Lập hàng trăm đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm
Lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn luôn được triển khai đồng bộ, nghiêm túc. Dịp Tết Giáp Thìn và mùa lễ hội đầu xuân 2024, Sở Y tế Khánh Hòa đã chủ trì, phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở.
Cụ thể, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa lập 135 đoàn công tác tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.059 cơ sở thực phẩm.
Thông qua kiểm tra đã phát hiện 29 cơ sở vi phạm (chiếm 0,95% tổng số cơ sở thực phẩm bị thanh, kiểm tra).
Căn cứ vào mức độ vi phạm, đã xử phạt hành chính 8 cơ sở, với tổng số tiền 84,5 triệu đồng. Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu viết cam kết không tái phạm đối với 21 cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố.
Các hành vi vi phạm của các cơ sở thực phẩm bị kiểm tra chủ yếu là kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn. Một vài cơ sở không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên; không niêm yết giá đầy đủ.
Cùng với kiểm tra trực tiếp, từ Tết Giáp Thìn 2024 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn lấy 550 mẫu để xét nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Cụ thể như, xét nghiệm tại labo 92 mẫu thực phẩm (xét nghiệm các chỉ tiêu như kim lọai nặng, vi sinh, vi nấm, chất cấm...), kết quả cả 92 mẫu đều đạt mức độ an toàn.
Xét nghiệm 64 mẫu thực phẩm gồm tôm tươi, mực tươi, chả cá biển, tương ớt..., kết quả cả 64 mẫu đều đạt mức độ an toàn.
Riêng về dụng cụ ăn uống, các đoàn kiểm tra xét nghiệm 394 mẫu (là tô, chén, đĩa), kết quả có 390 mẫu đạt chỉ tiêu an toàn.
Chủ động chọn thực phẩm an toàn
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoan, Phó Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa, việc thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Giáp Thìn và mùa lễ hội đầu xuân 2024 trên địa bàn Khánh Hòa được các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm, phối hợp thực hiện đồng bộ.
Qua đó, đã ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm để răn đe, nhắc nhở các cơ sở khác, góp phần hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Để người dân và du khách chủ động phòng ngừa ngộ độc thức phẩm từ hải sản,TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) khuyến cáo, không được ăn hải sản đã từng được cảnh báo gây ngộ độc như cá nóc, ốc bùn bóng, so biển, bạch tuộc đốm xanh, cua mặt quỷ.
Không ăn hải sản lạ mà chính người bán cũng không nắm rõ loại gì, có nguồn gốc ở đâu. Đồng thời, không nên ăn hải sản sống vì nguy cơ nhiễm ký sinh trùng rất cao, tạo bất ổn cho đường tiêu hóa.
Nếu không may đã ăn hải sản lạ, hải sản không đảm bảo mà có triệu chứng như tê môi, lưỡi, buồn nôn, đau bụng, da lạnh ngắt đột ngột, chóng mặt, nhức đầu, đau hoặc yếu cơ, khó thở…thì đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn.