Chiều ngày 7/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã ký ban hành văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; giám đốc các cơ sở KCB và giám đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm yêu cầu chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý, cung ứng, sử dụng thuốc và giá thuốc trong bệnh viện. Trước đó, tại cuộc họp bàn về vấn đề này diễn ra ngày 6/5, vai trò của nhà thuốc bệnh viện, hội đồng thuốc bệnh viện đã được đánh giá cao, tuy nhiên để công tác dược bệnh viện ngày càng hiệu quả hơn, lãnh đạo Bộ Y tế đã có những đề nghị cụ thể.
Thuốc của nhà thuốc bệnh viện thấp hơn bên ngoài
Tại cuộc họp với lãnh đạo các bệnh viện K, Nhi Trung ương, Việt Đức, Bạch Mai, Phụ sản Trung ương - Hà Nội về vấn đề dược bệnh viện, báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế, giám đốc các bệnh viện trên đều cho biết, hiện nay thặng số lãi trần của các nhà thuốc bệnh viện chỉ dao động trong khoảng 5-13%, thậm chí có một số loại thuốc thặng số lãi trần bán lẻ chỉ đạt 2% - thấp hơn so với quy định tại Quyết định 24/QĐ-BYT về tổ chức và hoạt động của nhà thuốc bệnh viện cho phép giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện dao động từ 5-20%. Liên quan đến vấn đề này, ThS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, hoạt động của các nhà thuốc bệnh viện luôn tuân thủ theo mọi quy định của pháp luật về vấn đề này. Nhiều bệnh viện đã kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý việc cung ứng, xuất kho, sử dụng, kê toa, giá bán thuốc từ khoa dược đến tận nhà thuốc. Bên cạnh đó, 100% các bệnh viện đã thành lập hội đồng thuốc và điều trị không chỉ tham mưu cho lãnh đạo các bệnh viện xây dựng danh mục thuốc chủ yếu sử dụng trong bệnh viện mà còn có vai trò giám sát việc kê đơn, bình bệnh án của bác sĩ... nhằm giúp cho những hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng cho biết thêm: Qua khảo sát ngẫu nhiên 2.491 mặt hàng của 6 nhà thuốc bệnh viện và 8 nhà thuốc xung quanh bệnh viện trong đợt thanh, kiểm tra về giá thuốc của Bộ Y tế tháng 4/2010 cho thấy: 97,78% lượt mặt hàng có giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện thấp hơn giá bán lẻ tại nhà thuốc xung quanh bệnh viện với tỷ lệ trung bình 6,82% và 2,22% lượt mặt hàng có giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện cao hơn giá bán lẻ tại các nhà thuốc bên ngoài bệnh viện với tỷ lệ trung bình 6,54%...
Trường hợp trúng thầu, phải có các điều khoản cụ thể về số lượng, giá cả
Trong công văn ký ngày 7/5, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã yêu cầu giám đốc các cơ sở KCB công lập phải triển khai công tác đấu thầu thuốc kịp thời, theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật, đảm bảo đủ thuốc theo danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở KCB. Theo đó, khi tổ chức đấu thầu mua thuốc, cần yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các thông tin về giá bán buôn kê khai, giá nhập khẩu của thuốc kèm theo cam kết chưa có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về việc chưa hợp lý của giá thuốc kê khai làm căn cứ để xem xét, đánh giá, lựa chọn thuốc. Đối với các trường hợp trúng thầu, bệnh viện phải ký hợp đồng có các điều khoản cụ thể về số lượng, giá cả, giao hàng, thanh toán và thực hiện đúng như cam kết trong hợp đồng... Bên cạnh đó, cần chỉ đạo hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị trong việc lựa chọn, công tác bình bệnh án, tăng cường kiểm tra giám sát để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý; Đồng thời tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động của nhà thuốc bệnh viện; không nhập các thuốc có giá bán buôn cao hơn giá đã kê khai, kê khai lại...
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, Bộ Y tế yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá thuốc, cung cấp thông tin về giá thuốc đã kê khai theo đúng quy định, đặc biệt trong việc tham gia đấu thầu thuốc và cung ứng thuốc cho bệnh viện, nhà thuốc bệnh viện; báo cáo về Bộ Y tế đầy đủ kết quả thực hiện hợp đồng đấu thầu, cung ứng thuốc cho các bệnh viện... Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý giá thuốc, cung ứng, sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý...
Thái Bình