Sinh con tự nhiên nhưng vẫn cần hỗ trợ y khoa

02-04-2018 14:40 | Đời sống

SKĐS - Dù rằng ca sinh con thuận theo tự nhiên ở Hưng Yên diễn ra tương đối nhẹ nhàng, không có những bất trắc; hay trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con sau khi thực hành sinh con tại nhà thuận theo tự nhiên đã được Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TP.HCM khẳng định là không có thật, các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo không nên sinh con thuận theo tự nhiên ở nhà như vậy.

Sáng 15/3/2018, BV. Từ Dũ tổ chức gặp gỡ báo chí nhằm đưa ra khuyến cáo y khoa mạnh mẽ về trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” với sự chủ trì của ThS. BS. Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), BS. Nguyễn Ngọc Duy - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế TP.HCM) và BS.CKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV. Từ Dũ.

Trong vòng một năm trở lại đây, trào lưu “sinh con thuận theo tự nhiên” tại nhà đã được khởi xướng và lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt là ở các bà mẹ trẻ Việt Nam. Phong trào này càng ngày càng được cổ súy nhiều hơn trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội không chỉ ở khu vực Phía Bắc mà cả TP.HCM. Người phụ nữ Việt Nam hiện đang có khuynh hướng cho rằng sinh tự nhiên có nghĩa là chờ cho cuộc sinh tự động diễn tiến và chờ đứa bé chào đời tại nhà, thay vì cắt rốn vài phút sau đó, bà mẹ sẽ để bánh nhau vẫn nối liền với đứa bé. Bánh nhau cứ giữ như thế cho đến khi bánh nhau phân hủy và dây rốn rụng tự nhiên khỏi cơ thể đứa bé, thường khoảng 3 - 10 ngày, thậm chí là 2 tuần.

Sinh con tự nhiên nhưng vẫn cần hỗ trợ y khoaMẹ tròn con vuông khi được các bác sĩ sản khoa theo dõi và hỗ trợ trong suốt quá trình sinh

Bất cứ ai cũng đều mong ước có mộtcuộc chuyển dạ an toàn, càng gần tự nhiên càng tốt. Ngành y tế cũng khuyến khích việc sinh con theo tự nhiên. Nhưng ở đây, việc sinh con theo tự nhiên không có nghĩa là cứ để mặc cho sản phụ sinh một cách không được kiểm soát. Ngay từ khi mang thai, thai phụ cần phải đi đến bệnh viện để được các cơ sở y tế chăm sóc lẫn mẹ và xuyên suốt thai kỳ, tối thiểu là 4 lần.

Theo BS.CKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV. Từ Dũ, người mẹ có thể có bệnh lý đi kèm trong lúc mang thai và khi có thai, thai nhi có thể làm trầm trọng tình trạng bệnh lý của người mẹ. Việc chăm sóc người mẹ giúp bác sĩ chuẩn bị trước cho một cuộc sinh, nên sinh tự nhiên theo ngã âm đạo hay mổ.

“Chửa: cửa mả!”

Sinh con thuận theo tự nhiên về ý nghĩa y khoa đó là hướng sản phụ chuyển dạ tự nhiên và sinh con theo ngả âm đạo, tuy nhiên nếu cuộc sinh không được, lúc đó các bác sĩ sản khoa bắt buộc phải có những can thiệp y khoa như: trợ sinh, mổ lấy thai, nhằm giảm thiểu các tai biến sản khoa như: nhiễm trùng, băng huyết, thuyên tắc ối… Tuy nhiên, cuộc sinh luôn hàm chứa rất nhiều tai ương.

ThS.BS. Nguyễn Đức Vinh cảnh báo, đầu tiên là sản phụ sinh khó có thể dẫn đến vỡ tử cung, dẫn đến tình trạng suy thai, đứa trẻ có thể bị ngạt và tử vong; người mẹ vỡ tử cung có thể dẫn đến băng huyết sau sinh. Ngoài ra, sau khi sinh, người mẹ vẫn có nguy cơ bị băng huyết sau sinh và nếu không được xử lý, người mẹ cũng có thể tử vong.

