Hà Nội

Siêu dự án “tỷ đô” thủy lộ kết hợp thủy điện: Nguy cơ xóa sổ đồng bằng sông Hồng?

06-05-2016 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Mới đây, một kế hoạch dự án đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) trình Thủ tướng xem xét chủ trương đầu tư.

Mới đây, một kế hoạch dự án đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) trình Thủ tướng xem xét chủ trương đầu tư. Lần đầu tiên người dân được nghe nói tới một dự án thủy lộ kết hợp… thủy điện trên sông Hồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia môi trường, kinh tế đang lo ngại về những ảnh hưởng từ tác động của siêu dự án tới môi trường, xã hội lẫn việc chưa có tiền lệ là… “sở hữu dòng chảy”.

Mục tiêu kép “cao tốc” trên sông cộng thủy điện

Siêu dự án này được đề nghị triển khai theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành). Dự án có vốn đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng (trong đó, 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp; phần còn lại huy động vốn vay thương mại).

Siêu dự án tỷ đô có thể khiến đồng bằng sông Hồng... chỉ còn trong quá khứ.

Dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện có thể tóm tắt như sau: dự tính nâng cấp, kết nối hai tuyến vận tải thủy hiện nay từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập và âu tàu để nâng cao mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại, đồng thời sẽ nạo vét 288km sông từ Việt Trì lên Lào Cai. Đặc biệt, để đảm bảo mục tiêu kinh tế cũng như tính đồng nhất của dự án, chủ đầu tư đề xuất sẽ làm 6 nhà máy thủy điện nhỏ trên sông Hồng (tương ứng với 6 đập) với công suất khoảng 228MW (hằng năm có thể cung ứng khoảng 1 tỉ kWh) với công nghệ tuôcbin trục ngang cột nước thấp.

Đồng bằng sông Hồng sẽ hết phù sa?

Trao đổi với báo chí về siêu dự án này, ông Tạ Văn Hường - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam - cho rằng việc đầu tư 6 thủy điện công suất 228MW thì không còn là thủy điện nhỏ nữa. Muốn đánh giá chi tiết dự án tốt hay chưa tốt phải có đề án cụ thể, đặc biệt phải đánh giá tác động môi trường bởi dòng sông Hồng ảnh hưởng đến gần như cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Cũng theo chuyên gia này, việc nâng mực nước, làm đập lẫn âu tàu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân chứ không đơn giản như các nghiên cứu ban đầu, cần hết sức cẩn trọng.

Còn theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), các dòng sông nhánh hiện đã bị “băm nát” để làm thủy điện, chỉ còn dòng chính nhưng với dự án này, dòng chính cũng bị chặn làm 6 khúc. Bà Khanh tỏ ra lo lắng nếu làm thủy điện ở sông Hồng bởi thủy điện sẽ điều tiết dòng chảy. Trước đây đồng ruộng còn có phù sa, sau khi nhiều thủy điện vào, phù sa ít hẳn, mùa lũ có khi còn trơ đáy sông. Theo tìm hiểu của bà Khanh, thủy điện nhỏ được coi là nguồn năng lượng tái tạo nhưng thực tế triển khai ở Việt Nam đã có những tác động môi trường và xã hội rất lớn, vì đã can thiệp vào dòng chảy thì chắc chắn có tác động. Bài học từ những tác động của thủy điện đã được nói tới nhiều và đã nhìn thấy rõ với nhiều công trình thủy điện lớn nhỏ ở Việt Nam: mất nguồn lợi cá, đồng ruộng thiếu phù sa, hạn chồng hạn, lũ chồng lũ nếu không vận hành tốt và rủi ro càng cao khi không điều phối và kiểm soát được ở phía thượng nguồn.

Những băn khoăn về siêu dự án với mục tiêu kép là rất lớn, thậm chí có thể trở thành lo lắng cho cộng đồng bởi mức độ ảnh hưởng của nó. Những tác động về môi trường, xã hội, đặc biệt là việc dòng sông lớn như huyết mạch của miền Bắc, liệu có bị biến thành một “tài sản sở hữu riêng” của một chủ đầu tư cũng cần được làm hết sức minh bạch, phải đạt được sự đồng thuận của người dân.


Bình An
Ý kiến của bạn