Sẹo lồi hiểu như thế nào cho đúng?

08-09-2019 07:15 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Con tôi năm nay 18 tuổi, bị té xe vết thương ở tay - chân, sau khi lành phát triển thành sẹo lồi, điều trị mãi, nhiều nơi vẫn chưa khỏi và ngày phát triển to hơn. Vậy tôi nên hiểu về sẹo lồi như thế nào cho đúng, để khỏi hoang mang?Rất mong được báo SK&ĐS giúp đỡ, tôi chân thành cảm ơn.

(Thái Trần Hùng - TP.HCM)

Sẹo phì đại còn gọi là sẹo lồi, là tình trạng tăng Collagen da lành tính, do Alibert đặt tên lần đầu tiên từ năm 1816, có tên khoa học là Chéloide, bệnh gặp ở một số cơ địa có thể tạng đặc biệt gây sẹo phì đại và ở một vùng nào nhất định của cơ thể, bệnh thường tiến triển chậm, với sang thương nổi gồ cao hơn mặt da, màu tím - hồng, có cảm giác hơi ngứa trước khi sẹo to dần.

Về nguyên nhân cho đến nay người ta vẫn chưa rõ, nhưng có nhiều giả thuyết cho rằng có thể do di truyền, do tác động của hormon sinh dục, vai trò của dưỡng bào, do cơ chế miễn dịch, do thiếu máu cục bộ… Hiện tại sẹo phì đại thường gặp hầu hết các trường hợp trong chấn thương, trên những vết trầy xước da, sau phẫu thuật, sau thủ thuật thẩm mỹ, vết đốt côn trùng, thủy đậu, Zona, xăm mình, mụn trứng cá, nhọt; căng da sau phẫu thuật, các vết thương nhiễm trùng…

Giải pháp cho điều trị, hiện nay có nhiều phương pháp, nhưng phần lớn chỉ là giải quyết tạm thời vì sau điều trị sẹo phì đại có thể phát triển trở lại; các phương pháp điều trị được ứng dụng nhiều hiện nay là điều trị nội khoa như phương pháp tiêm Corticoide tại chỗ, thuốc thường dùng Triamcinolone Acetonide.

Phương pháp này có tác dụng tốt làm xẹp sẹo, hết ngứa, nhưng có bất lợi là dễ gây nhiều tác dụng phụ do thuốc như teo da, mất màu da, có thể gây rong kinh ở phụ nữ, thủng dạ dày trên bệnh nhân có sẵn tiền căn loét dạ dày - tá tràng…

Triamcinolone Acetonide có tác dụng ức chế Alpha 2 - macroglobuline, chất có tác dụng ức chế Collagenase, một khi chu trình này bị ngăn chặn, lượng collagenase sẽ tăng và do đó sẽ làm thoái hóa collagen, tiêm đến lớp nhũ bì, nơi tạo ra chất collagenase, không tiêm vào mô dưới da vì có thể làm teo lớp mỡ bên dưới sẽ gây teo da chỗ tiêm, thuốc thường được tiêm 1 đến 3 lần, mỗi lần cách 2 đến 3 tuần; cần báo trước cho bệnh nhân là vùng tiêm thuốc có thể bị mất sắc tố, teo da và giãn mao mạch xung quanh chỗ tiêm, tiêm trong sẹo nên gây đau, cần sử dụng thuốc để giảm đau, thoa trước khi tiêm ít nhất là 20 phút. Để tránh tái phát sẹo nên tiêm 2 - 3 lần, mổi lần cách nhau từ 7 đến 10 ngày.

Điều trị bằng Interferon, Interferon-alpha và gamma ức chế tổng hợp collagen loại I và III bằng cách khử Acid Ribonucleic thông tin nội bào, liều thường dùng là 1 triệu đơn vị vào mỗi centimét chiều dài da xung quanh chỗ phẫu thuật, tiêm ngay sau phẫu thuật và tiêm nhắc lại sau 7 đến 10 ngày.

Điều trị bằng 5-flurouracil; phương pháp chấm Nitơ lỏng, phương pháp này có tác dụng làm tiêu huỷ mô cứng, làm giảm bớt sẹo, nhưng sau đó sẹo cũng có thể phát triển trở lại; có thể dùng phương pháp thoa thuốc khác để bôi… với các thuốc này việc điều trị cần kiên trì, hiệu quả chậm và thời gian dùng thuốc kéo dài.

Điều trị theo phương pháp ngoại khoa, tức là phẫu thuật bỏ sẹo và khâu lại, đây là phương pháp giúp người bệnh thấy hiệu quả tức thì nhưng sau đó sẹo thường phát triển trở lại và có khuynh hướng to hơn; đốt sẹo bằng Laser CO2, phương pháp được ứng dụng nhiều hiện nay, dùng tia Laser đốt phẳng ngang mặt da, sau khi lành chích Corticoid sẽ hạn chế được sẹo phát triển trở lại.

Về phòng bệnh là vô cùng quan trọng, nhất là người bệnh có tiền sử bản thân hay gia đình có sẹo phì đại,  không nên tiến hành tất cả các thủ thuật nào kể cả thẩm mỹ khi chưa cần thiết; nên tránh các thủ thuật tối đa ở vùng ngực, những vùng tổn thương da phải cần đến phẫu thuật, nhất thiết phải được điều trị kháng sinh thích hợp để tránh nhiễm trùng; tất cả những vết thương do phẫu thuật cần khâu lại cố gắng tạo mức độ căng da bình thường, tránh những vết mổ có những đường cắt ngang da, mà cố gắng phẫu thuật cắt da theo hình elip nằm ngang theo cùng hướng với đường căng của da.

Tóm lại, sẹo phì đại xuất hiện theo cơ địa, qua từng thời gian và trên từng vùng của cơ thể, kể cả thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm cũng không lường trước về xuất hiện của sẹo. Về nguyên nhân của sẹo phì đại hiện nay vẫn được các nhà khoa học tiếp nghiên cứu, việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn, chưa có một giải pháp nào là hoàn hảo như mong đợi, vì có biến chứng gây biến dạng co rút làm mất hoặc hạn chế chức năng vận động của khớp, đặc biệt ở vùng khớp như bàn tay - bàn chân, khớp gối, khớp khuỷu, cho nên cần điều trị thật tốt khi có vết thương, cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là hạn chế tối đa việc gây thương tích cho cơ thể và tránh những phẫu thuật khi chưa thật cần thiết, trong đó có các thủ thuật được cho là thẩm mỹ.


BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Ý kiến của bạn