Theo thông tín viên VOA Steve Herman, các nhà dự báo thời tiết đang theo dõi sát cơn bão mạnh nhất kể từ khi Siêu bão Haiyan hoành hành Philippines hồi năm ngoái, làm 6.000 người thiệt mạng.
Hình ảnh chụp bằng vệ tinh cơn bão Vongfong cho thấy tâm bão được hình thành trọn vẹn, có kích thước 40 kilomet bao quanh bằng một đĩa mây xoáy vòng không lồ, ở đông bắc Philippines.
Trong số những người ở Nhật Bản theo dõi cơn bão có Trung tá Tonya Trythall, người đứng đầu toán dự báo thời tiết của Không lực Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Kadena trên đảo Okinawa. Bà nói vị trí hiện thời của cơn bão là một trong những nơi tốt nhất để duy trì một cơn lốc nhiệt đới, phía trên làn nước ấm và với các cơn gió lý tưởng ở thượng tầng.
“Nhưng trong khi bão bắt đầu quay về hướng bắc thì không những nước bắt đầu mát dần, nhất là vào thời điểm này trong năm, mà ta còn bắt đầu có một số các cơn gió mạnh hơn ở thượng tầng sẽ khởi sự tìm cách phá tan cơn bão. Chính cơn bão sẽ trở nên mạnh hơn cho nên sẽ không phá được nó nhưng sẽ làm cho nó yếu bớt.”
Cơn bão di chuyển chậm chạp được cho là đã đạt đến cường độ đỉnh điểm với những ngọn gió có tốc độ vướt quá 330 kilomet/giờ. Trên biển khơi, xa đất liền, bão Vongfong vẫn đề ra nguy cơ nhỏ ngoại trừ những tàu thuyền nào không may đến quá gần nơi các đợt sóng đại dương lên cao đến 15 mét.
Cơn bão sẽ đập vào đảo Okinawa vào ngày thứ bảy, nơi theo dự báo, bão sẽ đổ xuống tới 48 centimet nước mưa, trước khi tiếp tục đi về hướng bắc tới các hòn đảo phía nam và trung bộ lục địa Nhật bản.
Nhà dự báo của Không lực Hoa Kỳ Trythall cho biết chính xác bão Vongfong sẽ ập vào các đảo chính nào của Nhật Bản vẫn chỉ là dự đoán.
“Bởi vì chúng ta không có các chuyến bay trinh sát bão ở Thái Bình Dương, cho nên việc theo dõi không mấy chắc chắn. Ảnh hưởng của các hệ thống thời tiết khác phát xuất từ đất liền sẽ gây ra sự khác biệt lớn trong việc theo dõi chung quyết.”
Vongfong không phải là cơn bão mạnh duy nhất hiện đang ở trong hải phận Châu Á.
Các nhà khí tượng học nói cơn bão nhiệt đới Hudhud đã tăng cường độ khi băng qua các hòn đảo Andaman và Nicobar và có phần chắc sẽ kèm theo các cơn gió có tốc độ 140 kilomet/giờ khi đập vào duyên hải phía đông Ấn Độ vào Chủ nhật này.
Năm ngoái, một cơn bão mạnh hơn là Phailin đã đập vào đất liền cũng trong khu vực này, tàn phá bang Odisha. Tin tức truyền thông từ bang này hôm nay mô tả các quang cảnh mua bán hoảng loạn, đẩy giá các thức ăn thiết yếu tăng vọt 50%, trước khi diễn ra những vụ sơ tán theo dự kiến ở các làng mạc ven biển.
Theo Bizlive