Làm thế nào để có được sức khỏe nói chung và sức khỏe trí não tốt nhất là quan tâm lớn của các bậc cha mẹ và học sinh - sinh viên. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp huy động vượt khả năng của não bộ nhằm đạt kết quả cao trong một khoảng thời gian ngắn là vô cùng nguy hiểm và đôi khi lại gặp hiệu quả ngược. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ThS. BS. Đinh Hữu Uân - Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến-Bệnh viện Tâm thần trung ương I để hiểu thêm về vấn đề này.
ThS. BS. Đinh Hữu Uân.
Phóng viên: Thưa BS trước mỗi kỳ thi rất nhiều sĩ tử đã dồn hầu hết thời gian cho việc ôn tập. Tuy nhiên, việc “chạy nước rút” có thực sự hiệu quả như nhiều học sinh cũng như các bậc cha mẹ mong muốn không? Ý kiến của BS về vấn đề này như thế nào?
ThS. BS. Đinh Hữu Uân: Phải khẳng định ngay là việc bắt não phải nạp một lượng lớn kiến thức trong một thời gian ngắn để đạt kết quả cao trong kỳ thi mà không quan tâm đến sức khỏe của nó là hết sức phản khoa học. Não bộ không phải là cỗ máy. Nếu bạn muốn đầu óc sáng suốt và minh mẫn khi kỳ thi đang đến gần hãy để não được nghỉ ngơi và thư giãn, bồi bổ. Giống như một cơ thể sống, não cần oxy, máu và dưỡng chất để có thể hoạt động khỏe mạnh. Khi dưỡng chất không đủ, oxy và máu lưu thông lên não kém hay còn gọi là thiếu máu não, trí óc cũng sẽ kém minh mẫn, học trước quên sau là hệ quả tất yếu, chưa kể cái sự “đói dưỡng chất” của não còn khiến các sĩ tử đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học hành, thi cử. Việc không có một phương pháp khoa học trong việc ôn thi cũng khiến trí não mất tập trung, tiếp thu kiến thức không hiệu quả.
Mỗi người chúng ta khi sinh ra đều được tạo hóa ban tặng một bộ não với số lượng tế bào não hay các neuron xấp xỉ như nhau (khoảng 15 tỷ neuron). Tuy vậy, khả năng làm việc, sự hưng phấn của não bộ rất khác nhau ở mỗi người nên khả năng thu nhận và xử lý thông tin cũng rất khác nhau. Hơn nữa, bộ não làm việc cũng cần có thời gian. Kiến thức đi vào cần được “tiếp nhận, phân loại và xử lý” một cách có hệ thống. Một lượng thông tin quá lớn vào “ào ạt” sẽ khiến bộ não chóng mệt mỏi và sinh bệnh tật. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng khiến các bạn mất tập trung khi học tập như phương pháp tư duy không khoa học, quá căng thẳng, lo âu kéo dài trước mỗi kỳ thi, học tập trái với chu kỳ sinh học của cơ thể kiểu “ngủ ngày cày đêm”, phải học những môn học mà mình không thích, tận dụng những phương pháp, những loại thuốc huy động trí nhớ (mà hiệu quả không rõ ràng) dẫn đến vắt kiệt sức não như các chất cường thần (amphetamine), các chất “cải thiện tuần hoàn não”... Và một vấn đề hết sức quan trọng, đó là ăn uống, sinh hoạt không đúng, không đầy đủ dẫn đến suy kiệt sức khỏe thể chất.
Hậu quả của việc học tập quá sức sẽ ra sao, thưa BS?
Càng cận kề ngày thi, nhiều sĩ tử, sinh viên bù đầu với lịch học kín mít ở trường, học thêm, học ở nhà với số lượng bài kiểm tra, thi thử dồn dập. Áp lực về khối lượng bài vở đòi hỏi phải tiếp thu càng nhân lên. Học ngày không đủ, nhiều thí sinh tranh thủ học đêm, gắng nhồi nhét kiến thức đến mức quá tải. Không chỉ học sinh áp lực, nhiều cha mẹ cũng lo lắng không kém. Chưa kể nhiều gia đình thúc ép, đặt kỳ vọng về kết quả thi đối với con. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều hướng về thí sinh, nhiều gia đình gắng đốc thúc con cái học nhiều hơn. Điều này vô tình gây thêm áp lực cho sĩ tử mà không mang lại kết quả như mong muốn.
