh thận, tiết niệu nói riêng đều ít nhiều ảnh hưởng đến QHTD. Bệnh thận, tiết niệu có thể là cấp tính, nếu không được phát hiện điều trị đúng và tích cực, bệnh sẽ trở thành mạn tính và có thể dẫn đến suy thận.
Hệ tiết niệu bị tổn thương thực thể, sức khỏe thể chất bị giảm sút, tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, bệnh có biểu hiện đau âm ỉ vùng thắt lưng, tiểu tiện buốt dắt, đi nhiều lần về đêm, nước tiểu đỏ, vàng hay tiểu đục, ứ nước dưới da gây phù, tinh thần không thể thoải mái, cảm hứng tình dục cũng vì thế mà giảm đi rõ rệt, người xưa có câu “nữ sợ thương tâm, nam sợ thương thận”.
Mặt khác những thuốc dùng trong điều trị bệnh như thuốc kháng sinh, lợi tiểu, hạ huyết áp, thuốc nội tiết… đều có ảnh hưởng không tốt đến QHTD. Ngược lại mọi hành vi giao hợp không đảm bảo vệ sinh, không an toàn đều có thể gây viêm nhiễm không chỉ ở cơ quan sinh dục mà còn gây nhiễm khuẩn ngược dòng lên đường tiết niệu.
Suy thận có được QHTD?
Khi thận bị tổn thương đến mức không thể thực hiện được chức năng bài tiết nước tiểu có thể dẫn đến phải lọc máu - chạy thận nhân tạo hay ghép thận. Khi bị suy thận, những thay đổi về chất hoá học trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến hormon, sự lưu thông máu, chức năng thần kinh, mức năng lượng và những loại thuốc chữa bệnh thường làm ham muốn hoặc khả năng tình dục giảm đi.
Ngoài ra ham muốn và khả năng làm tình còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác nữa, như mức độ sâu sắc của mối quan hệ, độ tuổi, stress và tình trạng thể chất. Cảm thấy khó chịu, lo âu và buồn nản là chuyện dễ hiểu khi phải đối diện với những tổn thương do suy thận mang lại. Ngoài ra người bệnh còn tìm cách kiềm chế những cảm xúc tình dục của mình vì cho rằng những hành vi ấy sẽ làm cho tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
Những cảm xúc tiêu cực này có thể làm tiêu hao năng lượng và giảm mối quan tâm đến các hoạt động bao gồm cả ham muốn tình dục. Nếu có một vài lần gặp trục trặc về tình dục, cảm giác bối rối và mặc cảm thường xuất hiện theo làm cho bệnh nhân thường trốn tránh những hoàn cảnh có thể dẫn đến hoạt động tình dục. Người bệnh (vợ/chồng) có thể lo lắng rằng hành vi giao hợp sẽ làm cho bệnh thận tiết niệu nặng hơn hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Đôi khi, chính sự sợ hãi làm cản trở đời sống tình dục. Tuy nhiên, không có những hạn chế về tình dục áp đặt cho bệnh nhân suy thận, kể cả những trường hợp sau khi được ghép thận, cần đợi đến khi liền sẹo vết mổ. Khi bác sỹ đã nói an toàn và có thể sinh hoạt tình dục được, thì không có lý do gì phải lo lắng về chuyện đó nữa.
Có một câu hỏi được đặt ra là: khi được cấy ghép thận của người khác giới, giới tính của người nhận thận có ảnh hưởng gì đến chức năng cũng như các vấn đề liên quan khác về tình dục của người nhận không? Câu trả lời là không, vì hai hệ thống sinh dục và tiết niệu đảm nhiệm những chức năng hoàn toàn khác nhau. Sau khi phẫu thuật thành công, bệnh nhân ghép thận sẽ ít gặp vấn đề về tình dục hơn bệnh nhân lọc máu, vì sức khỏe thể chất của họ đã được cải thiện một cách đáng kể. Ghép thận chỉ làm cho họ thấy khó khăn ở một vài tư thế khi QHTD.
Và ở mức độ nào?
