Cả voi nuôi và voi rừng đều giảm mạnh
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết vừa phát hiện đàn voi rừng khoảng trên 10 con xuất hiện tại khu vực đồi Đá Trắng (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán). Theo clip ghi lại vào ngày 11/6, đàn voi rừng trên đã kéo nhau ra bìa rừng, tới khu vực hàng rào điện gần nhà dân để tìm thức ăn. Khi phát hiện con người, đàn voi nhanh chóng quay lại và di chuyển đi nơi khác.
Tại Đồng Nai, voi thường xuyên xuất hiện ở khu vực nương rẫy của người dân, phá hoại hoa màu, cây ăn trái khiến xung đột giữa người và voi thêm căng thẳng.
Nhằm ngăn chặn xung đột giữa người và voi, năm 2017, tỉnh Đồng Nai chi 85 tỷ đồng xây hàng rào điện dài 50 km tại các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Hiện, đàn voi ở Đồng Nai có khoảng 20 con, sống chủ yếu ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú), Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) và khu vực đất rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (huyện Định Quán) quản lý.
Cùng ngày 11/6, một con voi lớn đã bất ngờ xuất hiện, vào nhà dân trên địa bàn xã Nam Sơn, giáp ranh với xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An để lục lọi kiếm ăn. Sau khi vào nhà dân, con voi lớn đã phá rau củ ở trong vườn, vào tận nhà để lục lọi thức ăn, làm hư hỏng tài sản của dân. Quá trình lục lọi thức ăn, con voi này đã xô đổ những tấm gỗ làm nhà của người dân. Sau khi tìm thấy cây chuối, con voi ăn ngấu nghiến và đi ra ngoài. Phát hiện có voi lớn xuống khu vực dân cư, người dân đã hô hoán, đánh trống và đốt lửa xua đuổi. Sau khi bị xua đuổi, con voi này đã lẩn trốn vào rừng.
Theo một chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã, những năm trước đây voi có vùng phân bố khá rộng từ Lai Châu dọc dãy Trường Sơn tới Bình Phước, Tây Ninh và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Thế nhưng hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124 - 148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. Trong đó, chỉ có 3 sinh cảnh còn trên 10 cá thể voi là Vườn Quốc gia Pù Mát và vùng phụ cận (Nghệ An) còn 13 - 15 cá thể. Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp TNHHMTV La Ngà (Đồng Nai) còn 14 cá thể. Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) còn khoảng 80 - 100 cá thể.
Đắk Lắk hiện là tỉnh có số lượng voi hoang dã lớn nhất cả nước với 5 quần thể; trong đó, quần thể nhỏ nhất gồm 5 - 10 cá thể, quần thể lớn nhất có 32 - 36 cá thể, phân bố chủ yếu ở Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Về voi nuôi (voi thuần dưỡng), theo thống kê năm 2018, cả nước có 91 voi nuôi tại 11 tỉnh thành, trong khi con số này của năm 2000 là 165. Như vậy, qua 18 năm, 74 con voi nuôi đã mất đi. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk - nơi được coi là "thủ phủ" của voi thuần dưỡng, số voi cũng giảm mạnh.
Theo kết quả kiểm kê rừng của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong 7 năm (2008 - 2014), diện tích rừng tự nhiên tại Tây Nguyên mất hơn 358.700 ha, tương đương mỗi năm mất hơn 51.200 ha rừng. Voi bị mất sinh cảnh, nguồn thức ăn và hành lang di chuyển làm nảy sinh những xung đột nghiêm trọng, thậm chí, nguy hiểm giữa voi và con người.
PGS.TS Bảo Huy, Trưởng Nhóm nghiên cứu đề án Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, trong các khu vực có voi rừng sinh sống hiện nay, chỉ vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn ít bị con người tác động. Trong khi đó, hàng chục ngàn ha rừng ở khu vực phía Tây Bắc huyện Ea Súp, vốn là môi trường sống lý tưởng của voi rừng, lại bị tỉnh giao cho các doanh nghiệp để trồng cao su.
'Gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để mất voi'
Được biết ngày 12/8 được chọn làm ngày Voi Thế giới, là cơ hội để mọi người cùng nâng cao nhận thức về bảo vệ voi, đồng thời tìm kiếm các giải pháp giảm xung đột giữa voi và người; cũng như nỗ lực bảo tồn loài này trong tự nhiên. Ở Việt Nam, voi được xếp vào bậc nguy cấp trong danh mục sách Đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), bậc cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam và được đưa vào nhóm có quy chế bảo tồn cao nhất, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại.
Theo các chuyên gia, để bảo tồn voi hoang dã, vấn đề sống còn là duy trì sinh cảnh của chúng. Thế nhưng, thời gian qua, những cánh rừng già nguyên sinh, sinh cảnh cố hữu của voi, đã và đang bị khai thác tràn lan, ngày càng suy giảm về diện tích, suy thoái về chất lượng, hoặc bị xâm lấn bởi hoạt động của con người. Việc voi bị mất sinh cảnh, nguồn thức ăn, hành lang di chuyển làm nảy sinh những xung đột nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm giữa voi và con người. Với tập tính di chuyển rộng, voi đi qua các vùng trồng trọt, phá hoa màu, phá lán trại gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Việc khai thác voi đã thuần dưỡng, còn gọi là voi nhà, để phục vụ du lịch hay cung cấp sức lao động cũng là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng tới quần thể loài. Khảo sát của tổ chức Asia Animal Foundation tại Khu du lịch Buôn Đôn và Khu du lịch hồ Lak cho thấy, voi ở đây phải làm việc từ 6 - 8 tiếng đồng hồ/ngày, thường phải chở 2 - 3 khách mỗi tour vượt sông Sêrêpôk hoặc đi dạo VQG Yok Đôn. Giá mỗi tour cưỡi voi khoảng 400.000 - 600.000 đồng, được chia đều cho đơn vị thuê và chủ voi. Do lợi nhuận trước mắt khá cao nên các chủ voi và đơn vị thuê voi vẫn khai thác sức voi để làm du lịch, trong khi xem nhẹ sức khỏe và sự tồn vong của voi.
Trong khi đó, khả năng nhân đàn khó xảy ra do phần lớn voi nhà đã lớn tuổi (trên 35 tuổi) và không có môi trường cho voi giao phối. Theo Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk, chủ voi sẽ được trả tiền khi voi đẻ con. Nhưng gần 30 năm qua, khả năng sinh sản của voi nhà Đắk Lắk có tỷ lệ gần như bằng 0 vì môi trường cho việc gặp gỡ, giao phối của voi bị hạn chế bởi chủ voi thường quản lý voi độc lập, ít thả voi sống cùng nhau. Đó là chưa kể nhu cầu của con người về ngà voi, lông đuôi voi làm đồ trang sức đang thúc đẩy nạn săn bắt trái phép voi để lấy ngà và các bộ phận. Các tổ chức bảo tồn lớn trên thế giới coi buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi là nguy cơ lớn bậc nhất, đe dọa xóa sổ loài này.
Để bảo tồn loài voi và giữ gìn sinh cảnh sống cho chúng, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương có voi với việc để mất voi. Nguyên nhân của quần thể voi suy giảm nghiêm trọng là do giám sát chưa tốt nên sinh cảnh cho voi mới bị phá, tình trạng buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi vẫn tràn lan như báo chí nêu mà không thấy ai chịu trách nhiệm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Các Bệnh Dễ Mắc Khi Phun Xăm Lông Mày, Mắt, Môi | SKĐS