Sét đánh có làm rơi máy bay được không?

27-07-2014 09:34 | Quốc tế
google news

Hành khách và phi hành đoàn trên những chuyến bay thương mại ngày nay có thể nhìn thấy ánh chớp và nghe thấy tiếng động lớn nếu máy bay của họ bị sét đánh trúng...

Hành khách và phi hành đoàn trên những chuyến bay thương mại ngày nay có thể nhìn thấy ánh chớp và nghe thấy tiếng động lớn nếu máy bay của họ bị sét đánh trúng...

Ngành hàng không đang trải qua quãng thời gian đen tối khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn và sự cố nghiêm trọng. Trong số này, có ít nhất 2 vụ việc được cho là liên quan đến sét: máy bay AH5017 của Air Algérie rơi ở Mali khiến toàn bộ 116 hành khách thiệt mạng. Có nhân chứng cho biết đã nhìn thấy máy bay bị sét đánh; má bay của EasyJet (Anh) chở 156 hành khách phải hạ cánh khẩn cấp sau khi trúng sét.

Liệu sét có thể làm rơi máy bay? Hãy xem phân tích của các chuyên gia thế giới trên tạp chí khoa học danh tiếng Scientific American.

Trung bình, mọi máy bay dân dụng của Mỹ đều bị sét đánh ít nhất 1 lần mỗi năm. Thế nhưng, từ năm 1967 đến nay, không một máy bay dân dụng nào của Mỹ bị rơi vì sét. Điều này cho thấy, công nghệ hiện đại có thể đảm bảo độ an toàn gần như tuyệt đối cho các chuyến bay trước tác động của sét.

Trên thực tế, trong những năm 1940-1960, đôi khi vẫn xảy ra các vụ rơi máy bay do sét đánh cháy khoag nhiên liệu, hỏng hệ thống điện tử... Nhưng từ đó đến nay, hàng loạt các công nghệ mới được áp dụng đã khiến những vụ tai nạn này trở thành quá khứ.

Đầu những năm 1980, NASA đã thực hiện một dự án xem xét ảnh hưởng của sét đến các thế hệ máy bay hiện đại. Bruce Fisher và đồng nghiệp đã chọn một cách nghiên cứu cực kỳ mạo hiểm: bay thẳng vào các vùng giông bão, để cho sét đánh vào máy bay của mình và xem điều gì xảy ra, thay vì ngồi tính toán bằng các mô hình trên máy tính.

Trong 8 năm thực hiện dự án, chiếc F-106B của nhóm nghiên cứu đã bay gần 1.500 chuyến vào vùng thời tiết nguy hiểm, bị sét đánh trúng hơn 700 lần nhưng vẫn trở về an toàn.

Cũng giống như Bruce Fisher, hành khách và phi hành đoàn trên những chuyến bay thương mại ngày nay có thể nhìn thấy ánh chớp và nghe thấy tiếng động lớn nếu máy bay của họ bị sét đánh trúng. Nhưng sẽ không có gì nghiêm trọng xảy ra.

Edward Rupke, kỹ sư trưởng của Lightning Technologies, công ty hàng đầu thế giới về công nghệ chống sét cho biết, hầu hết vỏ máy bay được chế tạo chủ yếu bằng nhôm, một chất liệu dẫn điện rất tốt, hoàn toàn không có khe hở, nên khi bị sét đánh, dòng điện sẽ chỉ di chuyển dọc theo lớp vỏ ngoài của máy bay mà không gây ảnh hưởng gì đến bên trong.

Một số loại máy bay hiện đại vỏ bằng composite dẫn điện kém sẽ được bọc thêm một lớp lưới mỏng bằng đồng để chống sét. Hệ thống dây dẫn dài hàng kilomét, máy tính và các thiết bị điều khiển khác của máy bay được bảo vệ bằng các lớp bọc chống sét và thiết bị triệt xung đột biến điện hiện đại do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hoặc các cơ quan chức năng tương tự ở các nước sản xuất máy bay kiểm định.

Hệ thống nhiên liệu của máy bay, bao gồm khoang chứa, ống dẫn, đường cấp, nắp đậy được thiết kế và chế tạo để không một tia lửa nhỏ nào có thể bùng phát trong trường hợp bị sét đánh trúng.

Phần vỏ máy bay bên ngoài khoang chứa xăng phải đủ dày để không bị cháy thủng. Phần mũi hình chóp nón chứa radar và các thiết bị bay khác cũng được chú ý đặc biệt khi chế tạo máy bay. Để đảm bảo hoạt động của radar, phần vỏ ở đây không thể làm bằng các chất dẫn điện. Thay vào đó, các dải phân tán sét sẽ được gắn bên ngoài mũi máy bay. Dải phân tán sét có thể bao gồm các thanh kim loại, hoặc một loạt các đinh tán bằng chất liệu dẫn điện đính gần nhau trên một băng chất dẻo. Thiết bị này hoạt động tương tự như cột thu lôi của các tòa nhà.

Tất cả những cải tiến này giúp máy bay ngày nay hầu như không còn sợ sét đánh. Trên thực tế, trong vài thập kỷ qua, chỉ có một vài vụ tai nạn hàng không do sét đánh xảy ra với các loại máy bay hạng nhẹ, ít chỗ ngồi. Nếu chiếc máy bay của Air Algerie được xác định rơi do sét đánh thì đây có thể là một sự cố hiếm gặp của ngành hàng không hiện đại.

 

 


Ý kiến của bạn