Trong vòng vài năm gần đây, Singapore - một đảo quốc bé nhỏ với khoảng hơn 5 triệu dân gần như đã trở thành thiên đường cho các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Chính phủ chú trọng đầu tư nhiều vào khoa học và công nghệ với tham vọng biến đảo quốc thành một xã hội tri thức.
Đảo quốc Singapore đã ấn định phải dành 3% của GDP cho nghiên cứu khoa học. |
Sau hơn 10 năm đầu tư không ngừng, giờ đây, các nỗ lực bắt đầu đơm hoa kết trái. Các trường đại học lớn của Singapore đã lọt vào top các trường đại học hàng đầu tại châu Á, đứng sau Nhật Bản và trên Trung Quốc. Hai trường đại học danh tiếng nhất của Singapore là Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Ông Bertil Andersson, Chủ tịch NTU, từng là chủ tịch một trường đại học tại Thụy Điển và Chủ tịch Quỹ nghiên cứu khoa học châu Âu (có trụ sở tại Strasbourg) cho biết, trong vòng 6 năm, lượng nghiên cứu sinh đến ghi danh tại trường và số lượng các công trình nghiên cứu được đăng tải đã tăng lên gấp 4 lần.
Với xu hướng phát triển đó, NTU tiếp tục phát triển khu học xá có khả năng tiếp nhận đến 34.000 sinh viên với nhiều tiện ích như khu nhà ở, có thể đón nhận đến 2/3 số sinh viên, khu tự học và mở thêm một số ngành học mới.
Về phần Trường đại học quốc gia Singapore - NUS, Chính phủ đầu tư xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu như Campus for Recherche Excellence and Technological Enterprise, nơi tọa lạc các phòng thí nghiệm chung với các trường đại học nước ngoài danh tiếng như Massachusetts Institut of Technology (MIT) của Mỹ, Technion của Israel hay Viện Công nghệ Thụy Sỹ tại thành phố Zurich. Cũng tại NUS, Thủ tướng đã cho thành lập National Research Foundation vào năm 2006 theo hình thức gọi thầu.
Bên cạnh hai trường đại học danh tiếng đó, Singapore còn sở hữu nhiều trung tâm công nghệ nổi tiếng khác, chẳng hạn như A Star, trực thuộc Bộ Công nghiệp, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực y - sinh học, công nghệ thông tin…
Vào những năm 2000, giống như châu Âu vào thời điểm ấy, Singapore dấn thân theo nền “kinh tế tri thức” và quyết định đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chất xám. Nếu như châu Âu làm cầm chừng, thì Singapore lại làm mạnh. |
Đảo quốc đã đạt những thành tựu như ngày nay cũng nhờ vào chính sách gọi thầu - theo tiêu chuẩn quốc tế cho nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, Chính phủ không có sáng tạo ra mô hình mới mẻ nào mà chủ yếu dựa trên các hệ thống đã tồn tại sẵn, nhất là mô hình Anh. Theo đó, chính quyền thực hiện chính sách gọi thầu cho các dự án 3, 5 hay 10 năm, theo quan điểm “chuyển giao công nghệ” thông qua hợp tác với các nhà công nghiệp và mua bằng sáng chế nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình từ khám phá cho đến ứng dụng.
Ngoài các nỗ lực của chính bản thân Chính phủ, đất nước này đang sở hữu cái gọi là “thiên thời, địa lợi”. Vì là một trong những cảng biển lớn nhất thế giới, Singapore đã là một giao lộ thương mại lớn của thế giới. Vì thế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đây thành lập cơ sở (kể cả vì lý do thuế). Mặt khác, đảo quốc có lợi thế là nền chính trị ổn định. Và tiếng Anh là một trong 4 ngôn ngữ chính thức (bao gồm cả tiếng ta-mun, Malaysia và tiếng Hoa).
Một điểm hấp dẫn khác thu hút không ít các nhà khoa học phương Tây đến đảo quốc làm việc đó là Chính phủ tạo đủ mọi điều kiện để ổn định cuộc sống, từ chuyện kiếm việc làm cho người bạn đời, đến chuyện ăn ở và học hành của con cái.
Thế nhưng, không có gì là hoàn hảo cả. Diện tích quá bé nhỏ nên cũng hạn chế phần nào các năng lực hay khả năng thực hiện các thử nghiệm lâm sàng. Việc ở xa cũng làm việc cung cấp thiết bị trở nên đắt đỏ và mất nhiều thời gian. Điều mà nhiều nhà khoa học lấy làm tiếc nhiều nhất đó là các sinh viên châu Á thiếu tính sáng tạo, không giống như sinh viên châu Âu, theo như nhận định của một nhà khoa học Pháp.
Quỳnh Diệp (Theo Le Monde)