Từ ngày 20/1 tới đây, Thông tư số 30/2012/TT-BYT quy định điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ban hành (ngày 5/12/2012) sẽ chính thức có hiệu lực.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương triển khai những quy định của Thông tư 30 nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở đối với sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang ráo riết triển khai Đề án phòng ngừa ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Người bán hàng thức ăn đường phố phải khám sức khỏe
Để bảo đảm ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố trên phạm vi cả nước, Cục ATTP đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các Ban ngành liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin về những quy định trong Thông tư 30. Cục ATTP đặc biệt lưu ý các vấn đề như: Khái niệm về kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố theo quy định tại Luật ATTP số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010, do quy định này có khác với các quy định trước đây. Đối với mỗi loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố phải áp dụng các quy định về điều kiện ATTP tương ứng tại Thông tư 30.
Tất cả các đối tượng trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố đều phải được khám sức khỏe; cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP.
Một số cửa hàng đã tự giác cam kết không kinh doanh, sử dụng sản phẩm gia cầm nhập lậu. |
Cục ATTP yêu cầu, các Sở Y tế khẩn trương phân cấp việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố cho các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn theo quy định tại Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP.
Ngăn chặn gia cầm nhập khẩu trái phép
Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục ATTP cũng đã có Công văn số 78/ATTP-TTra ngày 11/1/2013 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc khẩn trương kết hợp với hoạt động triển khai Tháng truyền thông về ATTP Tết năm 2013. Tăng cường tuyên truyền phổ biến đến người dân về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép để người dân biết, không tham gia vào việc vận chuyển, kinh doanh, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; đồng thời tăng cường phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Công văn nêu rõ, Sở Y tế các tỉnh, thành căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tiến hành phổ biến rộng rãi và vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép thông qua việc vận động cơ sở cam kết và tự treo băng rôn, dán thông điệp với các nội dung như: Nói không với gà nhập lậu. Cam kết không sử dụng gà nhập lậu, thực phẩm không an toàn. Cam kết chỉ kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, kết hợp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về cơ sở làm tốt, các trường hợp vi phạm để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn, lựa chọn cơ sở dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP.
Mới đây, ngày 12/1, Đoàn kiểm tra đột xuất của Cục ATTP đã đi kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hà Nội. Kết quả ban đầu ghi nhận, tại nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phát hiện việc sử dụng gia cầm nhập lậu. Đáng chú ý là nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống đã tự treo biển khẳng định: Cửa hàng cam kết không sử dụng gia cầm nhập lậu, thực phẩm không an toàn.
Lâm Mộc