Sen - thực phẩm bổ dưỡng và trị bệnh

20-01-2023 08:30 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Sen không chỉ dùng để ướp trà hay làm mứt thường ăn vào dịp tết, làm thực phẩm bổ dưỡng mà còn có mặt trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh...

Theo sách 'Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam' của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, sen còn có tên là liên, quỳ. Tên khoa học Nelumbo nucifera Gaertn. Thuộc họ Sen Nelumbonaceae.

Sen là một loại cây mọc ở dưới nước, thân rễ hình trụ mọc ở trong bùn thường gọi là ngó sen hay ngẫu tiết, ăn được, lá (liên diệp) mọc lên khỏi mặt nước, cuống lá dài, có gai nhỏ, phiến lá hình khiên, to, đường kính 60-70 cm có gân tỏa tròn.

Tâm sen còn gọi là liên tâm hay liên từ tâm là chồi mầm phơi hay sấy khô lấy ở hạt sen.

Sen được trồng ở nhiều nơi trong nước ta để ăn và dùng làm thuốc. Mùa thu hái vào các tháng 7-9.

Sen – thực phẩm bổ dưỡng và nhiều công dụng trị bệnh - Ảnh 1.

Sen có nhiều công dụng cho sức khỏe.

1. Công dụng và liều dùng

1. Tâm sen

 dùng chữa tim hồi hộp, mất ngủ, di mộng tinh. Ngày uống 4-10g tâm sen khô dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha, có thể thêm đường cho dễ uống.

Theo tài liệu cổ, tâm sen có vị đắng, tính hàn; có tác dụng thanh tâm khứ nhiệt; dùng chữa tâm phiền, thổ huyết.

2. Ngó sen 

Ngó sen (liên ngẫu) có asparagin 2% arginine, trigonelin, tyrocin, ête photphoric, glucoza, vitamin C.

Ngó sen làm thức ăn, thuốc cầm máu, dùng trong những trường hợp đi ngoài ra máu, tiểu tiện ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết. Ngày dùng từ 6-12g dưới dạng thuốc sắc.

Sen – thực phẩm bổ dưỡng và nhiều công dụng trị bệnh - Ảnh 2.

Ngó sen là thuốc cầm máu.

3. Hạt sen

Hạt sen (thạch liên tử) chính là quả sen, có vỏ quả, nếu bóc lấy hạt, ta sẽ được liên nhục hay liên tử. Trong liên nhục, người ta đã phân tích thấy có nhiều tinh bột, trigonelin, đường, protid 16,6%, chất béo 2%, carbon hydrat 62%, canxi 0,089%, photpho 0,285%, sắt 0,0064%.

- Thạch liên tử: Thường dùng chữa lỵ cấm khẩu với liều từ 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc.

- Liên nhục: Thuốc bổ, cố tinh, chữa di tinh, mất ngủ, thần kinh suy nhược. Ngày dùng từ 10 đến 30g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Theo tài liệu cổ, liên tử vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, sáp trường, cố tinh; dùng chữa tỳ hư sinh tiết tả (tiêu chảy), di mộng tinh, băng lậu (xuất huyết không bình thường ở tử cung của nữ giới ngoài chu kỳ kinh nguyệt), đới hạ (bệnh phụ khoa).

Sen – thực phẩm bổ dưỡng và nhiều công dụng trị bệnh - Ảnh 3.

Hạt sen bổ tỳ.

4. Liên phòng

Là gương sen già sau khi đã lấy hết quả rồi phơi khô. Trong liên phòng có protid 4,9%, chất béo 0,6%, carbon hydrat 9%, carotin, nuclein, vitamin C.

Theo tài liệu cổ, liên phòng có vị đắng, chát, tính ôn, vào hai kinh can và tâm bào; có tác dụng tiêu ứ, cầm máu; dùng chữa ứ huyết, bụng đau, đẻ xong nhau chưa ra, băng huyết, tiểu tiện ra máu, tiểu tiện khó khăn.

Đơn thuốc chữa băng huyết sau khi đẻ: Gương sen 5 cái, hương phụ 80g. Đốt cháy, tán nhỏ. Ngày uống 8-24g, chia 2-3 lần uống.