Việc dồn ép học tập của các sĩ tử “cú đêm” không những làm tăng độ nhiễu cho não bộ mà còn gây hậu quả là mất dần khả năng tập trung về sau. Khi não bị ép tập trung liên tục sẽ tiết ra chất cortisol để giúp cơ thể chịu đựng sự căng thẳng. Tuy nhiên về lâu dài, cortisol biến thành chất độc gây hậu quả chậm lớn ở trẻ nhỏ và mau già ở tuổi thanh thiếu niên. Các dấu hiệu thường thấy như khó tiêu, mất ngủ, rụng tóc hay khô da sau khoảng thời gian ôn thi liên tục.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi trí não phải hoạt động liên tục mà không được nghỉ ngơi sẽ dẫn đến sự rối loạn tâm trí. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thần kinh. Sau một thời gian học tập kéo dài, căng thẳng, lo lắng, nhiều sĩ tử cảm thấy mệt mỏi, cảm giác như không còn sức lực; ăn uống kém, gầy sút hoặc lên cân nhanh; ngủ nhiều kiểu ngủ li bì, hay gặp ác mộng và rất mệt sau khi thức dậy chứ không tỉnh táo thoải mái như ở người bình thường. Nhiều bệnh nhân lại mất ngủ thường xuyên; đau đầu, đau tức ngực; cảm giác đè nặng ở ngực; khó thở; đau vùng thượng vị; học tập mất tập trung, trí nhớ giảm sút, chán nản, bi quan, ám ảnh tội lỗi hoặc cảm giác vô dụng của bản thân, xa lánh, tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh... Có người lại biểu hiện bằng những cơn kích động la hét, cười nói lảm nhảm mất kiểm soát, suy giảm hoặc mất ham muốn ăn uống, vui chơi hoặc các hoạt động xã hội khác. Nặng hơn có thể bị hoang tưởng tự sát. Thực tế đã cho thấy nhiều em học sinh tự tử trong mùa thi do quá căng thẳng hoặc kết quả thi không đạt như ý muốn.
Theo BS đâu là cách chăm sóc sức khỏe cho bộ não, trí nhớ một cách tốt nhất cho các sĩ tử, đặc biệt trong mùa thi cử?
Để chống lại các vấn đề như suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém, tư duy đình trệ, nhận thức chậm và giúp các thí sinh ôn tập, thi cử hiệu quả, theo tôi các sĩ tử cần:
Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho não: Ăn các chất dễ tiêu, nhiều calo, hoa quả tươi, sữa… để cung cấp thêm nguồn vitamin và khoáng chất cho não. Có thể bổ sung calo cho cơ thể qua nhiều bữa ăn phụ như uống thêm sữa, nước hoa quả. Không nên ăn quá no vì khi đó hệ tuần hoàn sẽ tăng tưới máu cho dạ dày, ruột, tụy… để tiêu hóa thức ăn nên làm cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ, mất tập trung.
Tạo sự phấn khích, đam mê trong việc học hành. Nếu không có thích thú và ham mê, sẽ dễ mệt mỏi, chán nản, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm, loạn thần nếu bị thúc ép học tập quá sức.
Có chế độ học tập khoa học, hợp lý. Tuyệt đối tránh thức quá khuya “ngủ ngày, cày đêm” rất nhanh làm cơ thể suy nhược do trái nhịp sinh học. Một giấc ngủ sâu sẽ là liều thuốc tốt nhất giúp não bộ hồi phục khả năng làm việc.
Xây dựng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý và vận động thường xuyên. Ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày. Khi đi ngủ cần tắt điện thoại, máy tính, phòng ngủ không để nhiều sách vở; tắm nước ấm; ăn nhiều trái cây; dành thời gian thư giãn, vận động để giảm căng thẳng...
Nên cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao vừa tăng cường thể lực vừa thư giãn sau các buổi học căng thẳng.
Không nên sử dụng tràn lan các chế phẩm “tăng cường sức khỏe” như các loại vitamin tổng hợp, các loại khoáng chất, axít folic… vì các chất này dùng nhiều sẽ tích lũy và gây hại cho cơ thể.
Thuốc lá, trà, cà phê có thể gây tỉnh táo nhất thời nhưng nếu lạm dụng sẽ rất dễ bị mệt mỏi, mất tập trung.
Không có thuốc tăng cường trí nhớ, chỉ có thuốc điều trị suy giảm trí nhớ ở những người có bệnh lý về vấn đề này.
Tuyệt đối không dùng các chất ma túy gây hưng phấn như amphetamin, các đồ uống có cồn vì dễ gây hoang tưởng, ảo giác, suy giảm trí nhớ và gây nghiện.
Học đúng phương pháp, có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp giảm áp lực mùa thi và ôn thi trúng đích, hiệu quả.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên hiểu rõ khả năng của con em mình, từ đó cũng không nên ép buộc, thúc giục, bắt con em chúng ta phải học tập quá sức, bởi có thể sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Với con cháu mình, BS có lời khuyên gì trước mỗi một kỳ thi?
Trước tiên là tôi không bao giờ ép các cháu học mà chỉ đưa ra lời khuyên. Việc thu nạp kiến thức phải được tiến hành một cách từ từ, không học dồn, học cố và không thức trắng đêm để học. Các con tôi luôn có thời gian biểu hợp lý, giữ tâm lý thoải mái khi ôn thi. Ngủ đủ 8 giờ/ngày và luôn có chế độ dinh dưỡng phù hợp, đầy đủ để đảm bảo sức khỏe. Với tôi học phải đi đôi với việc thư giãn tham gia các hoạt động cộng đồng. Chính vì thế, tôi luôn cùng các con tham gia các hoạt động thể dục, thể thao để rèn luyện sức khỏe.
Xin trân trọng cám ơn BS!