‘Siết’ xét học bạ và xét tuyển sớm từ 2025 có phù hợp?

25-11-2024 06:57 | Xã hội
google news

SKĐS - Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 do Bộ GD&ĐT vừa công bố có nhiều điểm mới liên quan đến việc xét tuyển sớm, đặc biệt là phương thức xét tuyển học bạ.

Năm 2025, siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD&ĐT đề xuất chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu. Tất cả các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung. Điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Các trường vẫn được tự chủ các phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, với riêng phương án xét học bạ, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải có kết quả học tập của cả năm lớp 12, đồng thời phải có điểm tổ hợp ít nhất 3 môn gồm toán và ngữ văn bắt buộc. Một ngành, chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn. Khi đó, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.

Như vậy, nếu quy định này được thông qua, các trường đại học dùng phương thức xét tuyển học bạ không thể công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm trước tháng 5 như hiện nay. Các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ được dùng 4 tổ hợp như hiện nay, nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn.

Cũng với phương thức xét học bạ, dự thảo yêu cầu các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

‘Siết’ xét học bạ và xét tuyển sớm từ 2025 có phù hợp?- Ảnh 1.

Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trước đó, nhiều lãnh đạo Bộ GD&ĐT và chuyên gia cho rằng việc bỏ xét điểm học kỳ II của lớp 12 khiến học sinh lơ là học tập, ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục phổ thông trong giai đoạn cuối cấp THPT. Điều này còn khiến chỉ tiêu dành cho phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT còn ít lại, đẩy điểm chuẩn lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các đại học tốt của thí sinh.

'Những nội dung trong dự thảo là phù hợp'

Chia sẻ về những nội dung trong dự thảo, thầy Nguyễn Bá Thịnh - giáo viên dạy cấp THPT ở Hà Nội cho rằng, việc các trường được xét tuyển sớm để chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, một số trường công bố điểm chuẩn học bạ rất sớm, ngay trong tháng 3 khiến học sinh lơ là việc học. "Để không xảy ra tình huống này thì Bộ GD&ĐT nên thống nhất với các trường: chỉ công bố kết quả trúng tuyển vào khoảng cuối tháng 5".

Còn việc Bộ GD&ĐT dự kiến siết xét tuyển học bạ từ 2025, thầy Thịnh nêu quan điểm: "Ở một số trường và ở một số địa phương, việc chạy theo thành tích của một bộ phận giáo viên vẫn còn. Phần nhận xét đánh giá về kết quả học tập của một số thầy cô, một số trường ở các địa phương là không hoàn toàn đều tay nên việc xét học bạ THPT sẽ không còn phù hợp nữa".

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, dự thảo đưa những nội dung đó là phù hợp.

Theo thầy Công, các thí sinh dự thi các ngành Sư phạm, Y dược mấy năm qua đều cần đảm bảo điểm thi cao, cao hơn nhiều mức sàn nên đương nhiên học bạ phải có điểm cao. Nếu học sinh có học bạ điểm mà thấp, trong khi đó điểm thi tốt nghiệp cao hơn nhiều là điều bất thường. "Theo tôi, đánh giá quá trình thì toàn diện hơn".

Mới đây, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố những điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025. Một điểm mới quan trọng nhất trong phương thức tuyển sinh từ năm 2025 của trường là không sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (xét học bạ). Trường loại bỏ yếu tố điểm học bạ ở cả 2 phương thức xét học bạ độc lập và kết hợp học bạ với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt như năm trước đó. Năm tới, điểm học bạ chỉ là điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Lý giải sự thay đổi này, ThS. Lê Phan Quốc - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, các năm trước trường dành khoảng 10% chỉ tiêu xét điểm học tập THPT. Thực tế tuyển sinh các năm gần đây cho thấy có những ngành chỉ tiêu chỉ khoảng 20 thí sinh, với 10% chỉ tiêu xét điểm học bạ thì phương thức này chỉ tuyển 2 người. Việc loại bỏ phương thức xét học bạ trước hết nhằm giảm bớt sự phức tạp trong các phương thức xét tuyển.

Lý do các trường đại học top đầu bỏ xét tuyển bằng học bạLý do các trường đại học top đầu bỏ xét tuyển bằng học bạ

SKĐS - Phương án tuyển sinh 2025, nhiều trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ. Trong tuyển sinh năm nay, không ít trường cũng đã bỏ phương thức tuyển sinh này.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn