“Chỉ tin và nghe lời cán bộ y tế”
Cô đỡ Ngô Thị Hồng (ở xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) đã có 10 năm làm nhân viên y tế thôn bản cho biết, cô phụ trách xóm Buổi với các hộ dân sống cách khá xa nhau, có gia đình cách trung tâm xã hàng chục cây số và không thể đi xe máy.
Hồng quản lý địa bàn rộng với địa hình hiểm trở, những năm qua cô đã làm rất tốt công việc của mình. Bản mà Hồng phụ trách các thai phụ đều được quản lý tốt. Hồng chia sẻ, cô thường xuyên đến từng hộ gia đình có phụ nữ đang mang thai để khám thai định kỳ, nghe tim thai và tuyên truyền các nguy cơ nếu đẻ tại nhà.
Lúc đầu công việc cũng gặp khó khăn, nhưng sau này mọi người hiểu được đẻ tại nhà sẽ gặp nhiều nguy hiểm nên đã chủ động báo với nhân viên y tế để được theo dõi và chăm sóc sức khỏe suốt thời kỳ mang thai cũng như đến ngày sinh.
Chăm sóc cho phụ nữ mang thai ở Đăk Lăk.
Cô đỡ Hồng nhớ lại: “Những thai phụ thời gian sinh nở tính từng ngày, tôi đều thuộc như lòng bàn tay. Có phụ nữ gặp khó khăn khi sinh, tôi khám thì thấy thai phụ này có tầng sinh môn rất dày nên khó khăn, thai phụ kêu la và hoảng loạn. Bằng những kiến thức đã được trang bị và kinh nghiệm lâu năm làm cô đỡ thôn bản, tôi vừa động viên sản phụ yên tâm, vừa đỡ đẻ, kết quả mẹ tròn con vuông. Gia đình sản phụ mừng lắm và họ rất tin tưởng vào y tế thôn bản”. Sau sinh, Hồng đã cùng gia đình đưa mẹ con sản phụ lên cơ sở y tế để khám và theo dõi.
Cũng giống như Hồng, tại tỉnh Kon Tum, với 14 năm công tác, cô đỡ Y Nhĩ (thôn Đăk Phía, xã Ngọc Réo, Đăk Hà) cùng ăn, cùng ở với bà con nên biết bà con rất cần đến mình và tin tưởng. Y Nhĩ kể, trường hợp sản phụ Y Đuôi ở cùng làng, đã từng bị sẩy thai một lần vì không biết đến cơ sở y tế và không được tư vấn khi mang thai, nên khi mang thai đứa con thứ hai Y Đuôi lo lắm. Biết được điều đó, Y Nhĩ đã thường xuyên thăm khám và động viên Y Đuôi đến cơ sở y tế để sinh con và Y Đuôi đã sinh được bé trai cân nặng 3,9kg, Y Đuôi vui lắm.
Hãy vì sức khỏe của chính mình và con trẻ
Y Nhĩ hay Ngô Thị Hồng chỉ là hai trong gần 3.000 cô đỡ khắp cả nước đang ngày đêm cần mẫn đến từng hộ gia đình ở các bản làng xa xôi để vận động các thai phụ đến cơ sở y tế sinh con đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Theo báo cáo của Sở Y tế Cao Bằng, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm từ 8 ca năm 2010 còn 5 ca năm 2017. Tử vong trẻ dưới 1 tuổi nếu năm 2010 là 185 ca thì 2017 còn 140 ca. Đặc biệt, số phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế ở Cao Bằng, nếu như năm 2010 chỉ có hơn 6.500 ca thì năm 2017 là gần 8.000 ca. Đặc biệt, tỷ lệ sinh con tại nhà đã giảm từ 1.864 ca năm 2010 còn 505 ca năm 2017.
Với 28 năm công tác tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản của một tỉnh miền núi, BS. Nguyễn Thị Lành, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Cao Bằng cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ở tỉnh đã có chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em trong tỉnh đã giảm mạnh. Chị em phụ nữ khi có thai đến cơ sở y tế khám thai nhiều hơn, các bà mẹ thấy được những vấn đề nguy hiểm khi sinh con tại nhà.
Đặc biệt, từ khi có cô đỡ thôn bản ở xã đã giúp nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mẹ và con cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Chính các cô đỡ thôn bản tự nêu gương, tự mình làm trước đến sinh nở tại trạm y tế xã để các bà mẹ trong thôn, bản biết và làm theo.
Gần 3.000 cô đỡ thôn bản đang ngày đêm bám trụ tại các rẻo cao ở vùng sâu, vùng xa nhằm vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ biết tự bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình cũng như theo dõi thai kỳ và đến trạm y tế khi sinh nở. Nhờ nỗ lực thầm lặng của họ đã kéo giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em ở nước ta được thế giới công nhận. Thế nhưng, những ngày qua tại các thành phố lớn, trào lưu nghe theo những người không có chuyên môn y tế về sinh thuận tự nhiên đang rầm rộ ẩn chứa nhiều nguy cơ. Bộ Y tế đang nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng ngăn chặn những thông tin thất thiệt nhằm đảm bảo sức khỏe bà mẹ và trẻ em lên cao nhất.