Đối với những người mẹ sinh lần đầu tiên theo ngả âm đạo mà không có sự hỗ trợ về mặt y tế, có thể bị một chấn thương rất dữ dội ở tầng sinh môn dẫn đến rách trực tràng, bọng đái đưa đến những băng huyết, nhiễm trùng rất nặng, khiến cuộc sống của người phụ nữ sau này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tổn thương trực tràng, tiết niệu.

Giữ lại bánh nhau, giữ lại một ổ nhiễm trùng cho con trẻ

Còn đối với việc giữ lại bánh nhau, nối với dây rốn của đứa bé như trường hợp sản phụ Hưng Yên, các bác sĩ khuyến cáo đây là điều hết sức nguy hiểm, vì đã có những quan niệm sai lầm trong dân chúng. Vì bánh nhau nối liền với em bé nhiều ngày như vậy chính là giữ lại một ổ nhiễm trùng vì bánh nhau chứa đầy máu, có thể dẫn đến nhiễm trùng sơ sinh nặng, nhiễm trùng hậu sản và có thể dẫn tới tử vong.

Sinh con tự nhiên nhưng vẫn cần hỗ trợ y khoaTrẻ sơ sinh sẽ được theo dõi và chăm sóc nếu có những bất ổn ngay sau sinh

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như chương trình quốc gia, Bộ Y tế cũng như Vụ Sức khỏe Sinh sản Bà mẹ - Trẻ em phê chuẩn việc thực hiện “chăm sóc da kề da ngay sau sinh”. Tức là người mẹ để ngực trần và sau sinh không cắt rốn vội mà đứa trẻ sẽ được đặt lên ngực trần của người mẹ, tự tìm vú mẹ; nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ của các nhân viên y tế. Đứa trẻ làm quen với hơi ấm người mẹ, quen với những chủng vi trùng thường trú có lợi trên da mẹ, và bú những giọt sữa non đầu tiên.

“Các bác sĩ sản khoa sẽ cắt rốn chậm từ 1 - 3 phút sau khi sổ thai. Mục đích việc cắt rốn chậm nhằm giúp đứa bé có thêm được một lượng sắt và một số yếu tố quan trọng khác có liên quan đến tế bào gốc cũng như là hồng cầu. Như vậy, da kề da sau sinh hoàn toàn tự nhiên nhưng có kiểm soát”, BS. Mỹ Nhi cho biết.

Một vài quốc gia trên thế giới, việc sinh con tự nhiên tại nhà có thể thực hiện được nhưng có sự giám sát của hệ thống y tế, ví dụ bác sĩ gia đình. Khi người mẹ chuyển dạ, hệ thống y tế sẽ có một êkíp lưu động đến hỗ trợ sản phụ tại nhà, và nếu cần can thiệp y khoa, họ sẽ chuyển sản phụ đến bệnh viện ngay lập tức.

“Sinh con thuận theo tự nhiên” tại nhà là hành vi hết sức nguy hiểm!

