Cũng theo BS. Lã Thanh Nga, việc chẩn đoán túi thừa Meckel vẫn là một thách thức với thầy thuốc lâm sàng. Theo một nghiên cứu của BS. Nga, chỉ có 5,8% chẩn đoán lúc nhập viện đúng, có liên quan đến túi thừa Meckel. Một nghiên cứu khác còn cho thấy, tất cả các trường hợp biến chứng của túi thừa Meckel đều được chẩn đoán ban đầu là một bệnh nội hay ngoại khoa khác.
Gần đây, sự phát triển của siêu âm đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán trước mổ các biến chứng của túi thừa Meckel. Riêng cho xuất huyết tiêu hóa do túi thừa Meckel, siêu âm có độ nhạy là 100% và độ đặc hiệu là 80%. Còn đối với viêm túi thừa, siêu âm có độ nhạy 100% và độ đặc hiệu 91%. Rõ ràng, siêu âm có giá trị cao trong phát hiện túi thừa Meckel, đặc biệt trong biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Và BS. Thanh Nga khuyến cáo, nên dùng siêu âm là xét nghiệm đầu tiên trong chẩn đoán nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa. Bởi chẩn đoán lúc đầu đúng liên quan đến biến chứng của túi thừa Meckel lên đến 73,5%. Đây là một tỉ lệ khá cao do được áp dụng những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại để có được chẩn đoán chính xác hơn.
Khi bị túi thừa Meckel đa số bệnh nhi được mổ mở cắt hồi tràng chứa túi với biến chứng sau mổ thấp và không có tử vong. Theo nhiều nghiên cứu, 40 - 50% trường hợp biến chứng của túi thừa Meckel có mô lạc chỗ trong túi thừa. BS. Nga cho biết, về mặt lâm sàng, sự có mặt của mô lạc chỗ là nguyên nhân gây ra các biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa nặng do mô dạ dày lạc chỗ, tắc ruột và lồng ruột do mô tụy lạc chỗ.
NGUYỄN HUYỀN