Siêu bão số 3 đổ bộ, chuyên gia chỉ cách người dân chống bão an toàn

04-09-2024 17:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Bão số 3 đang mạnh lên và dự báo có thể đạt cấp siêu bão, cảnh báo mức thảm họa. Người dân cần chuẩn bị các phương án ứng phó trước khi bão đổ bộ để an toàn tính mạng và tài sản.

Khẩn cấp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3Khẩn cấp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3

SKĐS - Bão số 3 hiện đang có diễn biến rất phức tạp. Khoảng chiều tối ngày 7/9 bão đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình). Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9.

Bão số 3 có khả năng mạnh lên thành siêu bão, cảnh báo mức thảm họa

Chiều ngày 4/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cường độ bão số 3 (Yagi) có thể mạnh cấp 15 và không loại trừ khả năng mạnh lên thành siêu bão (cấp 16). Cơ quan này đang xem xét nâng cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 5 (mức thảm họa).

"Sau khi vào Biển Đông, trong vòng hơn 24 giờ, cường độ bão đã tăng 4 cấp. Hiện nay, nhiệt độ nước biển đang rất cao, các điều kiện khí quyển cũng rất thuận lợi để bão mạnh lên. Trong 24 - 48 giờ tới, cường độ bão sẽ tiếp tục mạnh lên cho đến khi áp sát vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc)", ông Khiêm nói.

Siêu bão số 3 đổ bộ, chuyên gia chỉ cách người dân chống bão an toàn- Ảnh 2.

Bão số 3 được dự báo là cơn bão rất mạnh, cần chuẩn bị sớm các biện pháp ứng phó.

Theo ông Mai Văn Khiêm, các dự báo của Việt Nam và quốc tế tương đối thống nhất về mặt quỹ đạo di chuyển và cường độ. Hầu hết các dự báo quốc tế đều nhận định bão tăng cường độ lên cấp 15, có đài dự báo cường độ bão đạt cấp siêu bão (cấp 16).

"Trong bản tin 11h trưa nay, Việt Nam đã cập nhật trong 24 - 36 giờ tới, bão số 3 có khả năng mạnh lên cấp 15. Với tình hình như hiện nay, có những phương án tính toán gió bão có thể đạt cấp 16, thậm chí cấp 17 thì gây tác động rất lớn.

Do vậy trong chiều đến tối nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đang xem xét, nếu các tính toán đồng thuận, tin cậy thì chúng tôi có khả năng cập nhật dự báo bão số 3 có thể đạt cấp siêu bão (gió mạnh cấp 16).

Trong trường hợp cường độ bão mạnh lên cấp 16 thì các phương án chỉ đạo của chúng ta sẽ phải thay đổi, vì khi đó chúng tôi sẽ cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 5 (rủi ro thiên tai ở mức thảm họa)", ông Mai Văn Khiêm nói.

Khoảng đêm 6 đến rạng sáng 7/9, bão số 3 sẽ vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 và hướng vào ven biển các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12. Từ ngày 7 đến 9/9, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.

Dự báo còn khoảng 54 giờ nữa bão mới tiếp cận bờ, nên vẫn còn có những thay đổi về cường độ, hướng di chuyển, người dân và cơ quan chức năng cần theo dõi sát các dự báo. Hôm nay trên biển, ở ở khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, biển động dữ dội. Từ ngày 5 đến 6/9, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ, gió mạnh có thể đạt tới cấp 15, giật trên cấp 17 ở vùng gần tâm bão, cũng không loại trừ khả năng gió bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão) khi ở phía đông đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Đối với đất liền, từ trưa đến chiều 7/9, từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là các tỉnh thành trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão, có thể có gió mạnh từ cấp 9 - 11, giật cấp 13.

Gia cố nhà cửa, cất giữ tài sản ở nơi cao ráo

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai nhận định cường độ cực đại của bão số 3 khả năng tiệm cận cấp siêu bão (gió mạnh cấp 15, giật cấp 17) vào sáng sớm mai (5/9). Gió mạnh cấp 15 sẽ duy trì đến khi bão số 3 tiếp cận ven bờ phía đông đảo Hải Nam của Trung Quốc. Dự báo bão số 3 khả năng đi vào khu vực phía bắc đảo Hải Nam và phía nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), nên bão vẫn giữ được nguồn năng lượng rất lớn khi vào vịnh Bắc Bộ.

Khi vào vịnh Bắc Bộ, bão sẽ đi rất nhanh và khả năng tiếp cận đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng từ trưa 7/9, với cấp gió gần bờ có thể đạt 120km/h (tương đương cấp 12), giật 150km/h (giật cấp 14). Bão số 3 được đánh giá sẽ là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Bắc trong vòng 30 năm qua. Do đó người dân ven biển Thanh Hóa trở ra Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và cả phía đông Hà Nội cần có các biện pháp chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản trước khi bão đổ bộ.

TS Nguyễn Ngọc Huy thông tin, người dân có thể dùng các túi nước khoảng 20 lít đến 30 lít, cho vào các bao tải và bơm nước (không bơm quá đầy để tạo thế nằm vững chãi), buộc chặt, cố định bằng dây. Bằng cách này, các bao nước sẽ giúp đè mái tôn lại, có thể chống được gió cấp 11 và 12. Cách này chỉ áp dụng với các mái tôn không dốc và phải có khung vững chãi. Người dân khi gia cố, chằng chống nhà cửa cần cẩn thận để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

TS Huy cũng khuyến cáo người dân ở những vùng trũng thấp nên có kế hoạch sơ tán trước khi bão vào, nhất là nhà dân lợp ngói, nhà cấp 4 và chủ động di chuyển tài sản đến các nơi an toàn để tránh bị ngập lụt, chẳng hạn như ô tô, xe máy cần được gửi ở nơi cao. Chuẩn bị nước uống, đồ ăn khô, đèn pin, điện thoại... trong 2 ngày để duy trì liên lạc, thông tin với người thân và chính quyền địa phương.

Chiều ngày 4/9, ông Phạm Đức Luận, cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, nhấn mạnh bão số 3 rất mạnh, dự báo khi vào vịnh Bắc Bộ, cường độ bão vẫn mạnh cấp 13, giật cấp 16.

Do đó các địa phương cần kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão. Tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển, nhất là các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ và có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển cần rà soát cụ thể, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển và có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ.

Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công, trong đó sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế.

Tổ chức chặt tỉa cành cây, gia cố nhà ở, công trình, tháp truyền hình, biển hiệu quảng cáo, hệ thống lưới điện. Tập trung lực lượng thu hoạch diện tích lúa hè thu còn lại với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

Những vùng sẽ có mưa rất lớn do bão số 3 đổ bộNhững vùng sẽ có mưa rất lớn do bão số 3 đổ bộ

SKĐS - Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, gây sóng cao 7-9 m, có khả năng đánh chìm các tàu tải trọng lớn. Khi bão vào đất liền, hoàn lưu bão rất rộng gây gió mạnh dọc theo các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 4/9: Bão số 3 liên tục tăng cấp, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương ứng phó


Tô Hội
Ý kiến của bạn