5. Lá sen

Lá sen hay còn gọi là hà diệp. Trong lá sen có 0,20-0,30% tannin, một lượng nhỏ alkaloid.

Theo tài liệu cổ, lá sen vị đắng, tính bình, vào ba kinh can, tỳ và vị; có tác dụng thăng thanh, tán ứ, thanh thử hành thủy; dùng chữa thử thấp tiết tả, thủy chí phù thũng, lôi đầu phong, nôn ra máu, chảy máu cam, băng trung huyết lỵ.

Sen – thực phẩm bổ dưỡng và nhiều công dụng trị bệnh - Ảnh 4.

Lá sen có tác dụng tán ứ.

6. Liên tu

Là tua nhị đực của hoa sen bỏ hạt gạo đi, rồi phơi khô, chứa nhiều tannin.

Công dụng và liều dùng: Chữa băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh. Ngày uống 5-10g dưới dạng thuốc sắc.

Sen – thực phẩm bổ dưỡng và nhiều công dụng trị bệnh - Ảnh 5.

Tâm sen chữa mất ngủ.

2. Một số bài thuốc từ cây sen

GS. Đoàn Thị Nhu – nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu giới thiệu một số bài thuốc từ cây sen:

- Chữa tiêu hóa kém ở trẻ em, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, phân sống, gầy yếu, phù thũng, vàng da: Hạt sen 4g, bạch truật 12g (sao tẩm), phục linh 6g, nhân sâm 8g, thục địa 4g, chích thảo 3g, gừng nướng 3 lát, táo ta 2 quả. Sắc uống ngày 1 thang, uống trong ngày, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

- Hỗ trợ chữa sốt xuất huyết: Lá sen, ngó sen (hoặc cỏ nhọ nồi), rau má, mỗi vị 30g; bông mã đề 20g. Nếu có xuất huyết, tăng thêm cuống, lá, ngó sen lên 40g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

- Thuốc bổ tỳ, giúp ăn ngủ ngon, đại tiểu tiện dễ dàng: Hạt sen, hà thủ ô đỏ, hoài sơn, ý dĩ, cỏ xước râu mèo, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang. Chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

- Chữa suy nhược thần kinh: Hạt sen, thục địa, hoài sơn, tang ký sinh, hà thủ ô đỏ, kim anh, mỗi vị 12g; quy bản, kỷ tử, thỏ ty tử, ngưu tất, đương quy, táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang. Chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

- Chữa suy nhược cơ thể ở người thiếu máu, phụ nữ sau khi đẻ mất máu: Hạt sen, sa sâm, mạch môn, kỷ tử, mỗi vị 12g; long nhãn 9g; tâm sen, táo nhân, mỗi vị 8g; đăng tâm 6g. Sắc uống ngày một thang. Chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

- Chữa rong huyết: Ngó sen 12g, quy bản 24g, mẫu lệ 20g, sinh địa 16g; hoàng cầm, a giao, sơn chi, địa du, mỗi vị 12g; địa cốt bì 10g, cam thảo 4g; Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

Hoặc hạt sen 16g, sâm bố chính 12g, hoài sơn 12g. Tán bột hoàn viên với mật ong, uống mỗi 20-30g.

- Chữa tiểu tiện ra máu do viêm nhiễm cấp tính đường tiết niệu: Ngó sen 12g, sinh địa 20g, hoạt thạch 16g; tiểu kế, mộc thông, bồ hoàng sao, đạm trúc diệp, sơn chi, mỗi vị 12g; chích thảo, đương quy, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

- Chữa chứng hồi hộp, đau lưng mỏi gối, ăn kém, ngủ ít: Hạt sen 12g, hoài sơn 16g; thục địa 12g; trạch tả, phụ tử chế, táo nhân, mỗi vị 8g; nhục quế 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

- Chữa khí hư: Hạt sen, đảng sâm, ý dĩ, khiếm thực, mã đề, mỗi vị 16g, bạch truật, hoài sơn, mỗi vị 12g; trần bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

5 sai lầm nghiêm trọng khi giải rượu cho người say.

Mai Phương
Ý kiến của bạn