Sếp và “bản lĩnh đàn ông”

24-12-2015 15:17 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Bản lĩnh đàn ông có nhiều cách hiểu. Hiểu theo nghĩa tình dục thì nhậu và căng thẳng rất “kỵ” với bản lĩnh. Nhậu “sương sương” thì hưng phấn, nhưng nhậu “quắc cần câu” thì chỉ còn nước quay lơ ngáy khò khò thôi.

“Bản lĩnh đàn ông” liên quan thế nào với nhậu và căng thẳng?

Bản lĩnh đàn ông có nhiều cách hiểu. Hiểu theo nghĩa tình dục thì nhậu và căng thẳng rất “kỵ” với bản lĩnh. Nhậu “sương sương” thì hưng phấn, nhưng nhậu “quắc cần câu” thì chỉ còn nước quay lơ ngáy khò khò thôi. Căng thẳng, lo âu làm giảm ham muốn. “Bản lĩnh đàn ông” làm sao thể hiện được khi trong đầu lúc nào cũng lo chuyện thi cử, làm ăn, nợ đáo hạn..., nếu có ráng “trả bài” thì cũng chẳng thể “thuộc bài” được, mới ấp úng vài câu là đã xong rồi.

Khả năng bị “trục trặc” của các sếp có cao hơn người bình thường không?

Làm sếp tức là đã mang trong mình đủ các yếu tố gây hại cho bản lĩnh đàn ông: nhậu, căng thẳng, ít vận động, thức khuya, tăng huyết áp, mỡ máu cao và... mặc cảm. Mặc cảm vì bình thường, sếp chỉ cần hắng giọng một cái là bao nhiêu người răm rắp tuân lệnh, vậy mà “cái gã” nhỏ xíu đó có lệnh cỡ nào cũng chẳng thèm nghe. Do vậy mà sếp dễ gặp trục trặc hơn “lính” của mình và khi có rối loạn rồi thì bệnh của sếp khó chữa hơn bệnh của lính. Bởi vì, bệnh gì đi khám thì không sao chứ bệnh yếu yếu này đi khám thì rất “quê”. Thêm nữa, trong cả trăm phòng khám bệnh thì số phòng khám chuyên bệnh nam học ít ỏi như lá mùa đông. Chưa kể, kiếm một nơi khám cho kín đáo, yên tĩnh không phải là chuyện dễ trong thời buổi bệnh viện, phòng khám nào cũng quá tải.

Có giải pháp nào để kiểm tra “bản lĩnh đàn ông” thời nay hay không?

Có chứ. Kiểm tra đầu tiên không phải là “tiền đâu”, vì các sếp chẳng bận tâm lắm tới chi phí miễn là hiệu quả tốt và dịch vụ chuyên nghiệp, mà là các sếp cần kiểm tra tổng quát: đường, mỡ, gan, thận, tim, phổi... Kế đến là kiểm tra các cơ quan nội tiết sinh dục: tinh hoàn, tuyến tiền liệt. Khám chi tiết cái “kẻ ngỗ ngược” là trọng tâm của bác sĩ nam khoa: “hắn” dài - ngắn cỡ nào, to - nhỏ ra sao, độ cứng như thế nào, hai “hòn” to chắc hay nhỏ - mềm nhũn... Sếp còn được đề nghị trả lời một bản câu hỏi “thầm kín”. Sau một vòng kiểm tra, bác sĩ sẽ cho biết “bản lĩnh” của sếp tới đâu, vẫn mạnh mẽ hay đó chỉ còn là “những kỷ niệm đẹp”.

Cần làm gì để cải thiện tình trạng này?

Trả lời cho câu hỏi này thì chúng ta cần lưu ý: Sếp cần bớt nhậu, cần ăn uống điều độ, cần không thức khuya, cần thể dục thể thao đều đặn, cần vân vân và vân vân. Nếu giảm hết các yếu tố nguy cơ có lẽ sếp sẽ nói: “Vậy tui làm lính cho rồi”. Thôi thì các sếp cần làm ít nhất mấy điều sau: thể dục thể thao đều đặn, giảm stress tối đa, tránh nhậu khi không cần thiết. Máy muốn chạy tốt thì cần duy tu bảo dưỡng định kỳ, nên để “bản lĩnh đàn ông” được duy trì tới tuổi... 90 thì các sếp cần khám sức khỏe nam giới định kỳ mỗi năm, sau khi bước qua tuổi 40. Tuổi 40-50 là thời hạn “best before” của hầu hết cơ quan trong cơ thể trong đó có bộ sinh dục. Ngoài ra, khi nào thấy “bản lĩnh” hơi xuống và tình trạng này kéo dài 3-6 tháng thì dù ở tuổi nào, sếp cũng nên đi khám. Khám sớm, chữa sớm, dễ hết bệnh.

Lời khuyên dành cho các sếp để có thể “khỏe” hơn, và “bản lĩnh” hơn

Lời khuyên đã nằm trọn trong những ý đã nói ở  trên. Đừng mong “khỏe hơn”, chỉ cần “người ta sao thì mình vậy” là quá tốt rồi. Không nên bồi bổ quá nhiều mà lại phản tác dụng và “đứt phanh” có ngày.

Xin chúc các sếp một năm mới làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, “bản lĩnh” ngày nào vẫn “ai sao, tôi vậy” và “ai cần, tôi có”.


TS.BS. Như Thành
Ý kiến của bạn