Siết chặt quản lý thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng

04-10-2017 07:51 | Thời sự
google news

SKĐS - TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đề xuất quản lý chặt việc cấp phép thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ và sẽ có hội đồng khoa học đánh giá bởi đây là những sản phẩm tác động đến sức khỏe người tiêu dùng…

Sản phẩm thực phẩm sau 3 lần kiểm tra đạt, miễn kiểm tra từ lần thứ 4

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, việc góp ý sửa Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật An toàn thực phẩm, nội dung được bàn thảo nhiều là kiểm tra chuyên ngành và công bố thực phẩm. Hiện có ba Bộ cùng quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Trong đó, Bộ NN&PTNT quản lý 19 nhóm mặt hàng, Bộ Công Thương 8 nhóm. Bộ Y tế chịu trách nhiệm 6 nhóm gồm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Theo Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết quy định Luật An toàn thực phẩm, quy định các sản phẩm thực phẩm khi nhập về Việt Nam đều phải có thông báo đạt chất lượng mới được thông quan. Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã chỉ định 15 đơn vị phục vụ việc kiểm tra chuyên ngành này, trong đó có 3 đơn vị của Bộ Khoa học Công nghệ, 2 đơn vị thuộc công ty cổ phần theo chủ trương xã hội hóa của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra trong năm 2016 cho thấy, số lô hàng chỉ kiểm tra hồ sơ chiếm trên 90% số lô hàng phải kiểm tra nhập về. Vì thế, lãnh đạo Bộ Y tế giao ban soạn thảo đề xuất sửa nghị định theo hướng, với những sản phẩm thực phẩm sau 3 lần kiểm tra đạt, lần 4 miễn kiểm tra. Chủ trương này cần được sự đồng tình Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, vì số nhóm hàng Bộ Y tế quản lý chỉ là 6 nhóm.

Ban soạn thảo cũng tham mưu lãnh đạo Bộ đề xuất Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tiếp quản quản lý các sản phẩm thuộc 2 Bộ quản lý. Việc này sẽ giúp giảm tải cho ngành y tế trên 70%.

Cũng theo ông Phong, khi đã thông thoáng về thủ tục cho doanh nghiệp thì bắt buộc phải tăng cường hậu kiểm để đảm bảo an toàn. Chúng tôi đề nghị các Bộ tăng cường nguồn lực cho hậu kiểm. Đặc biệt, cần phải sửa Nghị định 178 xử phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo đó, sẽ cần phải tăng mức phạt, thậm chí rút giấy phép và xử lý hình sự các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm thực phẩm chức năng vừa bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN

Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm thực phẩm chức năng vừa bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN

Sẽ có Hội đồng khoa học đánh giá khách quan về chất lượng sản phẩm

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết thêm, Ban soạn thảo đề xuất, những thực phẩm thông thường như bánh kẹo, nước giải khát, nước uống đóng chai, nước uống thiên nhiên, sản phẩm đóng hộp… doanh nghiệp tự công bố chất lượng. Điều kiện là mức giới hạn an toàn về kim loại nặng, nấm men, nấm mốc, vi sinh, chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm… phải tuân thủ theo quy định. Hồ sơ công bố gửi đến cơ quan quản lý. Dự kiến sau bảy ngày làm việc nếu cơ quan quản lý không có ý kiến thì doanh nghiệp tự sản xuất kinh doanh. Cơ quan quản lý hậu kiểm để kiểm tra công bố của doanh nghiệp có đúng thực tế sản xuất, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Hồ sơ công bố cũng đơn giản hơn, thời gian công bố rút ngắn so với trước.

Với 6 nhóm ngành hàng thuộc quản lý của Bộ Y tế, Bộ sẽ phân cấp cho các địa phương thực hiện việc cấp phép, công bố với nhóm phụ gia thực phẩm, bao bì thực phẩm, nước uống đóng chai. Bộ quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng.

“Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo đề xuất tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp và vẫn phải làm để đảm bảo sức khỏe của người dân. Do đó, với nhóm hàng trên, chúng tôi đề xuất cần phải có Hội đồng khoa học duyệt và đưa ra ý kiến mang tính chất khách quan, dứt khoát không thể dựa vào tài liệu để đánh giá, cấp phép bởi đây là những sản phẩm tác động đến sức khỏe người tiêu dùng. Cơ quan quản lý là người đưa ra quyết định cấp phép trên ý kiến của Hội đồng khoa học chứ không nhìn trên hồ sơ để đánh giá”- TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Được biết, hiện cả nước có hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng, mỗi năm thêm vài nghìn sản phẩm mới. Do đó, nếu không quản lý quyết liệt sẽ rất khó khăn.


Thái Bình
Ý kiến của bạn