Hà Nội

Siêu bão Sarika giật cấp 17 hướng vào Quảng Ninh- Nam Định

17-10-2016 14:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Đến 4 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Nam Định khoảng 150km về phía Đông Nam.

Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 10 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17.

Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 14,50N và phía Đông Kinh tuyến 108,00E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 15,50N và phía Đông Kinh tuyến 108,50E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ đêm nay (17/10), ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 10 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh- Nam Định khoảng 100km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) trong ngày 18/10 còn có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 16-17; biển động dữ dội.

Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 14-15; biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.

Chùm ảnh đường đi và vị trí cơn bão. Ảnh: nchmf

*** Hồi 4 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bãomạnh cấp 14, giật cấp 16-17.

Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 14,50N và phía Đông Kinh tuyến 108,50E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 15,50N và phía Đông Kinh tuyến 109,50E.Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ đêm nay (17/10), ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8-9; riêng vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 4 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Nam Định khoảng 150km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) trong ngày 18/10 có gió mạnh cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 16-17; biển động dữ dội. 
Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 14-15; biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km.

Chùm ảnh đường đi và vị trí cơn bão. Ảnh: nchmf

Lo ngại bão chồng bão

Ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc khắc phục mưa lũ tại miền Trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7. Hiện nay, bão số 7 (có tên quốc tế SARIKA) đang hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16 và còn tiếp tục mạnh thêm. Bão có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta trong 2 ngày tới.

Ngoài ra, cơn bão mạnh có tên quốc tế HAIMA đang hoạt động trên khu vực Tây Thái Bình Dương tiếp tục mạnh lên và có thể đạt mức siêu bão, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biển Đông.

Đây là tổ hợp nhiều thiên tai (áp thấp nhiệt đới, lũ, bão) liên tiếp ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, chủ động đối phó với bão, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua ngay sau khi lũ rút, trong đó huy động lực lượng tại chỗ tập trung tìm kiếm người còn mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích, bị thương, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị thiếu đói, bị rét; tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, chủ động hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh, không để bùng phát dịch bệnh do lũ; tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp để sớm đưa học sinh trở lại trường, khắc phục công trình cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, điện, khôi phục sản xuất,…

Lũ Lụt nghiêm trọng ở miền Trung. Ảnh: Internet.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tập trung chỉ đạo ứng phó với bão. Thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền, kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra;

Tùy theo tình hình diễn biến cụ thể của bão, mưa lũ quyết định cấm tàu thuyền ra khơi, cấm biển nhằm hạn chế thiệt hại, cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Rà soát các khu nuôi trồng thủy sản, dân cư tại những vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở ven sông, suối, ven biển, các công trình không bảo đảm an toàn để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn. Chỉ đạo chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học; chặt tỉa cành cây và chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.

Đối với khu vực miền núi và trung du: Tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa, vận hành xả nước đón lũ đảm bảo an toàn đập và hạ du các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu. Rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, sẵn sàng sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn....

Nước lũ đang rút

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, đêm qua (16/10), lũ trên sông Cả tại Nam Đàn đã đạt đỉnh là 5,66m (22h/16/10), trên BĐ1 0,26m và đang xuống. Hiện nay lũ trên các sông ở Hà Tĩnh và Quảng Bình đang xuống chậm.

Mực nước lúc 1giờ ngày 17/10 trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 2,55m, dưới BĐ3 0,15m.

Mực nước lúc 4 giờ ngày 17/10 trên các sông như sau: Sông Cả tại Nam Đàn: 5,60m, trên BĐ1: 0,2m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 13,13m, dưới BĐ3 0,37m; tại Hòa Duyệt 10,63m, trên BĐ3 0,13m; Sông La tại Linh Cảm: 4,99m, trên BĐ1 0,49m.

Dự báo, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục xuống chậm. Chiều nay (17/10), mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Cả tại Nam Đàn xuống mức 5,2m, dưới BĐ1 0,2m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 12,5m, trên BĐ2 0,5m; tại Hòa Duyệt xuống mức 10,2m, dưới BĐ3 0,3m; Sông La tại Linh Cảm xuống mức 4,7m, trên BĐ1 0,2m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,0m, dưới BĐ2 0,2m.

Tình trạng ngập lụt tại các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) giảm dần. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2

D.Hải
Ý kiến của bạn