Siết quảng cáo thực phẩm chức năng

15-03-2015 21:37 | Thời sự

SKĐS - Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế, năm 2015, chúng tôi sẽ tăng cường thanh, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN)

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế, năm 2015, chúng tôi sẽ tăng cường thanh, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN), trong đó có việc quảng cáo TPCN. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống về việc cuối tuần qua Cục An toàn thực phẩm xử phạt 5 doanh nghiệp (DN) sai phạm trong quảng cáo TPCN trên phương tiện thông tin đại chúng.

TS. Nguyễn Thanh Phong.

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những sai phạm của 5 DN này?

TS. Nguyễn Thanh Phong: 5 DN bị chúng tôi xử phạt vi phạm hành chính 75 triệu đồng và yêu cầu phải ngừng ngay hành vi vi phạm; tháo gỡ các nội dung quảng cáo sai quy định; cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung quảng cáo sai, tính đến ngày 13/3 là: Công ty cổ phần Dược Hadico (Lô 4, nhà B3 Khu đô thị Định Công, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) đã quảng cáo TPCN viên nang O’Hara khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung; Công ty TNHH Fansi (Số 41 ngách 260/6 phố Đội Cấn, phường Liễu Giai - Q. Ba Đình, TP. Hà Nội) đã quảng cáo TPCN Pro-MomTM với nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; Công ty cổ phần Eulab Holding (Số 1 tầng 16 tòa nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) quảng cáo TPCN viên ngậm Clarosan khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung; Công ty cổ phần Dược Đại Xuân (Số 137 Trần Hữu Tước, xã Mỹ Xá, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) quảng cáo TPCN An vị thảo Đại Xuân khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung; Công ty TNHH Chế biến Dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VNFood) (Số 439 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) quảng cáo TPCN Dầu gấc viên nang Vinaga khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung.

Qua đây cho thấy, có hai trường hợp vi phạm mà các công ty sản xuất, kinh doanh dược, thực phẩm nói chung, TPCN nói riêng thường hay mắc phải. Một là quảng cáo sản phẩm không được cơ quan y tế xác nhận về mặt thẩm định nội dung. Thứ hai là quảng cáo sản phẩm không đúng với nội dung mà cơ quan y tế thẩm định. Ví dụ, một sản phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng, khi Cục An toàn thực phẩm xác nhận thẩm định công dụng như đã công bố, thế nhưng khi quảng cáo thực tế thì lại được thêm hàng loạt công dụng khác, giống như thần dược. Đó là sai quy định và đương nhiên sẽ bị xử phạt.

PV: Thưa ông, qua theo dõi chúng tôi thấy cơ quan chức năng đã rất kiên quyết xử phạt các DN sai phạm trong quảng cáo thực phẩm nói chung, TPCN nói riêng. Nhưng trên thực tế vẫn cứ xuất hiện các DN tiếp nối sai phạm, phải chăng có tình trạng “nhờn luật”?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Tôi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng vi phạm trong quảng cáo TPCN là do DN muốn bán được nhiều sản phẩm để thu lợi nhuận cao nên phải quảng cáo sản phẩm gian dối, đánh lừa người tiêu dùng.

Trên thực tế, từ trước đến nay, chúng tôi (ở đây là Thanh tra Cục ATTP và Thanh tra Bộ Y tế - PV) đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm với nhiều hình thức rất nghiêm. Chế tài có đủ và mức xử phạt khá cao, ngoài ra còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, công bố công khai các sản phẩm, DN vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện, Cục An toàn thực phẩm đã và đang thực hiện nghiêm túc chủ trương này. Khi xử lý vi phạm xong, chúng tôi công bố các DN, sản phẩm vi phạm và hình thức xử lý trên cổng thông tin của Cục nhằm cảnh báo cho cộng đồng. Như vậy DN có sản phẩm quảng cáo sai sẽ bị người tiêu dung tẩy chay.

Về phía cơ quan nhà nước, cũng phải thừa nhận lực lượng thanh tra của chúng ta còn mỏng nên nhiều khi DN cố tình “nhờn” và cố tình vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đối với DN, tốt nhất là sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo một cách nghiêm túc. Bởi, để xây dựng thương hiệu cho một DN hay một sản phẩm không phải dễ dàng. Nếu không kinh doanh nghiêm túc thì sớm muộn cũng bị phát hiện, xử lý, đến lúc đó thương hiệu của DN có lớn như thế nào thì cũng sẽ mất, khó tồn tại được. Đương nhiên, DN sẽ là đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất.

Đoàn thanh tra của Bộ Y tế đang chỉ rõ sai phạm trong quảng cáo của một đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng.

PV: Vậy, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục có những biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này thưa ông?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý như Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, các đơn vị phát hành quảng cáo, cơ quan báo chí... thông báo nội dung các sản phẩm được xác nhận thẩm định quảng cáo, đồng thời cũng thông báo cả các đơn vị, sản phẩm vi phạm. Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ xử lý các trang mạng, đơn vị quảng cáo, nhà in... quảng cáo không đúng, còn Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý các sản phẩm, đơn vị vi phạm.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng sẽ thông báo cho các cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố phối hợp xử lý các vi phạm về thực phẩm, trong đó có TPCN.

Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng, tôi cho rằng, mỗi chúng ta chỉ nên mua và sử dụng TPCN khi có nhu cầu thực sự, mua loại nào cho phù hợp với mục đích nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng. Nên dùng đúng, có nhu cầu thì hãy sử dụng, tránh việc nghe lời quảng cáo “đồn thổi” để mua và sử dụng theo khuyến cáo và tuyên truyền của những người không có chuyên môn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Nam (thực hiện)

 

 


Ý kiến của bạn