Siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

01-04-2018 21:14 | Xã hội

SKĐS - Khi người dân thành phố Hồ Chí Minh chưa hoàn hồn với vụ cháy ở khu đô thị Carina thì tối 1/4, khói lửa ngùn ngụt bốc ra từ căn hộ không có người tại tầng 8, Block A, chung cư Parc Spring trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2). Mặc dù Hệ thống báo cháy kêu liên hồi nhưng vẫn khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn. Họ dẫn người thân tháo chạy bằng thang bộ xuống dưới thoát thân... Những vụ cháy xảy ra liên tiếp gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Một thực tế cho thấy, các quy định về an toàn PCCC tại các khu chung cư, tòa nhà cao tầng được yêu cầu rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, tại nhiều chung cư trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội, những quy định này còn bị phớt lờ. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn về PCCC một cách nghiêm trọng.

Gần đây, những mặt hàng PCCC được nhiều người dân quan tâm mua sử dụng cho gia đình chứng tỏ người dân đã có ý thức hơn trong việc PCCC.

Gần đây, những mặt hàng PCCC được nhiều người dân quan tâm mua sử dụng cho gia đình chứng tỏ người dân đã có ý thức hơn trong việc PCCC.

Gần đây, những mặt hàng PCCC được nhiều người dân quan tâm mua sử dụng cho gia đình chứng tỏ người dân đã có ý thức hơn trong việc PCCC.

Các vụ cháy liên tiếp thời gian qua tại TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Phúc… cho thấy nhiều bất cập trong thiết kế về an toàn PCCC, vì vậy, các địa phương đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác PCCC trong đó có việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát, siết chặt công tác quản lý về PCCC ở chung cư cao tầng. Xử lý nghiêm một số công trình còn tồn tại vi phạm quy định về PCCC.

Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra tại các chung cư là minh chứng rõ ràng vấn đề cháy nổ, hỏa hoạn đứng đầu gây tử vong về người. Trên thực tế, nhiều dự án chung cư chỉ quan tâm tăng mật độ xây dựng, nâng tầng, tăng hiệu quả trong việc kinh doanh mà cố tình quên rằng an toàn tính mạng của cư dân là quan trọng nhất. Nguyên nhân của các vụ cháy đang được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng khi vụ cháy xảy ra, hệ thống chuông báo cháy không hoạt động là điều hết sức nguy hiểm, thể hiện chất lượng của hệ thống phòng cháy, chữa cháy quá kém, không được bảo trì, duy tu đầy đủ. Vấn đề đặt ra là việc kiểm tra này vẫn được các cơ quan chức năng tổ chức thường xuyên, nhưng vì sao hỏa hoạn vẫn xảy ra?

Trao đổi với PV báo SK&ĐS, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết: Nguyên nhân chính được cho là khâu thẩm định và phê duyệt thiết kế ban đầu về PCCC ở công trình cao tầng rất chặt chẽ, thế nhưng khi tòa nhà xây xong, việc kiểm tra thiết bị được lắp đặt lại bị buông lỏng. Trong khi đó, Luật PCCC cũng quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Do vậy, cần có biện pháp mạnh để nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đặc biệt, tại các tòa nhà cao tầng, khu chung cư, việc đảm bảo an toàn PCCC càng phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Các sự cố hỏa hoạn tại các khu chung cư thường rất khó lường và diễn biến phức tạp, do đó, mọi yếu tố đảm bảo cho PCCC đều phải đúng quy chuẩn và phải được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Bên cạnh đó, việc diễn tập PCCC cho cư dân sống trong chung cư này cũng không được quan tâm đúng mức. Đối với các chung cư mới xây, chung cư tái định cư, nhà ở xã hội, các đơn vị cần phối hợp thực hiện đánh giá chất lượng công trình, tình trạng hệ thống kỹ thuật, hệ thống PCCC để có những phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các vi phạm chứ không phải đợi đến bây giờ mới hô hào tăng cường thanh tra kiểm tra. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy cũng phải bảo dưỡng, duy tu thường xuyên nhằm đảm bảo luôn hoạt động tốt để báo động kịp thời khi có sự cố xảy ra, các hộ gia đình phải nâng cao ý thức về kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn chứ không phải để mất bò mới lo làm chuồng.

Liên quan đến vấn đề hỏa hoạn  tại các chung cư trong thời gian qua, ông Đỗ Hoàng Ân - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Hà Nội chia sẻ, các công trình 7 tầng trở lên phải được cơ quan PCCC địa phương phê duyệt. Công trình 20 tầng trở lên phải được Bộ Công an duyệt. Theo bộ tiêu chuẩn quốc gia về an toàn cháy, nếu các công trình này không đảm bảo các yêu cầu về PCCC thì dự án sẽ không được duyệt, đồng nghĩa với việc không thể xây dựng. Nhưng thực tế trong thời gian qua, nhiều chung cư tại Hà Nội vẫn được thiết kế và xây dựng. Việc làm này đã coi thường tính mạng người dân sống tại các chung cư mà chưa bị xử lý nghiêm túc.

Người dân ý thức hơn trong việc PCCC

Theo tìm hiểu của PV, tại các cửa hàng bán các công cụ bảo hộ lao động và PCCC trên phố Yết Kiêu, Nguyễn Du, Lê Duẩn…, nhiều người dân đã tự trang bị cho gia đình mình các phương tiện bảo hộ phòng cháy. Anh Trần Đại Lợi - nhân viên Công ty TNHH Thiết bị Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội cho biết: Những ngày qua, các mặt hàng PCCC như: mặt nạ phòng độc và thang dây thoát hiểm là 2 mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất, cho thấy người dân đã có ý thức hơn trong công tác PCCC.

Đánh giá về việc này, Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CHCN (Bộ Công an) chia sẻ: Qua những vụ cháy vừa qua, người dân đã có ý thức tìm hiểu các kiến thức PCCC để tự bảo vệ mình. Phương châm “Phòng cháy hơn chữa cháy” đã được người dân áp dụng qua việc trang bị cho gia đình các dụng cụ phòng chống cháy nổ. Dù hoàn cảnh nào, nếu mỗi người dân nâng cao thêm ý thức đề cao cảnh giác về cháy, nổ và thực hiện cơ bản đúng và đủ các nội dung khuyến cáo về an toàn PCCC sẽ góp phần tích cực và hiệu quả để đảm bảo an toàn PCCC trong lúc chờ đợi các lực lượng chuyên nghiệp về PCCC đến hỗ trợ khi có hỏa hạn xảy ra.

Về phía các cơ quan chức năng về PCCC, ngoài việc tăng cường kiểm tra công tác PCCC thì việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng và nâng cao ý thức người dân về PCCC một cách thường xuyên. Về kiến thức thoát hiểm và kỹ năng về PCCC cần phải được cảnh báo sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, vai trò của ban quản lý, ban quản trị chung cư trong việc tuyên truyền, tập huấn PCCC cho cộng đồng phải đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, cần thực hiện việc không lấn chiếm, cơi nới các hành lang, lối đi thoát nạn để hạn chế thiệt hại khi có sự cố cháy nổ xảy ra.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn