Sen Đônta này ở Sóc Trăng thêm nhiều niềm vui

15-10-2023 06:27 | Xã hội

SKĐS - Đón Sen Đônta năm nay, bà con Khmer ở Vĩnh Hải đã chuẩn bị tươm tất, chu đáo hơn các năm trước, vì kinh tế ngày càng khấm khá.

Đón tuyến lộ nông thôn ấp mới nhân mùa lễ Sen Đônta truyền thống

Năm nay trong ba ngày từ ngày 13 – 15/10/2023 (ngày 29/8 – 1/9 âm lịch) khoảng 1,3 triệu đồng bào Khmer Nam bộ vui mừng đón lễ Sen Đônta (lễ cúng ông bà).

Đây là lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống của đồng bào Khmer gìn giữ qua nhiều thế hệ, thể hiện nét đẹp "báo hiếu" với đấng sinh thành, với tổ tiên, cũng như bày tỏ lòng biết ơn những người có công với đất nước và phum, sóc.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi rõ rệt.

Vào những ngày này, có dịp về các phum sóc ở Sóc Trăng mới cảm nhận được không khí đón mùa lễ Sen Đônta truyền thống của đồng bào Khmer. Vui nhất là hơn 90 hộ dân (100% hộ Khmer) ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) là tuyến lộ nông thôn ấp vừa mới hoàn thành vào dịp lễ Sen Đônta.

Sen Đônta này ở Sóc Trăng thêm nhiều niềm vui- Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chúc mừng lễ Sen Đônta tại chùa Phnor Kom Pôt, xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) và động viên người dân Khmer đón lễ thật đầm ấm, vui tươi và giàu bản sắc văn hóa.

Đồng bào thiểu số mừng vì đời sống ngày càng nâng cao

Ông Thạch Siêm, ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ chia sẻ: Con lộ giao thông nông thôn cũ bề rộng chỉ khoảng 2m, nhiều đoạn đã xuống cấp nên việc đi lại của người dân rất khó khăn, nhất là trường hợp bị đau ốm. Nay được Nhà nước đầu tư tuyến lộ mới, người dân trong ấp rất vui, tự nguyện hiến đất đai, tạo thuận lợi trong việc thi công. Giờ con lộ mới rộng rãi hơn, ôtô có thể vào được nên việc đi lại của người dân rất thuận tiện, việc vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, đến trường của con em cũng dễ dàng hơn.

"Chương trình MTQG 1719 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở đây ngày càng được nâng lên" – ông Siêm nói.

Sự đổi thay, sung túc ở phum sóc hiện rõ qua việc tổ chức đón lễ Sen Đônta của đồng bào Khmer Sóc Trăng. Các gia đình Khmer, ngoài giờ lao động, sản xuất, đều tranh thủ sửa soạn, dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa khang trang sạch đẹp.

Ông Lý Sên ở Trà Sết, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: "Đón Sen Đônta năm nay, gia đình tôi cùng bà con Khmer ở Vĩnh Hải đã chuẩn bị tươm tất, chu đáo hơn các năm trước, vì kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Thời gian qua, đồng bào dân tộc Khmer chúng tôi lúc nào cũng được Đảng và Nhà nước chăm lo rất nhiều như hỗ trợ xây nhà, vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất...Tôi tin rằng, với sự quan tâm của của cấp ủy, chính quyền đia phương trong thời gian qua, rồi đây đồng bào dân tộc Khmer chúng tôi sẽ thoát nghèo và vươn lên khá giả".

Sen Đônta này ở Sóc Trăng thêm nhiều niềm vui- Ảnh 2.

Không khí rộn ràng đón mừng lễ Sen Đônta của đồng bào Khmer năm 2023.

Đồng bào động viên nhau làm kinh tế

Từ nhiều ngày qua, tiếng kinh kệ đã vang vọng khắp chùa Phnor Kom Pôt, xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Lễ Sen Đônta về mang theo không khí háo hức, rộn ràng trên các phum, sóc, không khí trong mọi gia đình đều rất ấm áp, vui vẻ.

Ông Thạch Công ở ấp Phnor Kom Pôt, xã Tham Đôn chia sẻ: Năm nay, mùa màng thuận lợi, đời sống gia đình tôi từng bước nâng lên, nên đón lễ Sen Đônta cũng chuẩn bị thật chu đáo, sung túc. Năm nào gia đình cũng đi lễ chùa để tỏ lòng biết ơn người đã khuất, ông bà cha mẹ và để giáo dục lớp trẻ sau này biết ơn nghĩa, biết giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của lễ hội này. Đây cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi về đời sống, tinh thần nhất là động viên nhau nỗ lực làm kinh tế để xây dựng phum sóc, xây dựng chùa chiền, xã hội phát triển.

Vài ngày trước khi diễn ra lễ Sen Đônta truyền thống của đồng bào Khmer, các sư trong chùa đã trang trí cờ hoa, sơn phết lại vách tường, tu sửa các công trình phụ, dọn dẹp cảnh quan môi trường để tạo diện mạo mới cho chùa.

Trưởng Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng, ông Lý Rotha cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer đón lễ Sen Đônta vui tươi, ấm áp, Ban Dân tộc phối hợp với ngành chức năng, địa phương tổ chức một số hoạt động như Họp mặt các vị sư sãi, cán bộ hưu trí, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công cách mạng và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là người dân tộc Khmer; tổ chức đoàn đi thăm, chúc tết, tặng quà Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, chùa Khmer...

"Chúng tôi mong rằng các vị chư tăng, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh tổ chức các hoạt động, lễ hội văn hóa truyền thống thật vui vẻ. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất, học tập, công tác; lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển" – ông Lý Rotha nhấn mạnh.

Về với phum sóc đồng bào Khmer trong dịp lễ Sen Đônta cổ truyền năm nay, chúng tôi cảm nhận một khung cảnh thanh bình, no ấm thể hiện cuộc sống mới ngày càng phát triển và sung túc. Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, bà con Khmer ở các phum, sóc đang có một lễ hội rộn ràng niềm vui.

An Giang đầu tư có trọng điểm Chương trình MTQG 1719, thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTSAn Giang đầu tư có trọng điểm Chương trình MTQG 1719, thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS

SKĐS - Tỉnh An Giang triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những dự án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), từ đó đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng có đông đồng bào DTTS.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý ở Hà Giang.

Hữu Lợi
Ý kiến của bạn