Có một câu hỏi được đặt ra là: khi được cấy ghép thận của người khác giới, giới tính của người nhận thận có ảnh hưởng gì đến chức năng cũng như các vấn đề liên quan khác về tình dục của người nhận không? Câu trả lời là không, vì hai hệ thống sinh dục và tiết niệu đảm nhiệm những chức năng hoàn toàn khác nhau. Sau khi phẫu thuật thành công, bệnh nhân ghép thận sẽ ít gặp vấn đề về tình dục hơn bệnh nhân lọc máu, vì sức khỏe thể chất của họ đã được cải thiện một cách đáng kể. Ghép thận chỉ làm cho họ thấy khó khăn ở một vài tư thế khi QHTD. |
Ở một số cặp vợ chồng cảm thấy làm tình không còn quan trọng như ngày xưa nữa do lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, và nhiều người nghĩ rằng nói đến tình dục là chỉ liên quan đến hành vi giao hợp. Tuy nhiên, QHTD là một nhu cầu tự nhiên, tất yếu rất cần được duy trì ở các mức độ cho phép khác nhau.
Xuất phát từ quan điểm, đời sống tình dục bao gồm rất nhiều yếu tố, nhiều hành vi làm người ta cảm thấy vui thú mà có hoặc không bao gồm giao hợp, có thể đơn giản chỉ là đụng chạm, một cái ôm xiết chặt hay những nụ hôn… hay chỉ đơn giản là những lời lẽ yêu thương đều là những hành vi cần thiết có thể đưa lại cho bệnh nhân suy thận một cảm giác là “người bình thường”. Thậm chí đối với những người chạy thận nhân tạo kéo dài khi cơ thể đã tự điều chỉnh thích ứng với các trị liệu vẫn cần có QHTD.
Điều quan trọng là cần có suy nghĩ tích cực, sẽ thấy tốt hơn cả về thể chất lẫn tinh thần và ham muốn sẽ quay lại như trước kia. Hãy linh hoạt và có thái độ tích cực hơn về bản thân mình, về đời sống tình dục, điều đó có thể giảm bớt các vấn đề về tình dục. Cần chủ động tìm hiểu về bệnh của mình và các phương pháp chữa trị, có chế độ dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn, uống thuốc đúng theo đơn bác sỹ cho và báo cho bác sỹ biết tất cả các tác dụng phụ của thuốc.
Hãy hỏi bác sỹ các chương trình tập luyện giúp cơ bắp được săn chắc hơn, khoẻ và dai sức hơn. Thực hiện một lối sống tích cực, và luôn nhớ rằng uống rượu hay hút thuốc cũng làm ảnh hưởng đến khả năng tình dục. Tập thể dục thường xuyên và làm việc phù hợp với sức khỏe để đầu óc luôn bận rộn, chính điều đó sẽ cải thiện được tình trạng sức khoẻ và hình ảnh của bạn. Nếu vẫn có những trục trặc về tình dục, nên nói chuyện với bác sỹ, kể cả đó là vấn đề về tâm lý thì vẫn có cách chữa trị.
Cần kiêng giao hợp hoặc giao hợp có bảo vệ trong những thời gian bị bệnh viêm đường tiết niệu do vi khuẩn, virut, ký sinh trùng hay do nấm. Khi có dấu hiệu phù nặng ở ngực, bụng và hai chi dưới; có triệu chứng tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt; nước tiểu chứa nhiều protein; giai đoạn cấp tính của viêm thận; đợt cấp tính của viêm bể thận mạn, cần kiêng giao hợp.
Một số phụ nữ không thể đạt cực khoái hoặc mất nhiều thời gian mới có thể làm họ thấy kích thích do mất năng lượng, do có sự thay đổi về hormon hoặc do dùng thuốc điều trị. Cần thay đổi loại thuốc đang sử dụng và dùng thêm thuốc hormon hay có “khúc dạo đầu” phù hợp.
Đối với nam giới, những người có sắc dục lớn hơn bình thường cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây nên bệnh thận, nếu đó là những lần quan hệ tình dục đảm bảo vệ sinh và an toàn. Ngược lại những người mắc bệnh suy giảm chức năng tình dục không nhất thiết phải có kèm theo bệnh “thận hư” hay “bại thận”.