Thưa BS. Nguyễn Bá Mỹ Nhi, vì sao theo trào lưu sinh con thuận theo tự nhiên, người ta giữ lại bánh nhau gắn liền với đứa trẻ như vậy?
BS. Mỹ Nhi: những người ủng hộ trào lưu này cho rằng việc tiếp xúc kéo dài với bánh nhau sẽ khiến cho đứa trẻ dễ thích nghi với môi trường mới bên ngoài tử cung, giúp đứa trẻ giảm stress và hơn hết là giúp nó nhận được tất cả các chất dinh dưỡng từ bánh nhau, bao gồm cả tế bào gốc và lượng máu dồi dào còn lại. Họ cho rằng việc cắt dây rốn sớm có thể gây tổn thương và stress không cần thiết cho đứa bé. Hơn nữa, những người theo trào lưu này còn hình tượng hóa, tôn vinh bánh nhau như một biểu tượng của sự khởi nguồn dinh dưỡng đầu đời của em bé. Một thời gian ngắn sau khi sinh, khi dây rốn ngừng đập, sẽ không còn tuần hoàn trong bánh nhau, bánh nhau trở thành mô chết. Việc để cơ thể em bé thông nối với mô chết đang phân hủy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho tính mạng em bé.
Việc cắt dây rốn chậm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo và Bộ Y tế chủ trương áp dụng vì những lợi ích mà chậm kẹp cắt dây rốn mang lại. Máu từ bánh nhau qua dây rốn vào cơ thể em bé có thể tiếp tục trong vòng 5 phút sau sinh, nhưng phần lớn lượng máu từ bánh nhau truyền sang, trong đó có một lượng lớn tế bào gốc và sắt tập trung trong vòng 1 phút đầu tiên. Các lợi ích của việc cắt dây rốn chậm đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu khoa học lớn và có giá trị. Điều này không đồng nghĩa với việc không cắt dây rốn, để dây rốn và bánh nhau gắn liền với đứa bé trong khi đang phân hủy tự nhiên, dẫn đến những nguy cơ sức khỏe lớn trong khi lợi ích của nó vẫn chưa được chứng minh.
Như vậy, sinh con thuận theo tự nhiên tại nhà không phải là phương pháp sinh con chính thống?
ThS.BS. Nguyễn Đức Vinh: sinh con tại nhà thuận theo tự nhiên hoàn toàn phản khoa học, cực kỳ nguy hiểm. Đối với những thông tin gần đây trên mạng xã hội, Bộ Y tế cũng có ý kiến chính thức, khuyến cáo người dân sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, có trách nhiệm với người khác với bản thân mình. Đối với các thông tin không chính thống, chưa có những bằng chứng khoa học như sinh con thuận theo tự nhiên, có thể gây nguy hại cho cả sinh mạng con người, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra để có những biện pháp xử lý mạnh, đúng theo quy định của pháp luật.
Những thông tin đưa trên các facebook cá nhân về phong trào anti - vắcxin, sinh con thuận theo tự nhiên… đều đã có những khuyến cáo từ các học giả trên thế giới, các nhà quản lý cũng như các nhà chuyên môn, ví dụ BV. Từ Dũ, BV. Phụ sản Trung ương… đấy đều là những thông tin không chính thống, gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Một, thông tin lan truyền rộng rãi trên mạng tạo ra dư luận rất xấu, và khuyến khích các bà mẹ sinh đẻ theo phương pháp tự nhiên. Hai, nếu chúng ta áp dụng theo phương pháp đó có thể dẫn tới những đe dọa đến tính mạng người mẹ và trẻ sơ sinh.
Việc xử lý không thuộc về chức năng của ngành y tế, tuy nhiên do những thông tin như vậy có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nói chung, sức khỏe bà mẹ trẻ em nói riêng, ngành y tế sẽ phối hợp với cơ quan công an cũng như các cơ quan chức năng khác, xử lý nghiêm các hành vi trên, giảm thiểu tối đa những thông tin liên quan đến sức khỏe không chính thống.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản của ngành y tế đang được triển khai như thế nào, ngay từ cộng đồng, đặc biệt là ở TP.HCM?
BS. Nguyễn Ngọc Duy: TP.HCM đã triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản với các bệnh viện chuyên sâu như BV. Từ Dũ, BV. Hùng Vương hay các bệnh viện đa khoa. Đối với các y tế cơ sở, tất cả trạm y tế trên địa bàn thành phố, 319 trạm, đều được triển khai quản lý tất cả phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Nếu người phụ nữ có thai và đến khám ở bệnh viện, ngay lập tức thông tin đó được chuyển về cho trạm y tế địa phương. Sau đó, trạm y tế sẽ đến nhà mời đi khám theo quy trình quản lý thai sản. Trong năm 2017, Sở Y tế TP.HCM cũng tổ chức tập huấn cấp cứu sản khoa cho tất cả trạm y tế trên địa bàn thành phố cũng như mạng lưới bệnh viện quận huyện. Đặc biệt là chương trình báo động đỏ trong sản khoa đã cứu sống rất nhiều trường hợp.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn