Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin của Singapore cao nhất châu Á
Singapore đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn người dân chống lại COVID-19, tiến gần hơn tới giai đoạn thoát khỏi đại dịch. Singapore đã vạch ra một lộ trình rõ ràng “sống chung” với dịch bệnh nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Để làm được điều này, Singapore tiếp tục thúc đẩy người dân đi tiêm chủng. Mặc dù đứng đầu châu Á về tỷ lệ người đã được chủng ngừa, nhưng với số lượng lớn người cao tuổi vẫn chưa tiêm vắc xin, Singapore lo ngại nhóm đối tượng này sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất nếu quốc đảo này mở cửa trở lại.
Sở dĩ Singapore dễ dàng đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao bởi đây là quốc gia có diện tích nhỏ nhất ở khu vực Đông Nam Á, với dân số hơn 5,7 triệu người. Đến nay, có khoảng 69% người dân Singapore đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, cao hơn gấp đôi so với 2 tháng trước. Tỷ lệ người được tiêm cả 2 liều đạt 40%. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung hy vọng, 50% dân số Singapore sẽ được tiêm đủ 2 liều vắc xin trong tháng 7.
Người dân Singapore xếp hàng đi tiêm vắc xin
So với các nước châu Á khác, Singapore đã vượt xa nhiều quốc gia như tại Nhật, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ mới đạt 17%, Hàn Quốc 11%, Indonesia 5%.... Nhiều quốc gia đang ở trong làn sóng dịch COVID-19 như Thái Lan, Malaysia với số ca mắc hàng ngày cũng như tử vong cao chưa từng thấy. Tỷ lệ tiêm vắc xin của Singapore xấp xỉ các quốc gia phương Tây như Mỹ (đạt 47% số người tiêm đủ mũi vắc xin), Đức là 42%. Quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới, đạt hơn 60% là Israel. Tuy nhiên Israel đang trải qua thời gian chứng kiến số ca hàng ngày tăng từ 1 con số lên xấp xỉ 500 người trong những tuần gần đây, nguyên nhân được cho là do nhiều người trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Singapore đang đối mặt với thực trạng mặc dù người cao tuổi là nhóm ưu tiên tiêm vắc xin nhưng tỷ lệ người tiêm tương đối thấp. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong cho biết, tỷ lệ những người từ 70 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một mũi vắc xin là nhóm thấp nhất trong tất cả các nhóm tuổi đủ điều kiện tiêm chủng.
Người đứng đầu ngành y tế kêu gọi người già đi tiêm vắc xin, người cao tuổi cần xóa bỏ quan điểm người cao tuổi không thường xuyên ra ngoài nên an toàn hơn người khác bởi “Khi Singapore nới lỏng các quy định, các thành viên trong gia đình đi ra ngoài có thể đưa virus về nhà”, ông Ong nhấn mạnh. Chính phủ Singapore đặt mục tiêu 2/3 dân số nước này sẽ được tiêm đủ 2 liều vắc xin trước Ngày quốc khánh Singapore vào 9/8.
Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin của Singapore cao hơn nhiều so với các nước ở châu Á
Chuẩn bị “sống chung” với dịch bệnh
PGS Alex Cook, Phó trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc ĐH Quốc gia cảnh báo hàng trăm người già chưa được tiêm phòng có thể bị nhiễm bệnh, thậm chí bị đe dọa tính mạng trong 12 tháng tới ở Singapore.
Để chuẩn bị cho điều này, Singapore đang cân nhắc các quy định một người bị nhiễm bệnh có thể tự phục hồi tại nhà; hoặc mọi người có thể tự xét nghiệm thường xuyên bằng cách sử dụng các xét nghiệm nhanh một cách dễ dàng…. Người dân có thể tìm thấy bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19 tại các hiệu thuốc.
Quỹ Temasek, một tổ chức phi lợi nhuận thuộc quỹ nhà nước Temasek holdings bắt đầu phát máy đo ôxy ở đầu ngón tay miễn phí cho các hộ gia đình. Ngoài ra, người dân có thể tìm thấy các thiết bị y tế tương tự tại các siêu thị và hiệu thuốc để kiểm tra nồng độ ôxy trong máu – khi nồng độ ôxy suy giảm là dấu hiệu cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Với phương châm tập trung vào các bệnh nhân phải nhập viện điều trị hoặc cần chăm sóc đặc biệt, Singapore sẽ theo dõi và kiểm soát COVID-19 giống như bệnh cúm, một căn bệnh theo mùa.
Ngoài ra Singapore vẫn chú trọng thực hiện các biện pháp phòng dịch đơn giản, hiệu quả là giãn cách. Theo quy định mới, từ ngày 12/7, chỉ được tối đa 5 người ăn chung, nhà hàng ko được có nhạc sống, đám cưới tối đa 250 người nhưng người tham gia phải được xét nghiệm trước. Cho phép tập thể dục trong nhà, nhưng nhóm không quá 5 người, lớp không quá 50 người. Không quá 5 người tụ tập ở nơi làm việc, Singapore khuyến khích làm lệch giờ (để giảm tiếp xúc), khuyến khích làm việc tại nhà.
Mặc dù là nới lỏng để "sống chung" với đại dịch nhưng thực tế các quy định sống chung hiện nay còn khắt khe hơn so với nhiều quốc gia đang “chiến đấu” với dịch bệnh.